Sự cố y khoa: Phải nhìn thẳng, nhận lỗi công khai dù không mặc định tất cả lỗi đều của bác sĩ

Bạch Dương Thứ năm, ngày 26/05/2022 14:42 PM (GMT+7)
Sự cố y khoa là các tình huống không mong muốn có thể xảy ra trong quá trình chẩn đoán, chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân. Sự cố này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng đều gây áp lực rất lớn lên các y bác sĩ, làm sụt giảm sự hài lòng của người bệnh, giảm uy tín của ngành y.
Bình luận 0
Sự cố y khoa: Phải nhìn thẳng, nhận lỗi công khai dù không nên mặc định tất cả lỗi đều của bác sĩ - Ảnh 1.

Hội thảo "Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?" Ảnh: P.V

Nỗi đau của người thân, áp lực của nhân viên y tế

Thời gian qua, trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra nhiều sự cố y khoa. Sự cố y khoa đang gây áp lực rất lớn lên các y bác sĩ, làm sụt giảm sự hài lòng của người bệnh, giảm uy tín của ngành y, tác động tiêu cực tới nỗ lực nâng cao chất lượng trong chăm sóc, điều trị cho người bệnh của các cơ sở y tế và gây mất an ninh trật tự tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Nhiều ý kiến đã được đưa ra tại hội thảo "Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?" vào ngày 26/5 tại ĐH Quốc tế Hồng Bàng.

Trao đổi tại hội thảo, BS.CK2 Bùi Nguyễn Thành Long, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP.HCM dẫn một khảo sát từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Theo đó, sự cố y khoa là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Tại Việt Nam, sự cố y khoa gây ra nỗi đau cho nhiều gia đình, cơ sở y tế. Sự cố y khoa được phân thành 3 nhóm: Theo mức độ tổn thương, theo nhóm nguyên nhân và theo nhóm sự cố.

Sai sót trong sự cố y khoa đến từ lỗi do cá nhân chiếm 30%, lỗi do hệ thống (quản trị, giám sát) chiếm đến 70%. Trước những tác hại to lớn của sự cố y khoa, BS Long cho rằng, cần có quy trình giám sát, kiểm tra, nhắc nhở tối ưu. "Càng có nhiều hàng rào giám sát thì càng ít sự cố y khoa xảy ra", BS Long nhấn mạnh.

TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ cho hay, các sự cố y khoa có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong quá trình tương tác giữa nhân viên y tế với người bệnh.

Trong đó, nguyên nhân dẫn đến các sự cố y khoa gồm: Chẩn đoán chậm trễ; thiếu trang thiết bị, nhân lực phù hợp; thất bại trong thời gian theo dõi; tác hại do dùng quá nhiều loại thuốc; nhiễm trùng bệnh viện; phẫu thuật sai vị trí; thiếu trang thiết bị; sự cố do môi trường tương tác... Thậm chí, một sự cố mất điện đột ngột cũng có thể dẫn đến sự cố y khoa.

Có đến 92% nhân viên y tế cho rằng đã từng chứng kiến, gặp phải, thậm chí gây ra sự cố y khoa. "Khi gây ra các sự cố y khoa, một số trường hợp nhân viên y tế không còn muốn hành nghề, có thể bỏ nghề. Do đó, cần phải có hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo vệ được cả đôi bên, bảo vệ được nguồn lực y tế và bệnh nhân khi xảy ra sự cố", BS Cường cho biết.

Làm gì sau sự cố y khoa?

BS Phan Thị Hằng, Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương chia sẻ, những lỗi thường gặp trong sự cố y khoa thường có sự ngộ nhận của người bệnh, có khuynh hướng đổ lỗi cho bác sĩ.

"Khi sự cố xảy ra, nếu chúng ta xử lý không khéo hoặc bưng bít thông tin sẽ khiến người bệnh và gia đình càng tức giận và phản ứng mạnh, đặc biệt là loại bỏ văn hóa buộc tội. Bên cạnh đó, phải đề cao văn hóa tôn trọng, thông hiểu về các vấn đề sự cố và tìm kiếm sự đồng thuận, chia sẻ từ phía gia đình người bệnh", BS Hằng bày tỏ.

Sự cố y khoa: Phải nhìn thẳng, nhận lỗi công khai dù không nên mặc định tất cả lỗi đều của bác sĩ - Ảnh 3.

Sự cố nâng ngực dẫn đến tử vong tại Bệnh viện 1A vừa qua. Ảnh: NVCC

BSCK2 Nguyễn Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, sự cố y khoa là vấn đề không thể tránh khỏi trong các bệnh viện. Vấn đề là xử lý làm sao để nó không xảy ra nữa, ứng xử sau sự cố y khoa ra sao...

Ông Việt đặt vấn đề, ở các nước tiên tiến, sự cố y khoa xảy ra rất nhiều nhưng tại sao ở Việt Nam lại ghi nhận thấp? Nguyên nhân, khi sự cố y khoa xảy ra thì y bác sĩ không dám báo cáo vì sợ bị kỷ luật. "Khi có sự cố y khoa thì y bác sĩ phải đối mặt với người nhà bệnh nhân, thanh tra, đồng nghiệp, báo chí… Chúng ta chưa lập hội đồng đánh giá, chưa kết luận gì thì sự cố y khoa đã lên báo, "tiếng lành đồn gần tiếng dữ đồn xa" khiến y bác sĩ chịu nhiều áp lực", BS Việt nêu thực tế.

Cùng quan điểm này, BSCK2 Âu Thanh Tùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho rằng, ngay tại thời điểm xảy ra sự cố y khoa, cần tập trung tất cả nguồn lực, nhân lực để giải quyết sự cố, ngăn chặn những trường hợp tương tự trong tương lai. Đồng thời tăng cường khâu tổ chức, giám sát của bệnh viện. Mặt khác, người bệnh và xã hội cũng cần có cái nhìn bao dung và đúng đắn về vấn đề này.

Sự cố y khoa: Phải nhìn thẳng, nhận lỗi công khai dù không nên mặc định tất cả lỗi đều của bác sĩ - Ảnh 4.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê tại hội thảo. Ảnh: P.V

Nhìn thẳng vào sự thật và công khai xin lỗi bệnh nhân

Để hạn chế các sự cố y khoa, BS Trần Chí Cường cho rằng, các bệnh viện cần thiết lập quy trình chuyên môn, vận hành, đầu tư đầy đủ trang thiết bị, điều kiện làm việc... Nhân viên y tế cần có trình độ chuyên môn tốt, thái độ trung thực, thái độ cầu tiến và nhận biết trước được các sự cố y khoa có thể xảy ra. Đối với người bệnh, cần suy nghĩ thật kỹ trước khi lựa chọn phương pháp điều trị.

Bên cạnh đó, BS Cường cho biết thêm, khi xảy ra sự cố y khoa, bệnh nhân cần thông cảm, chia sẻ với khó khăn không thể tiên lượng trước được trong y tế vì sự khác biệt giữa mỗi con người; giữ bình tĩnh và tôn trọng nhân viên y tế. Đồng thời, trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản cần thiết để phối hợp cùng nhân viên y tế phòng ngừa, khắc phục các sự cố y khoa.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), khi xảy ra sự cố y khoa, bệnh viện tư thì dễ "sập tiệm", bệnh viện công thì mang tai tiếng. Do đó, lãnh đạo các bệnh viện cần thực hiện theo quy định của Bộ Y tế, Cục Khám chữa bệnh để tránh sự cố y khoa. "Nếu xảy ra sự cố y khoa thì bình tĩnh, nhìn thẳng vào sự thật và công khai xin lỗi bệnh nhân", ông Khuê nhấn mạnh.

Khi xảy ra sự cố y khoa, phòng công tác xã hội của các bệnh viện là đầu mối giúp hòa giải giữa gia đình bệnh nhân với bệnh viện. Sự cố này là điều không ai mong muốn, nên cần phải chia sẻ với thầy thuốc, bệnh viện để họ cảm thấy an tâm khi hành nghề chứ không phải bỏ nghề sau sự cố y khoa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem