dd/mm/yyyy

Tân Uyên: Sẵn sàng cho vụ trồng rừng mới

Năm 2022, huyện Tân Uyên (Lai Châu) có kế hoạch trồng mới 550ha rừng. Huyện đã chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn cụ thể, đảm bảo đạt kết quả cao nhất.

Tân Uyên quyết vượt khó để rừng thêm xanh

Ông Đỗ Hữu Phong - Phó trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tân Uyên (tỉnh Lai Châu) cho biết: Năm 2022, huyện Tân Uyên được giao trồng mới hơn 550ha rừng, trong đó 50ha rừng phòng hộ, hơn 500ha rừng sản xuất tập trung ở các xã như Nậm Cần, Nậm Sỏ và Tà Mít.

Tân Uyên: Sẵn sàng cho vụ trồng rừng mới   - Ảnh 1.

Người dân bản Nậm Sắt, xã Nậm Cần (huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu) phát dọn thực bì chuẩn bị cho công tác trồng rừng năm 2022. Ảnh: Bảo Anh

Để hoàn thành được chỉ tiêu, Ban Quản lý rừng phòng hộ và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã xây dựng kế hoạch, thiết kế diện tích, phương án trồng rừng đảm bảo kịp thời vụ. Đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về cơ chế chính sách trồng và chăm sóc rừng, hướng dẫn người dân xử lý thực bì, đào hố, chuẩn bị cây giống.

Cùng với đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ chú trọng cử cán bộ nhanh chóng rà soát, thống kê nhu cầu trồng rừng của nhân dân trên địa bàn. Trong đó, ưu tiên đẩy mạnh việc phân công cán bộ đi kiểm tra, rà soát lại diện tích đất, quỹ đất dựa vào bản đồ quy hoạch phát triển quỹ đất trên địa bàn huyện… "Đến nay, mọi công tác được các cấp chính quyền, đoàn thể trong huyện tiến hành chu đáo và khẩn trương, sẵn sàng cho mùa trồng rừng", ông Phong nhấn mạnh.

Góp phần không nhỏ để hoàn thành vượt chỉ tiêu trồng rừng năm nay của huyện Tân Uyên không thể không kể đến cách làm hay và hiệu quả của chính quyền và nhân dân xã Nậm Cần. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Nậm Cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Người dân Tân Uyên đồng lòng trồng và bảo vệ rừng

Được giao trồng mới 500ha cây dổi trong năm 2022, bà con nông dân xã Nậm Cần gặp không ít khó khăn: Theo Nghị quyết 08/2021/NQ - HĐND ngày 22/3/2021 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021 - 2025 thì mỗi hộ gia đình, cá nhân trồng rừng, năm đầu tiên được hỗ trợ 10 triệu đồng/ha, bao gồm: cây giống, chuyển đổi đất, phát thực bì, đào hố, phân bón... Trong khi Quyết định số 31/2021/QĐ - UBND ngày 8/9/2021 của UBND tỉnh quy định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chuẩn giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh thì 1ha dổi phải trồng 1.000 cây. Như vậy, 10 triệu đồng mức hỗ trợ ban đầu không đủ mua giống, phân bón, nên các hộ tham gia trồng cây dổi phải tự đối ứng, không được hỗ trợ 100% như những năm trước.

Tân Uyên: Sẵn sàng cho vụ trồng rừng mới   - Ảnh 3.

Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tân Uyên đấu thầu khoảng 120 vạn cây quế và dổi xanh sẵn sàng cho mùa trồng rừng mới. Ảnh: Bảo Anh

Chia sẻ với phóng viên Ông Lò Văn Phương - Chủ tịch UBND xã Nậm Cần cho biết: Trước khó khăn đó, để hoàn thành chỉ tiêu giao, UBND xã chỉ đạo cán bộ địa chính, khuyến nông phối hợp với cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện kiểm tra, rà soát diện tích đất có thể trồng rừng và họp dân, tuyên truyền bà con đăng ký tham gia góp đất trồng.

Đồng thời, tuyên truyền về đặc tính cũng như giá trị kinh tế của cây dổi. Dổi là loại cây có giá trị kinh tế cao, bởi gỗ có mùi thơm, thớ gỗ mịn, ít bị cong vênh, mối mọt và thường được dùng nhiều trong xây dựng, chế tác đồ mỹ nghệ. Trong quá trình sinh trưởng, cây dổi cho thu hoạch hạt, là một mặt hàng giá trị với nhiều công dụng, vừa để chiết xuất tinh dầu, vừa dùng làm gia vị. Qua đó, hứa hẹn mở thêm hướng thoát nghèo, làm giàu cho người dân. Ngoài ra, cây dổi có khả năng phòng hộ, chống xói mòn, tăng cường khả năng giữ nước, bảo vệ đất... Nắm được lợi ích đó nên người dân trong xã rất hồ hởi và đồng thuận tham gia.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, để đảm bảo chất lượng, tỷ lệ sống của cây giống trong vụ trồng rừng năm nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tân Uyên đang làm quy trình để tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu cung cấp giống đảm bảo chất lượng và giá thành tốt nhất. Khi cây giống được đấu thầu xong, đơn vị cung ứng đưa cây giống về ươm tại khu vực vườn ươm của Ban để cây giống thích nghi với điều kiện khí hậu, đảm bảo chất lượng tốt nhất cho việc trồng rừng.

Tân Uyên: Sẵn sàng cho vụ trồng rừng mới   - Ảnh 4.

Những cánh rừng trên địa bàn huyện Tân Uyên ngày càng phát triển xanh tốt. Ảnh: Bảo Anh

Chia sẻ thêm với phóng viên, ông Đỗ Hữu Phong - Phó trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện cho biết: Ban chú trọng cử cán bộ phụ trách địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn bà con phát dọn thực bì, đào hố đúng kỹ thuật để đảm bảo cây trồng sống cao. Ngoài ra, tổ chức tập huấn cho các hộ tham gia trồng rừng về kỹ thuật như: làm đất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh… Bên cạnh đó, vận động người dân tăng cường biện pháp quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên rừng.

Đến thời điểm này, nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, diện tích trồng rừng của huyện Tân Uyên đã vượt kế hoạch so với chỉ tiêu giao. Toàn huyện đã trồng hơn 657ha rừng (vượt 125ha so với kế hoạch), chủ yếu tập trung vào cây quế và dổi xanh.

Với việc chuẩn bị tích cực, chu đáo về những điều kiện cần thiết cho mùa trồng rừng mới, chắc chắn huyện Tân Uyên sẽ đảm bảo việc xuống giống đúng tiến độ và kế hoạch mùa vụ. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ che rừng của huyện cũng như đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, nâng cao đời sống cho người dân.

Vinh Duy - Bảo Anh