Tăng trưởng tín dụng Đông Nam bộ thấp hơn cả nước

Hồng Phúc Thứ năm, ngày 11/05/2023 16:26 PM (GMT+7)
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng khó khăn của lĩnh vực bất động sản là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng khu vực Đông Nam bộ thấp hơn cả nước.
Bình luận 0

Tại hội nghị ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam bộ tổ chức tại TP.HCM chiều 11/5, Phó Thống đốc  Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm của khu vực Đông Nam bộ đang thấp hơn so với cả nước.

Tăng trưởng tín dụng Đông Nam bộ thấp hơn cả nước

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết đến ngày 27/4, trên toàn quốc huy động vốn của các tổ chức tín dụng khá tốt (đạt 12,4 triệu tỷ đồng, bằng 101% tín dụng), thanh khoản hệ thống dồi dào và chưa bị giới hạn chạm trần tăng trưởng tín dụng.

Theo đó, các tổ chức tín dụng có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay đối với nền kinh tế, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 12,28 triệu tỷ đồng, tăng 3,04% so với cuối năm 2022, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước.

Khủng hoảng bất động sản khiến tăng trưởng tín dụng Đông Nam Bộ thấp hơn cả nước - Ảnh 1.

Hội nghị ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam bộ tổ chức tại TP.HCM chiều 11/5. Ảnh: H.Phúc

Tuy nhiên, tại khu vực Đông Nam bộ, huy động vốn đạt trên 4,1 triệu tỷ đồng, chiếm 1/3 huy động toàn quốc, giảm 0,17% so với cuối năm 2022 (thấp hơn mức tăng trưởng chung cả nước), tín dụng đạt gần 4,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 35% dư nợ toàn quốc, tăng 2,45% so với cuối năm 2022 (thấp hơn mức tăng chung của cả nước).

Tại khu vực Đông Nam bộ, dư nợ ngành nông lâm thủy sản đạt trên 135.000 tỷ đồng (chiếm 3,2% dư nợ tín dụng vùng), ngành công nghiệp và xây dựng đạt gần 1,1 triệu tỷ đồng (chiếm 26%), ngành dịch vụ đạt khoảng 2,96 triệu tỷ đồng (chiếm 70,8%). Cơ cấu tín dụng ngành công nghiệp và xây dựng, dịch vụ của vùng khá tương đồng với cơ cấu tín dụng cả nước. 

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết tại Đông Nam bộ, tín dụng nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 633.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 15% dư nợ khu vực), doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 1,04 triệu tỷ đồng (chiếm 25% dư nợ khu vực).

Tại khu vực Đông Nam bộ, mặt bằng lãi suất chung quý I/2023 được duy trì ổn định và có xu hướng giảm so với cuối năm 2022, trong đó, nhiều chi nhánh ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với mức giảm từ 0,5-1,5%/năm tại tất cả kỳ hạn.

Khó khăn bất động sản ảnh hướng lớn đến nhu cầu tín dụng

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đối với khu vực Đông Nam bộ, ngoài các khó khăn chung thì các khó khăn riêng của khu vực đã cộng hưởng dẫn tới tăng trưởng tín dụng của khu vực thấp hơn so với toàn quốc.

Cụ thể, theo ông Tú, tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam bộ đang ở mức rất thấp, vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng kinh tế giảm sút, tốc độ tăng năng suất lao động thấp, hệ thống kết nối hạ tầng đô thị còn nhiều bất cập, mạng lưới hạ tầng cấp vùng, liên vùng còn yếu, thiếu.

Khủng hoảng bất động sản khiến tăng trưởng tín dụng Đông Nam Bộ thấp hơn cả nước - Ảnh 2.

Khó khăn của bất động sản khiến tăng trưởng tín dụng Đông Nam bộ thấp hơn cả nước. Ảnh: Quốc Hải

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng tín dụng của khu vực Đông Nam bộ những tháng đầu năm thấp do ngành bất động sản rơi vào khó khăn.

Mọi năm, tín dụng bất động sản thường tăng cao, kéo theo tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tăng. Tuy nhiên, hiện nay thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn (chủ yếu liên quan đến vấn đề pháp lý dự án). 

Tình hình thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp vừa qua ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư, người mua nhà, khiến tín dụng bất động sản tăng chậm, ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng chung. 

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, thời gian qua nhiều doanh nghiệp bất động sản có tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính cao, tình hình tài chính kém lành mạnh, dẫn tới việc các tổ chức tín dụng phải cân nhắc trong quá trình thẩm định, xem xét quyết định cho vay đối với các doanh nghiệp này.

“Kinh doanh bất động sản là ngành trọng yếu của khu vực, đặc biệt là tại TP.HCM, tuy nhiên những khó khăn của thị trường, nhất là vấn đề về pháp lý dẫn tới các dự án mới chậm được triển khai… ảnh hưởng lan tỏa tới các ngành có liên quan như xây dựng, vật liệu xây dựng, sắt thép”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận định.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết đến ngày 31/3, dư nợ tín dụng bất động sản đạt khoảng 2,67 triệu tỷ đồng, tăng 3,51% so với cuối năm 2022, (chiếm 21,83% tổng dư nợ nền kinh tế, tỷ lệ nợ xấu là 2,12%). Trong đó, dư nợ bất động sản khu vực Đông Nam bộ gần 1,1 triệu tỷ đồng, giảm 1,74% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng 41,12% tổng dư nợ tín dụng bất động sản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem