Tạo việc làm cho người trong độ tuổi lao động, một trong những cách giảm nghèo ở Đắk Lắk

An Nhiên Thứ ba, ngày 28/11/2023 13:31 PM (GMT+7)
Tỉnh Đắk Lắk có hơn 1,9 triệu người, trong đó lực lượng trong độ tuổi lao động gần 1,2 triệu người, chiếm 58,4% dân số. Với cơ cấu "dân số vàng" này, Đắk Lắk đặc biệt quan tâm công tác giải quyết việc làm cho người lao động nhằm thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
Bình luận 0

"Tiếp sức" người lao động vượt khó

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Đắk Lắk cho hay, xác định công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo tại địa phương, tỉnh Đắk Lắk đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp bằng nhiều hình thức, nâng cao nhận thức người dân trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp.

"Chắp cánh" ước mơ "đổi đời" cho người lao động nghèo - Ảnh 1.

Công tác đào tạo nghề đã góp phần giúp nhiều phụ nữ có đời sống ổn định mà không phải xa quê.

Có mặt tại phiên giao dịch việc làm năm 2023, Y Niết Ksơr (SN 2000, ở xã Ea Ngai, huyện Krông Búk) chủ động tìm hiểu thông tin việc làm của các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng. 

Đặc biệt, sau khi nghe đại diện Công ty Cổ phần KaChi (Cụm công nghiệp Krông Búk) giới thiệu về nhu cầu tuyển thợ cơ khí, thợ hàn, thợ điện…, với thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng, Y Niết quyết định nộp hồ sơ vào doanh nghiệp này. Trước đây, Y Niết từng là thợ hàn cho một công ty của Singapore ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) nhưng đã thất nghiệp gần 3 tháng.

"Có việc làm ổn định, lại làm việc gần nhà thì còn gì bằng. Em rất mừng vì địa phương đã quan tâm tổ chức phiên giao dịch việc làm để lao động địa phương có cơ hội tìm được công việc phù hợp", Y Niết nói.

"Chắp cánh" ước mơ "đổi đời" cho người lao động nghèo - Ảnh 2.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tỉnh Đắk Lắk đặc biệt quan tâm.

Không chỉ giải quyết việc làm trong nước, tỉnh Đắk Lắk còn chú trọng công tác xuất khẩu lao động, giúp người lao động tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Hộ bà Nguyễn Thị Quý (ở thôn 1A, xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin) thuộc diện cận nghèo, nguồn thu nhập của gia đình chỉ từ kinh tế nương rẫy bấp bênh. Vì đời sống gia đình khó khăn, các con của bà Quý chưa tốt nghiệp THCS, nghỉ học sớm để phụ giúp kinh tế cho cha mẹ. Mong mỏi thoát khỏi cảnh nghèo khó, con trai bà Quý là Trịnh Xuân Sơn đã quyết định đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản vào tháng 11/2022.

Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi theo diện hộ cận nghèo để xuất khẩu lao động của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Cư Kuin với số tiền 61 triệu đồng, gia đình bà giảm bớt được nỗi lo tài chính khi cho con xuất cảnh. Bà Quý cho biết, sau hơn 7 tháng làm việc tại Nhật Bản, mỗi tháng trừ đi chi phí sinh hoạt, con trai bà dư ra hơn 15 triệu đồng. Con trai bà cũng đã gửi về khoảng 150 triệu đồng, giúp gia đình trả khoản vay xuất khẩu lao động cho con, đời sống kinh tế gia đình cũng ổn định hơn.

Đột phá, tạo cơ hội việc làm cho người lao động

Theo Sở LĐ – TB & XH tỉnh Đắk Lắk, uớc tính 9 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho khoảng 23.000 người, trong đó xuất khẩu lao động khoảng 1.000 người, bằng 76,6% kế hoạch năm; đưa được 118 lượt lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc.

Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết cho 3.670 dự án vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, với số tiền 175 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho 3.670 người lao động.

Thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm, người lao động đã được tư vấn việc làm, nghề nghiệp với 32.687 lượt người; giới thiệu việc làm cho 5.837 lượt người. Kết quả số người có việc làm sau khi giới thiệu là 2.049 người.

Đặc biệt, tỉnh Đắk Lắk còn chú trọng thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng là 8.230 người, có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 7.886 người, số tiền chi trả là 125.8 tỷ đồng. Tất cả người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng chế độ BHTN đều được tư vấn việc làm, tư vấn học nghề theo quy định.

"Chắp cánh" ước mơ "đổi đời" cho người lao động nghèo - Ảnh 3.

9 tháng đầu năm 2023, tỉnh Đắk Lắk đã giải quyết việc làm cho khoảng 23.000 người.

Bà Trần Thị Minh Lý - Trưởng Phòng Lao động, Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ – TB & XH tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện số lao động làm việc tại địa phương ở khu vực nông thôn phần lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi. Việc làm có thu nhập cao, liên quan ứng dụng khoa học, công nghệ còn hạn chế. Số lao động tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp làm việc trái ngành, nghề được đào tạo còn nhiều.

Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk có Nghị quyết số 14 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định các đối tượng chính sách được vay vốn từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tuy nhiên số người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vẫn còn ít so với lực lượng lao động của tỉnh.

Để tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả, tạo đột phá trong công tác giải quyết việc làm, tỉnh Đắk Lắk tập trung chỉ đạo rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, dự án liên quan trực tiếp đến hỗ trợ việc làm bền vững, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm.

"Chắp cánh" ước mơ "đổi đời" cho người lao động nghèo - Ảnh 4.

Người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk để được hỗ trợ, tư vấn việc làm.

Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, ưu tiên hỗ trợ người lao động bị mất việc làm trong doanh nghiệp được vay vốn tự tạo việc làm thông qua hoạt động cho vay vốn giải quyết việc làm và các chính sách tín dụng khác của Nhà nước tại Ngân hàng Chính sách xã hội; UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo rà soát người lao động tại địa phương có nhu cầu vay vốn tạo việc làm phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cùng cấp và cân đối, bố trí nguồn vốn ủy thác của địa phương để tạo điều kiện cho người lao động được vay vốn.

Đặc biệt, xây dựng kế hoạch, ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 14 của Tỉnh ủy Đắk Lắk về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để đáp ứng được yêu cầu của phát triển thị trường lao động.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem