Tài xế rồ ga bỏ chạy khi cảnh sát bám trên nắp capo đối mặt khung hình phạt nào?

Quang Trung Thứ năm, ngày 03/11/2022 20:49 PM (GMT+7)
Khi bị tổ công tác yêu cầu dừng xe kiểm tra giấy tờ, Vũ Ngọc Lâm rồ ga, lái xe bỏ chạy, mặc kệ cảnh sát bám trên nắp capo. Với hành vi này, Lâm có thể bị xử lý thế nào?
Bình luận 0

Khởi tố tài xế rồ ga bỏ chạy khi cảnh sát bám trên nắp capo

Ngày 3/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Vũ Ngọc Lâm (SN 1986, trú tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) về tội Chống người thi hành công vụ.

Tài xế rồ ga bỏ chạy khi cảnh sát bám trên nắp capo đối mặt khung hình phạt nào? - Ảnh 1.

Hành vi rồ ga bỏ chạy khi cảnh sát bám trên nắp capo của Lâm khiến nhiều người bức xúc. Ảnh cắt từ clip.

Trước đó, khoảng 14 giờ 50 phút ngày 28/10, quá trình thực hiện tuần tra kiểm soát an ninh trật tự, ATGT tại TP Thái Bình, tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Thái Bình phát hiện Lâm đỗ ôtô không đúng quy định, nên đã yêu cầu Lâm xuất trình giấy tờ liên quan để kiểm tra.

Lúc này, Lâm không hợp tác mà rồ ga, lái xe ôtô bỏ chạy. Nhận thấy hành động của Lâm có thể gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông, một chiến sĩ cảnh sát nhảy lên nắp capo, phía trước kính lái xe để yêu cầu Lâm dừng xe lại.

Tuy nhiên, Lâm vẫn tiếp tục lái xe bỏ chạy, đến đoạn đường khu vực trước cổng trường THPT Lê Quý Đôn (trên địa bàn phường Đề Thám), khi xe của tổ công tác và người dân vượt lên, ép đầu xe, Lâm mới dừng lại.

Thế nào là chống người thi hành công vụ?

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, hành vi của Lâm là nguy hiểm, coi thường pháp luật, có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người thực hiện công vụ nên đối tượng bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ là có căn cứ.

Ông Cường cho biết, theo quy định tại khoản 2, Điều 3 Nghị định 208/2013/NĐ-CP, hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ.

Hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao.

Theo khoản 1, Điều 3, Nghị định 208/2013/NĐ-CP, người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.

Hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp hành vi chống người thi hành công vụ ở mức độ nghiêm trọng như dùng vũ lực tấn công lại lực lượng thi hành nhiệm vụ, có hành vi cản trở hoạt động công vụ khiến hoạt động công vụ không thể thực hiện được…cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự về tội "Chống người thi hành công vụ" theo quy định tại Điều 330 Bộ luật hình sự 2015.

"Theo thông tin ban đầu, vụ việc diễn ra công khai, có sự chứng kiến của nhiều người, ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng chức năng, gây ảnh hưởng đến an ninh, an toàn xã hội.

Vì vậy việc cơ quan chức năng khởi tố Vũ Ngọc Lâm về tội danh trên là có căn cứ, đúng pháp luật. Với hành vi chống người thi hành công vụ, Lâm có thể bị xử phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm" – vị chuyên gia nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem