Tác giả phố bích họa Phùng Hưng biến khu bãi rác Phúc Tân thành triển lãm nghệ thuật sắp đặt

Thủy Vũ Thứ năm, ngày 20/02/2020 08:38 AM (GMT+7)
Trong những ngày đầu năm 2020, một dự án mang nhiều ý nghĩa bảo vệ môi trường đã được thực hiện với thời gian rất ngắn, biến khu vực bãi rác phường Phúc Tân thành không gian nghệ thuật sắp đặt với chủ đề Thăng Long - Kẻ chợ.
Bình luận 0

img

Ảnh Ngọc Hải

Trước kia, đây là đoạn đường ven sông ở phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, vốn là nơi tập kết rác thải. Dự án “Cải tạo, nâng cấp cảnh quan khu vực ven sông Hồng" của UBND quận Hoàn Kiếm đã được giao cho một nhóm nghệ sỹ thực hiện trong vòng 1 tháng. Các tác phẩm được sáng tạo toàn bộ bằng vật liệu tái chế về chủ đề Thăng Long – Kẻ Chợ.

img

Nghệ sỹ Nguyễn Thế Sơn - người từng thực hiện dự án phố bích họa Phùng Hưng- bên tác phẩm mang ý nghĩa hàn gắn những tàn tích quý giá còn sót lại qua hình ảnh những chiếc đĩa sứ vỡ. (Ảnh: Ngọc Hải)

Nghệ sỹ Nguyễn Thế Sơn - người đã thực hiện dự án phố bích họa Phùng Hưng - là giám tuyển dự án này và cũng có tác phẩm tham gia dự án chia sẻ: "Khu Kẻ Chợ 36 phố phường được hình thành từ nơi giao thương của các vùng miền chung quanh Hà Nội, trong đó bãi Phúc Tân, bãi Phúc Xá là những bãi bến thuyền lớn ở chân cầu Long Biên hồi bấy giờ. Người dân ở đây có khi đã lãng quên hoặc không biết về nó. Dự án sẽ gợi lại không gian, những ký ức và nhắc nhở đến thực trạng về những dòng sông chạy qua thành phố".

img

Ảnh: Ngọc Hải

Thực hiện dự án này, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ là họ đã nhận được một bức tường cũ bẩn có nguyên những dấu vết của nước lũ, còn con đường thì lổn nhổn xi măng, ngập rác, là nơi dân đưa chó ra vệ sinh.

Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn kể khi mới nhận dự án và tìm hiểu khu vực này anh khá ngần ngại vì nghe nói dân ngoài bãi ghê lắm, sợ họ không hợp tác. Nhưng sau khi tiếp cận, anh đã cảm nhận được sự thiệt thòi của người dân khi sống ở đây. Và dân bãi sau khi biết công việc các nghệ sĩ làm đã hiểu và hỗ trợ, dọn rác, thu gom nguyên liệu cho các nghệ sĩ.

img

Tác phẩm “Phản chiếu song hành” của hoạ sĩ Cấn Văn Ân, là 1 con thuyền chống lũ của người dân vùng lũ sông Hồng, trên đó gắn 5.000 mảnh gương để phản chiếu hình ảnh cây cầu Long Biên. Ngụ ý của tác giả khi ghép những mảnh gương nhỏ là để tạo nên những ánh sáng lấp lánh phản chiếu những lớp sóng của dòng sông. (Ảnh: Ngọc Hải)

Một số tác phẩm nổi bật được người xem thích thú có thể kể đến chiếc thuyền dài 7 mét, được ghép từ 5.000 mảnh gương, nặng 400kg của nghệ sĩ Cấn Văn Ân phản chiếu cầu Long Biên với những mảng đứt gãy. Tác phẩm “Nhà nổi” của nghệ sĩ Đăng Ninh kể lại lịch sử nhà ven sông xuất phát từ những thùng gỗ. Hơn 20 thùng phi sắt sơn màu sặc sỡ, khoét cửa sổ, tạo hình thành những chồng nhà nổi. Buổi tối, từ 19-22h ánh đèn hắt ra từ những ô cửa sổ nhỏ tạo hiệu ứng thị giác.

img

 Với 10.000 chai nhựa, tác giả Vũ Xuân Đồng đã tạo thành 4 chiếc thuyền buồm gợi nhớ hình ảnh trên bến dưới thuyền tấp nập ở bãi sông Hồng cách đây hơn 100 năm. (Ảnh: Ngọc Hải)

 “Thuyền” của nghệ sĩ Vũ Xuân Đông nổi bật trên bức tường cũ có hình vẽ graffiti. Bốn con thuyền và sóng nước được làm từ 10.000 vỏ chai nhựa và hộp dầu xe đã qua sử dụng.

“Gánh hàng rong” của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn là những hình ảnh phụ nữ mặc yếm, váy đụp, đội nón quai thao đang gánh hàng. Họ là bóng hình của những cư dân buôn bán trên bến sông 100 năm trước. Tác phẩm làm từ sắt phế thải và inox gương ánh vàng ánh bạc. Ánh sáng, bầu trời, cây cỏ và dòng người qua lại phản chiếu vào bóng gương của tác phẩm.

img

Tác phẩm "Gánh hàng rong"

Có hai nghệ sĩ nước ngoài nhận lời tham gia dự án vì tình yêu đặc biệt với Hà Nội. Nhà thiết kế thời trang người Tây Ban Nha Diego Cortiza và họa sĩ người Úc George Burchett cũng đóng góp tác phẩm từ nguyên liệu sắt phế thải với những tạo hình ngộ nghĩnh thu hút trẻ em. Nghệ sĩ Ưu Đàm đang gấp rút hoàn thiện tác phẩm sắp đặt hàng trăm ống bô xe máy.

img

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, từ sắt phế thải và inox, gương, mang đến tác phẩm sắp đặt cho thấy hình ảnh của những gánh hàng rong, những người lao động ở bến sông Hồng, cùng với 2 bức phù điêu với tổng chiều dài 6m phục dựng lại bức Ngư nghiệp và Nông nghiệp. Tác phẩm sắp đặt của anh giống như cuộc đối thoại về ngữ cảnh cuộc sống, những di sản nghệ thuật từng tồn tại và bị biến đổi theo thời gian.

img

Với tác phẩm này, người nghệ sĩ muốn người dân nhớ về nơi bến sông tấp nập buôn bán xưa kia trên con sông Hồng đầy kỷ niệm. (Ảnh: Ngọc Hải)

img

Hình ảnh cây cầu Long Biên được khắc bằng lazer kết hợp với hệ thống đèn led trên bề mặt thùng phuy là tác phẩm của tác giả Lê Đăng Ninh. Tác giả muốn khắc hoạ những hình ảnh xưa cũ của ngôi làng ven sông lên những chiếc thùng giúp chúng ta liên tưởng tới hình ảnh những người ngụ cư sống lênh đênh trên những ngôi nhà nổi làm bằng những chiếc thùng phuy này. (Ảnh: Ngọc Hải)

Dự án sẽ được quận Hoàn Kiếm tổ chức lễ ra mắt trong khoảng 2 tuần nữa.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem