Sau loạt bài của Dân Việt, chuyên gia giáo dục "hiến kế" giữ chân giáo viên mầm non (bài cuối)

Gia Khiêm Thứ hai, ngày 14/02/2022 06:00 AM (GMT+7)
Sau loạt bài chủ trường lo ngại thiếu giáo viên mầm non cùng gánh nặng hàng tỷ đồng giữ trường sau đại dịch Covid-19 của báo Dân Việt, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cùng PGS.TS Trần Thành Nam đã lên tiếng đưa ra nhiều kế sách gỡ khó, "níu" chân các giáo viên.
Bình luận 0

Nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT nêu 3 điều cần làm trước nỗi lo thiếu giáo viên mầm non

Mấy ngày nay, báo Dân Việt đăng tải loạt bài viết "Hà Nội lo ngại thiếu giáo viên mầm non sau đại dịch Covid-19" nhận được sự quan tâm của dư luận. Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, trường học đóng cửa, nhiều giáo viên mầm non lao đao tìm việc kiếm việc làm mới. Bên cạnh đó các chủ trường mầm non tư thục lâm cảnh nợ nần, stress, suy nhược khi "cõng" chi phí thuê mặt bằng lớn. Nhiều người ngậm ngùi chi hàng tỷ đồng để giữ trường chờ ngày mở cửa.

Sau loạt bài của Dân Việt, chuyên gia giáo dục "hiến kế" làm gì để giữ chân giáo viên mầm non (bài cuối) - Ảnh 1.

Một trường mầm non tư thục tại Hà Nội tổ chức cho học sinh đi dã ngoại thời điểm trước dịch Covid-19. Ảnh: NTCC

Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT chia sẻ, đã làm giáo viên ai cũng muốn yêu nghề, gắn bó với nghề. Thế nhưng có người phải chuyển nghề do hoàn cảnh sống. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, trẻ nhỏ phải ở nhà, trường học đóng cửa, họ không còn cách gì khác phải đi tìm kiếm công việc lo cho bản thân, gia đình.

Ông Nhĩ cho rằng, có không ít giáo viên bỏ nghề không phải không yêu nghề nhưng do cuộc sống, thu nhập không có nên tìm công việc khác, có người không muốn quay lại với nghiệp "gõ đầu trẻ"… Điều này thể trách họ được, đó là do cuộc sống. Theo ông, sau đại dịch Covid-19 chắc chắn ngành mầm non không chỉ tại Hà Nội mà nhiều tỉnh thành khác sẽ rơi vào cảnh thiếu giáo viên.

Sau loạt bài của Dân Việt, chuyên gia giáo dục "hiến kế" làm gì để giữ chân giáo viên mầm non (bài cuối) - Ảnh 2.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT. Ảnh: NVCC

Để giữ chân giáo viên mầm non, ông Nhĩ cho rằng, các trường nên có điều tra cụ thể những giáo viên trước đây gắn bó với mình nhưng giờ tìm việc khác làm. Họ không quay lại có lẽ do thu nhập ở nơi khác cao hơn hay vì lý do gì khác.

"Trước hết các trường nên mời giáo viên trở về, tìm hiểu nguyện vọng, khó khăn của họ, giúp họ giải quyết. Ví dụ ở nơi khác có thu nhập cao hơn nhưng khi mình mời họ về thì giải thích khó khăn đã qua, cơ sở có khoản hỗ trợ giáo viên trong khoảng thời gian ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 vừa qua. Tôi nghĩ việc này chắc chắn sẽ lôi kéo không phải tất cả nhưng có lẽ được đa số người trở lại với trường", ông Nhĩ chia sẻ.

Sau loạt bài của Dân Việt, chuyên gia giáo dục "hiến kế" làm gì để giữ chân giáo viên mầm non (bài cuối) - Ảnh 3.

Trường mầm non tại KĐT Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội phủ bụi sau nhiều ngày đóng cửa. Ảnh: Gia Khiêm

Nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, lâu dài ngành giáo dục cũng phải tính toán bằng việc tăng cường đào tạo các hệ giáo viên mầm non. Cụ thể, theo ông, Bộ GDĐT cho phép các trường mầm non tuyển dụng giáo viên học xong lớp 12 để "cầm tay chỉ việc" hỗ trợ, sau đó có kế hoạch bồi dưỡng họ bằng hình thức tại chức, cho họ đi học một thời gian.

"Tôi cho rằng nên tính toán đến chỉ tiêu đào tạo giáo viên, có thể các trường cao đẳng sư phạm tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Việc này không phải cấp bách nhưng phải tính lâu dài, một vài năm có thể san lấp được khoảng trống thiếu giáo viên.

Sau loạt bài của Dân Việt, chuyên gia giáo dục "hiến kế" làm gì để giữ chân giáo viên mầm non (bài cuối) - Ảnh 4.

Học sinh trường mầm non tư thục tại Hà Nội tham gia buổi học ngoại khoá trước dịch Covid-19. Ảnh: NVCC

Cùng với đó, Nhà nước vẫn có chính sách hỗ trợ. Giáo dục là quốc sách hàng đầu rất quan trọng, nhất là đối với trẻ mầm non. Nếu giáo dục thế hệ này tốt, sau lên các cấp bậc tiếp theo sẽ tốt. Nếu bỏ lơ lửng sẽ có hại về sau và phải nhìn thấy rõ lâu dài của vấn đề này.

Chính vì vậy, trong chính sách Bộ LĐTB&XH, Bộ GDĐT nên có kiến nghị với Nhà nước về các chính sách đối với giáo dục, quyền lợi của giáo viên. Qua các kiến nghị chính sách thích hợp, tôi tin Chính phủ sẵn sàng ủng hộ", ông Nhĩ thông tin thêm.

"Giáo viên mầm non là ngành nghề đặc thù, cần phải có một số chính sách hỗ trợ mạnh mẽ"

Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) cũng đưa ra một số ý kiến.

Cụ thể, theo ông Nam, giữ chân giáo viên cần phải có hỗ trợ giống như hỗ trợ người lao động. Các doanh nghiệp muốn giữ lại lao động, tái khởi động lại nền kinh tế ngay sau Tết thì từ trong Tết đã phải có sự kết nối, có chế độ hay chính sách như hỗ trợ nơi ăn ở, tiền lương… cho giáo viên.

Sau loạt bài của Dân Việt, chuyên gia giáo dục "hiến kế" làm gì để giữ chân giáo viên mầm non (bài cuối) - Ảnh 5.

PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội). Ảnh: NVCC

"Bộ LĐTB&XH đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đối với giáo viên mầm non cũng là ngành nghề đặc thù cần phải có một số chính sách hỗ trợ mạnh mẽ. Mầm non chờ hiệu lệnh, mở cửa trường chỉ là sớm muộn về mặt thời gian, vì vậy khi các trường đào tạo giáo viên, đặc biệt ngành mầm non cần có giải pháp chưa từng có trong tiền lệ", ông Nam nhấn mạnh.

Ông Nam cho rằng, cần tăng cường cho các sinh viên trong ngành mầm non xuống trực tiếp các trường để thực tập, hỗ trợ. Cụ thể như thực tập có trả phí. Với những vùng khó khăn, cần huy động nguồn lực tại chỗ hoặc nguồn lực sinh viên, thậm chí cả tình nguyện chuyên môn, thực tập có trả kinh phí cũng là một trong những giải pháp nên nghĩ đến.

"Ngành giáo dục những năm đầu đời của trẻ nhỏ đặc biệt quan trọng, khi hỗ trợ cho các cô phải nhiều hơn. Các trường cao đẳng, đại học đào tạo giáo viên mầm non khi đưa các em quay trở lại trường, như sinh viên năm thứ 3,4 có thể thay đổi lịch trình đào tạo để các bạn thực hành, thực tập sớm.

Sau loạt bài của Dân Việt, chuyên gia giáo dục "hiến kế" làm gì để giữ chân giáo viên mầm non (bài cuối) - Ảnh 6.

Một trong số những trường mầm non tại Hà Nội đóng cửa do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Gia Khiêm

Khi thực hành, trường mầm non sẽ hỗ trợ giáo viên tại chỗ, được huấn luyện làm nghề luôn và cũng để sẵn sàng về các quy trình an toàn cho trường mầm non", ông Nam nêu.

Để làm được việc này, ông Nam cho rằng cần có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ như lớp nghiệp vụ, kỹ năng cho các giáo viên trước khi đến trường. Tất cả các cấp cần có học liệu số, bài giảng số để hướng dẫn cho giáo viên, phụ huynh, thậm chí cả quy trình hình ảnh hoá dưới dạng video, infographic… để hướng dẫn cho học sinh một cách trực quan…

Sau loạt bài của Dân Việt, chuyên gia giáo dục "hiến kế" làm gì để giữ chân giáo viên mầm non (bài cuối) - Ảnh 7.

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, giáo viên mầm non là ngành nghề đặc, thù cần phải có một số chính sách hỗ trợ mạnh. Ảnh: Gia Khiêm

"Trong bối cảnh hiện nay, cần tập trung nguồn lực gỡ khó khăn liên quan đến giáo dục mầm non, hạn chế thấp nhất lo ngại thiếu giáo viên. Giờ mở cửa với giáo dục tất cả các nhóm trẻ yếu thế nhất nên chuẩn bị cho mọi khả năng có thể. Không thể nào chờ mọi thứ 100% đủ hết cơ sở này tới cơ sở khác mới đưa trẻ nhỏ trở lại trường mầm non thì lúc đó thiệt thòi cho các con, để lại hậu quả về mặt tinh thần cũng như cơ hội phát triển của trẻ sau này", PGS.TS Trần Thành Nam nói.

Trước chia sẻ của PV Dân Việt  việc thời gian vừa qua cơ sở mầm non tư thục khó khăn về chi trả phí thuê mặt bằng lớn, không có hỗ trợ cho giáo viên, ông Nam đánh giá thực tế trên rất đúng.

"Tôi cho rằng các cơ quan ban ngành cần phải nghiên cứu các chính sách để hỗ trợ cho các cơ sở mầm non tư thục dưới dạng cho vay với lãi suất cực thấp. Ngoài ra cần có gói hỗ trợ bằng hình thức nào đó cho giáo viên. 

Đặc biệt, giáo viên nào quay trở lại hệ thống làm việc ngoài công lập ở trong giáo dục mầm non cũng cần có khoản hỗ trợ về mặt tài chính cho họ. Có như vậy mới hút được các cô quay lại với các trường ngoài công lập được.

Thời gian vừa qua bao nhiêu giáo viên có tay nghề đã chuyển sang nghề khác hết. Cụ thể như có người kinh doanh buôn bán, có người môi giới bất động sản. Nhiều người vẫn có câu đi làm cả đời không bằng lời lô đất. Vì lẽ đó, nhiều người không mặn mà quay lại nghề giáo nữa", ông Nam cho biết thêm.

Hết!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem