Sau vụ Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca bị bắt: Người bị tạm giữ hình sự sẽ bị khởi tố khi nào?

Q.Trung Thứ sáu, ngày 24/02/2023 19:57 PM (GMT+7)
Trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam, ông Đỗ Hữu Ca bị cơ quan điều tra tạm giữ hình sự. Vậy trường hợp nào, người bị tạm giữ hình sự sẽ bị khởi tố?
Bình luận 0

Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca bị bắt tạm giam

Như Dân Việt đã thông tin, Công an tỉnh Quảng Ninh vừa khởi tố vụ án "mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước".

Căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ, khởi tố, tạm giam Trương Xuân Đước, Nguyễn Thị Ngọc Anh (44 tuổi, là vợ Đước) và Trương Văn Nam (33 tuổi, cháu của Đước), đều trú tại Hải Phòng, về tội Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ nộp ngân sách nhà nước quy định tại Điều 203 Bộ luật hình sự.

Sau vụ ông Đỗ Hữu Ca bị bắt: Người bị tạm giữ hình sự sẽ bị khởi tố khi nào? - Ảnh 1.

Ông Đỗ Hữu Ca bị bắt về hành vi nhận tiền để "chạy án". Ảnh: NLĐ

Ngoài ra còn khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ba bị can khác về tội "trốn thuế", quy định tại Điều 200 Bộ luật hình sự.

Ngày 22/2, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với ông Đỗ Hữu Ca về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, ngày 19/2, ông Đỗ Hữu Ca bị Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Quảng Ninh tạm giữ hình sự để làm rõ vấn đề trên.

Điều kiện để khởi tố đối người đang bị tạm giữ hình sự

Sau thông tin này, bạn đọc đặt câu hỏi, người bị tạm giữ hình sự trong trường hợp nào và người bị tạm giữ sẽ bị khởi tố khi nào?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định tại Điều 117 Bộ luật hình sự, tạm giữ là biện pháp ngăn chặn do người có thẩm quyền áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.

Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 59, người bị tạm giữ là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ.

Theo vị chuyên gia, trước khi bị khởi tố, ông Đỗ Hữu Ca thuộc trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp.

Theo đó, Bộ luật tố tụng hình sự quy định căn cứ để giữ người trong trường hợp khẩn cấp là biện pháp ngăn chặn mang tính cấp bách, khi xác định một người đang chuẩn bị thực hiện tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đã thực hiện tội phạm mà nếu xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

Trong trường hợp này cơ quan điều tra phải tiến hành kiểm tra xác minh tính đúng đắn lời khai báo của người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại, người có mặt tại nơi xảy ra sự việc phạm tội để tránh các trường hợp nhầm lẫn hoặc cố tính khai báo gian dối của họ.

Khi các cơ quan tiến hành tố tụng đã tiến hành xác minh và có căn cứ để xác định lời khai của họ là đúng, mới có căn cứ bắt người phạm tội.

Căn cứ để giữ người trong trường hợp này cần phải thỏa mãn các điều kiện như cơ quan công an trong quá trình theo dõi bằng các biện pháp hành chính, nghiệp vụ đã phát hiện được dấu vết tội phạm ở người hoặc chỗ ở của một người và từ những dấu vết ấy mà người đó bị nghi là thực hiện tội phạm.

Các dấu vết của tội phạm mà cơ quan công an tìm thấy có thể là công cụ, phương tiện phạm tội, các vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền bạc chứng minh việc phạm tội, những dấu vết trên thân thể nạn nhân do hành vi phạm tội gây ra,…

Có căn cứ cho rằng cần phải ngăn chặn ngay người đó trốn hoặc tiêu hủy các chứng cứ. Những biểu hiện đó có thể là: Trốn, hoặc có hành vi chuẩn bị trốn khỏi nơi cư trú, có hành vi xóa bỏ dấu vết tội phạm, tiêu hủy các công cụ, phương tiện phạm tội, thông cung với đồng bọn, khống chế, mua chuộc người làm chứng,...

Khi thỏa mãn hai điều kiện đã được nêu ở trên sẽ đủ căn cứ để giữ người trong trường hợp khẩn cấp theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 110 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Trong thời hạn tạm giữ cơ quan điều tra có thể sẽ thay đổi quyết định thành quyết định tạm giam hoặc có thể sẽ trả tự do nếu hết thời hạn mà không chứng minh được tội phạm.

Theo ông Cường, thời hạn tạm giữ hình sự hiện nay được quy định tại Điều 118 Bộ luật tố tụng hình sự.

Theo đó, thời hạn tạm giữ tối đa 3 ngày kể từ khi cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra người bị tạm giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú.

Như vậy, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, thời hạn tạm giữ là 3 ngày và có thể gia hạn 2 lần, mỗi lần ba ngày nữa. Trong thời hạn 9 ngày, cơ quan điều tra phải quyết định khởi tố bị can hoặc không khởi tố bị can.

Trường hợp khởi tố bị can sẽ ra quyết định tạm giam bị can để điều tra. Còn trường học không khởi tố bị can, sẽ thả tự do đối với người bị tạm giữ và quyết định không khởi tố.

"Trong vụ việc này, cơ quan điều tra quyết định tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với ông Ca, chứng tỏ đã có những chứng cứ để chứng minh hành vi của nguyên Giám đốc Công an Hải Phòng có dấu hiệu tội phạm, làm căn cứ để thực hiện các hoạt động tố tụng tiếp theo để chứng minh tội phạm theo quy định pháp luật" – ông Cường thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem