Tăng lương tối thiểu vùng năm 2022, lao động được tăng thêm bao nhiêu tiền mỗi tháng?

Thùy Anh Thứ tư, ngày 13/04/2022 11:04 AM (GMT+7)
Lương tối thiểu vùng là mức lương được áp dụng cho công nhân lao động trong các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã... Tăng lương tối thiểu vùng sẽ tác động trực tiếp tới những đối tượng này.
Bình luận 0

Tăng lương tối thiểu vùng cho công nhân, lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã...

Bộ Luật Lao động năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 có nhiều quy định thay đổi liên quan đến lương tối thiểu vùng.

Cụ thể, Khoản 1, Điều 91 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về lương tối thiểu như sau: Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được doanh nghiệp trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường (hoàn thành công việc đã thỏa thuận) nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Lương tối thiểu vùng

Tiền lương tối thiểu là tiền lương được dùng để trả cho người lao động tại các doanh nghiệp. Ảnh: I.T

Tuy nhiên, mức lương này phải đảm bảo hai điều kiện đó là, không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng với người lao động chưa qua đào tạo làm công việc giản đơn nhất và cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động đã qua học nghề.

Về bản chất, mức lương làm cơ sở để người lao động và doanh nghiệp thỏa thuận với nhau, đồng thời, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Mức lương này còn là cơ sở để đóng và hưởng các khoản BHXH, BHYT, BHTN của người lao động.

Lương tối thiểu được áp dụng theo 4 vùng. Điều kiện áp dụng dựa trên từng vùng, doanh nghiệp ở vùng nào thì áp dụng theo lương ở vùng đó. 

Một doanh nghiệp có nhiều chi nhánh thì chi nhánh công ty ở vùng nào thì áp dụng lương cơ sở theo mức lương ở vùng đó.

Lần điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng gần nhất được áp dụng từ ngày 1/1/2020 với lao động ở vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng.

Nếu vào ngày 1/7/2022 việc tăng lương tối thiểu vùng được thực hiện thì mức lương tối thiểu cụ thể các vùng sẽ được áp dụng là: Vùng I là 4,68 triệu đồng; Vùng II là 4,16 triệu đồng ; Vùng III là 3,63 triệu đồng; Vùng IV là 3,250 triệu đồng.

Không giống với lương cơ sở, chỉ được áp dụng cho khối cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị công lập thuộc Nhà nước, lương tối thiểu vùng sẽ được áp dụng cho khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước, doanh nghiệp FDI. 

Cụ thể là tính lương cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động.

Không giống với lương cơ sở được lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước, lương tối thiểu được lấy từ ngân sách của doanh nghiệp. Thông thường mức lương tối thiểu vùng sẽ được điều chỉnh mỗi năm 1 lần để phù hợp với mức sống tối thiểu của người lao động.

Tăng lương tối thiểu vùng chỉ tác động tới 1 bộ phận có mức lương thấp

Hiện nay cả nước có khoảng 24 triệu lao động (số liệu thống kê quý II/2021) đang làm trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp. 

Ngoài ra còn một bộ phận lớn lao động làm trong hợp tác xã, tổ hợp tác, lao động làm công ăn lương, lao động được thuê mướn. Đây là những đối tượng trực tiếp chịu tác động của việc tăng lương tối thiểu vùng.

Theo ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), mặc dù lần tăng lương tối thiểu này không tác động tới hầu hết lao động, nhưng nó sẽ là động lực để các doanh nghiệp cải thiện lương cho một bộ phận lao động có mức lương thấp, bằng với mức lương tối thiểu vùng hiện tại.

tăng lương tối thiểu vùng

Lương tối thiểu vùng còn được áp dụng trong các cơ sở hợp tác xã, lao động được sử dụng trong hộ gia đình, các tổ chức, cá nhân, thuê mướn lao động. Ảnh: Nguyệt Tạ (Lao động làm tại làng nghề Hưng Yên)

Hiện nay Bộ LĐTBXH, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đều có các kênh giám sát quá trình thực hiện chính sách tiền lương, trong đó có vấn đề lương tối thiểu vùng.

"Luật khuyến khích doanh nghiệp trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng, áp dụng tính lương có tính tới bằng cấp kỹ thuật của lao động. Đương nhiên, việc tăng như thế nào tùy thuộc vào sự thỏa thuận của người lao động và chủ sử dụng lao động trong doanh nghiệp", ông Quảng nói.

Như vậy, về bản chất thì chỉ các lao động đang có mức lương bằng mức lương tối thiểu vùng hiện tại thì mới được tăng lương. 

Tuy nhiên, trên thực tế, tăng lương tối thiểu vùng có thể là căn cứ để doanh nghiệp và người lao động thương thảo về chế độ tiền lương. 

Nhiều doanh nghiệp cũng tiến hành tăng lương cho lao động khi lương tối thiểu vùng tăng dù thực tế lương của lao động đang cao hơn nhiều so với lương tối thiểu vùng hiện tại.

Ông Quảng khuyến cáo lao động nên nắm được mức lương tối thiểu vùng cụ thể nơi mình làm việc để đảm bảo quyền lợi.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem