Tết đầu tiên vắng người thân (bài 2): Thèm cái Tết có đủ ba mẹ

Mỹ Quỳnh Thứ bảy, ngày 29/01/2022 07:20 AM (GMT+7)
Ngày Tết cận kề, Bảo và anh trai tranh thủ thời gian dọn dẹp, lau chùi nhà cửa. Nhìn những gia đình vui vẻ, quây quần bên nhau, cậu bé 16 tuổi cảm thấy chạnh lòng: Ước gì còn ba mẹ!
Bình luận 0

Thèm cái tết sum vầy

Như bao đứa trẻ khác, từ trước đến nay Nguyễn Đức Bảo (học sinh lớp 11, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) rất thích Tết. Với Bảo, Tết là khoảng thời gian em được nghỉ "xả láng" sau nhiều tháng học hành vất vả, được đi chơi thỏa thích, được ăn nhiều món ngon và đặc biệt, được người lớn lì xì.

Trong ký ức của Bảo, những ngày giáp Tết, ba mẹ thường sửa soạn lại nhà cửa cho tươm tất. Ba đi mua hai chậu hoa cúc lớn đặt trước nhà. Còn mẹ thì chuẩn bị các loại thực phẩm để ăn trong những ngày tết, nhưng tất nhiên sẽ không quên món mà cả hai anh em Bảo đều thích: Cánh gà chiên nước mắm và canh chua.

Cái Tết đầu tiên vắng người thân (bài 2): Thèm cái Tết có đủ ba và mẹ - Ảnh 1.

Những lúc buồn, nhớ ba mẹ, Nguyễn Đức Bảo thường làm bạn với cây đàn. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Đến Tết, cả gia đình sẽ cùng sang nhà bà để đón giao thừa, chúc xuân. Có năm, cả gia đình cùng đi chơi loanh quanh thành phố...

"Năm nay, cả ba và mẹ đều không còn. Nhìn dòng người đi sắm Tết, đi mua hoa… em thấy nhớ ba mẹ vô cùng. Đôi khi nghe các bạn trong lớp khoe đi sắm đồ cùng ba mẹ, em thấy tủi thân. Những lúc như vậy, em chỉ ước gì mình vẫn còn ba, còn mẹ, còn được đón những cái Tết sum vầy…", bảo buồn thiu.

Cái Tết đầu tiên vắng người thân (bài 2): Thèm cái Tết có đủ ba và mẹ - Ảnh 2.

Nguyễn Đức Bảo và anh trai (bị hội chứng Down) trong những ngày gần tết. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Thế nhưng không để mình bị trầm xuống quá lâu, Bảo cho biết em cố gắng gạt đi những nỗi niềm để cùng anh trai dọn dẹp, chuẩn bị Tết. Không có ba mẹ, các bác của hai anh em cho tiền đi mua sắm quần áo mới.

"Nhờ thời gian, anh trai cũng đã chấp nhận việc không còn ba mẹ bên cạnh. Hôm em đưa đi mua đồ mới, anh rất vui. Tết năm nay dù vắng ba mẹ, em vẫn sẽ cùng anh qua nhà bà như những năm trước để đón Tết, sau đó về nhà chờ bạn bè qua chơi. Trong năm mới, em chỉ tự hứa với lòng sẽ học tập tốt hơn, cố gắng đậu vào trường đại học mình mong muốn và thực hiện được những kỳ vọng trước đây của ba mẹ", Bảo nói.

Học được sự sẻ chia

Cùng hoàn cảnh như Bảo, năm nay là năm đầu tiên bốn anh em Hải Bằng (học sinh lớp 9, ngụ Tôn Đản, quận 4) đón Tết mà không có ba mẹ bên cạnh.

Trao đổi với Dân Việt, Hải Bằng cho biết, đến thời điểm hiện tại, cuộc sống của bốn anh em đã tạm trở lại bình thường. Mất ba mẹ là cú sốc quá lớn đối với các em, nhưng nhờ sự chăm sóc của người thân, cả bốn anh em đã cân bằng được và không rơi vào tình trạng trầm cảm như những người khác.

Cái Tết đầu tiên vắng người thân (bài 2): Thèm cái Tết có đủ ba và mẹ - Ảnh 3.

Anh em Hải Bằng đang vui đùa cùng chú chó nhỏ trong nhà. Ảnh: Mỹ Quỳnh

"Năm nay không chỉ là năm đầu tiên chúng em không có ba mẹ bên cạnh đón Tết, mà sẽ là mãi mãi không có ba mẹ trong chặng đường tiếp theo. Dù vậy, em lúc nào cũng nghĩ rằng ba mẹ em vẫn ở đây, vẫn bên cạnh chúng em. Nên để ba mẹ yên lòng, bốn anh em bảo ban nhau cùng học tập, ngoan ngoãn", Bằng nói.

Bà Nguyễn Thị Hồng Phúc (bác dâu) cho biết, từ khi ba mẹ bé mất, bà tạm gác công việc, sang chăm sóc các cháu. Hiện tại, bốn anh em đã dần nguôi ngoai nỗi nhớ thương ba mẹ, vui vẻ, hòa nhập trở lại.

"Tôi và các chú bác họ hàng đã gom góp tiền để mua sắm đầy đủ cho các cháu. Mỗi đứa được mua vài bộ quần áo mới, đôi dép mới. Hai bé nhỏ thì có thêm đồ chơi, búp bê. Dự tính mùng 2 Tết sẽ đưa các cháu đi Đà Lạt chơi một chuyến cho khuây khỏa, rồi tiếp tục trở về học tập", bà Phúc nói.

Cũng theo bà Phúc, trong thời gian qua và đặc biệt là dịp Tết 2022, các cơ quan, đoàn thể có nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho các bé. Các cháu nhận được sự yêu thương, sẻ chia nên vơi bớt nỗi buồn phần nào.

"Được thấy các cháu vui vẻ trở lại, tôi rất vui. Nhưng điều vui nhất là các cháu biết chia sẻ với những người khác. Khi các cháu nhận được nhiều quà, gạo, nhu yếu phẩm… thì đã nói với tôi là đưa đi san sẻ cho những người khó khăn hơn. Cháu còn khẳng định, nếu sau này có điều kiện cũng sẽ đi làm việc thiện giống ba mẹ ngày còn sống", bà Phúc chia sẻ.

Sở LĐ-TB&XH đề xuất chính sách chăm lo, hỗ trợ cho trẻ mồ côi do dịch Covid-19. Trong đó, các em sẽ được miễn học phí đến hết chương trình phổ thông trung học, giáo dục nghề nghiệp và cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

Trẻ có cả cha và mẹ tử vong; trẻ em đã mồ côi cha hoặc mẹ trước đó, hiện người còn lại cũng tử vong do Covid-19; trẻ đã mồ côi cả cha mẹ hoặc cha mẹ bỏ rơi từ nhỏ sống với ông bà, người nuôi dưỡng nhưng bị tử vong Covid-19, nếu dưới 4 tuổi được hỗ trợ 1 triệu đồng/trẻ/tháng, trẻ từ 4 tuổi trở lên được hỗ trợ 700.000 đồng/trẻ/tháng.

Bên cạnh đó, trẻ mồ côi cha hoặc mẹ do dịch, người còn lại bị bệnh hiểm nghèo được hỗ trợ 650.000 đồng/trẻ/tháng.

Trẻ mồ côi cha hoặc mẹ do dịch, người còn lại có mức thu nhập bằng hoặc thấp hơn mức hộ cận nghèo thì được hỗ trợ 480.000 đồng/trẻ/tháng. Việc hỗ trợ được thực hiện đến khi trẻ đủ 18 tuổi.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem