Sốt xuất huyết bùng phát, coi chừng nhầm với Covid-19

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 30/04/2022 06:36 AM (GMT+7)
Sốt xuất huyết đang "vào mùa" với số ca mắc tăng ở nhiều tỉnh. Đáng nói, sốt xuất huyết có nhiều triệu chứng ban đầu giống Covid-19, có thể bị chẩn đoán nhầm và trì hoãn nhập viện.
Bình luận 0

Bộ Y tế vừa cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay cả nước ghi nhận 14.704 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 109 ca nặng và 6 trường hợp tử vong (tại Bình Dương (3), Đồng Tháp (1), Tây Ninh (1), Đồng Nai (1).

So với cùng kỳ năm 2021 số mắc giảm nhẹ, số tử vong tăng 1 trường hợp. Tuy nhiên, mùa mưa đang đến, do đó, Bộ Y tế dự báo trong thời gian tới số mắc có xu hướng gia tăng do đang bắt đầu vào thời điểm mùa dịch.

Các bác sĩ đã nhận định, nếu như sốt xuất huyết được phát hiện sớm thì rất dễ điều trị. Tuy nhiên nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể khiến cho bệnh nhân gặp phải những biến chứng nguy hiểm như tổn thương đa cơ quan, gan, thận...

Theo thống kê, trẻ từ khoảng 8-13 tuổi là nhóm trẻ dễ mắc sốt xuất huyết nặng nhất.

Sốt xuất huyết bùng phát, coi chừng chẩn đoán nhầm với Covid-19 - Ảnh 1.

Sốt xuất huyết có nhiều triệu chứng ban đầu giống Covid-19 (Một bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh BVCC

Sốt xuất huyết có triệu chứng ban đầu như Covid-19

Đáng nói, sốt xuất huyết đang song hành cùng với bệnh Covid-19, hơn nữa 1 số triệu chứng khởi phát cũng khá giống như Covid-19. Trong bối cảnh người dân đang chủ quan với Covid-19, coi việc mắc Covid-19 là bình thường, nếu mắc sốt xuất huyết lại nhầm lẫn với Covid-19 có thể dẫn đến chủ quan trong việc theo dõi và chậm trễ đi viện khi có triệu chứng nặng.

Thậm chí sẽ có người mắc cả sốt xuất huyết và Covid-19, dẫn đến tình trạng tăng nặng, rất nguy hiểm.

Về nguy cơ có thể chẩn đoán nhầm giữa sốt xuất huyết và Covid-19, PGS.TS. Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, sốt xuất huyết và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do virus gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như: biểu hiện sốt, đau đầu, đau mỏi người, ớn lạnh.

Tuy nhiên, đây là hai bệnh có yếu tố dịch tễ và đường lây truyền cũng như bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau. Covid-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn, còn sốt xuất huyết lây qua đường máu do muỗi truyền.

Ngoài ra sốt xuất huyết điển hình có biểu hiện da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc. Đối với bệnh nhân mắc Covid-19 có các biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, khó thở, mất ngửi,… nặng sẽ có biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp.

"Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong.

Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng thì các triệu chứng của sốt xuất huyết cần hết sức lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với Covid-19 như: sốt, đau mỏi cơ, ớn lạnh", PGS Cường chia sẻ.

Theo các bác sĩ, ngoài Covid-19 còn có nhiều bệnh lý có biểu hiện ban đầu khá tương đồng với sốt xuất huyết như như nhiễm siêu vi, tay chân miệng, sốc nhiễm trùng, và cũng có thể là hội chứng MIS-C hậu Covid-19.

Đi khám nếu nghi ngờ mắc sốt xuất huyết

Vì vậy người dân cần cảnh giác khi sức khỏe có vấn đề, đồng thời đi khám để được chẩn đoán chính xác, không nên chủ quan khi cơ thể sốt cao và quá mệt mỏi.

Sốt xuất huyết bùng phát, coi chừng chẩn đoán nhầm với Covid-19 - Ảnh 2.

Trẻ em thường mắc sốt xuất huyết nặng (Điều trị cho bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Trung ương). Ảnh BVCC

Trước đó, TS Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cũng cho biết, đa số các bệnh nhân sốt xuất huyết sẽ tự khỏi sau ngày thứ 7-8 ngày khởi phát. Tuy nhiên cũng có nhiều bệnh nhân "tưởng như khỏi" thì lại chuyển biến nguy hiểm, cần nhập viện.

"Sốt xuất huyết không giống như các bệnh virus thông thường khác, tự khỏi sau 3-5 ngày, sốt xuất huyết diễn biến nặng ở ngày 4-7. Thời điểm này, bệnh nhân có thể xảy ra hiện tượng cô đặc máu dẫn đến tử vong.

Do đó, nếu có biểu hiện sốt đột ngột, đau đầu, đau mỏi người, mệt nhiều thì cần đến các cơ sở y tế gần nhất để xét nghiệm máu xem có bị sốt xuất huyết hay không để được bác sĩ hướng dẫn theo dõi, tư vấn đầy đủ.

Người mắc sốt xuất huyết cần theo dõi các biểu hiện sức khỏe, khi có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh tăng nặng thì cần đi viện thăm khám trong vòng 3 ngày đầu khởi phát bệnh", TS Thư khuyến cáo.

Sốt xuất huyết ở trẻ em có biểu hiện đa dạng khác nhau.

"Sốt xuất huyết ở trẻ em khởi phát khá đột ngột và diễn biến nhanh chóng từ giai đoạn nhẹ đến nặng qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm, và giai đoạn phục hồi.

Ở giai đoạn đầu của bệnh trẻ thường sốt cao đột ngột, liên tục. Với trẻ còn nhỏ thì bứt rứt, quấy khóc. Trẻ lớn hơn thì có biểu hiện đau đầu, đau người, buồn nôn, chán ăn, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam…

Sau giai đoạn sốt, trẻ tiến vào giai đoạn nguy hiểm, thường rơi vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Vào giai đoạn này trẻ có thể vẫn còn sốt hoặc đã thuyên giảm, trẻ bị thoát huyết tương.

Nếu tình trạng thoát huyết tương nặng sẽ dẫn đến sốc, với các biểu hiện thường nhận thấy như: vật vã, bứt rứt, li bì, tụt huyết áp, xuất huyết dưới da… Sau giai đoạn nguy hiểm là giai đoạn phục hồi, trẻ hết sốt, trình trạng sức khỏe cải thiện nhiều, biểu hiện thèm ăn...".

TS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội tổng quát – Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương)



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem