Thanh Hóa: Đấu vật, đấu cù... lễ hội thể hiện tinh thần thượng võ

Thùy Anh Thứ ba, ngày 13/02/2024 13:25 PM (GMT+7)
Cứ tới những ngày đầu xuân là khắp nơi trong huyện Hoằng Hóa lại nô nức kéo nhau đi hội làng. Ngoài lễ hội đấu vật, Hoằng Hóa còn được biết đến với các lễ hội ném cù, lễ hội đua thuyền... truyền thống.
Bình luận 0

Hoằng Hóa (Thanh Hóa) từ lâu được biết đến là huyện có văn hóa truyền thống độc đáo. Ngay từ những ngày đầu năm nhiều địa phương đã tổ chức các lễ hội để tăng cường tính đoàn kết và rèn luyện sức khỏe cho người dân. Đây cũng là cách để bảo tồn văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Sáng qua (mùng 3 Tết Nguyên đán) tại xã Hoằng Lưu (Hoằng Hóa) đã sôi nổi tổ chức Hội vật truyền thống Xuân Giáp Thìn năm 2024. Hoằng Lưu vốn là "cái nôi" của môn vật dân tộc. Hằng năm, cứ vào những ngày đầu xuân năm mới, xã Hoằng Lưu lại rộn ràng tiếng trống mở hội vật. Hội vật truyền thống xã Hoằng Lưu không phân biệt độ tuổi, hạng cân, chiều cao, trình độ.

Tham gia tranh tài tại Hội vật truyền thống xã Hoằng Lưu năm nay có nhiều đô vật ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Ảnh: Thùy Anh.

Tham gia tranh tài tại Hội vật truyền thống xã Hoằng Lưu năm nay có nhiều đô vật ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Ảnh: Thùy Anh.

Ông Vũ Bá Lĩnh - Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Lưu cho biết, bất kỳ ai có sức khoẻ và yêu thích môn vật đều có thể đăng ký tham gia với ban tổ chức. Tham gia tranh tài tại Hội vật truyền thống xã Hoằng Lưu năm nay có nhiều đô vật ở nhiều lứa tuổi khác nhau, trong đó có nhiều đô vật được đào tạo chuyên nghiệp.

Hội vật truyền thống xã Hoằng Lưu áp dụng luật thi đấu vật dân tộc. Để thắng, các đô vật phải nhấc đối phương lên sao cho hai chân lên khỏi mặt đất hoặc vật cho đối phương ngã ngửa sao cho lưng và vai chạm đất gọi là "lấm lưng trắng bụng". Thể thức thi đấu loại trực tiếp, không phân theo hạng cân.

Trong đó, trai đấu với trai, gái đấu với gái, trẻ em đấu với trẻ em. Đô vật chiến thắng là đô vật thắng ngay trận đầu tiên. Phần thưởng chỉ mang tính khích lệ nhưng các đô vật rất hào hứng.

Hội vật xã Hoằng Lưu rất chú trọng tinh thần thượng võ, vì thế các đô vật không được ra các đòn đánh nguy hiểm đến tính mạng như bẻ, vặn, khóa trái khớp, tấn công bằng đầu, bấm các huyệt, nắm tóc, tấn công vào hạ bộ, yết hầu, mắt…

Phần thưởng chỉ mang tính khích lệ nhưng các đô vật rất hào hứng. Ảnh: Thùy Anh.

Phần thưởng chỉ mang tính khích lệ nhưng các đô vật rất hào hứng. Ảnh: Thùy Anh.

Hội vật Xuân Giáp Thìn 2024 thu hút nhiều đô vật đăng ký tranh tài. Hội vật được đông đảo nhân dân và du khách thập phương đến cổ vũ. Tiếng trống, tiếng hò reo cổ vũ các đô vật vang rộn khắp khu vực khán đài. Đặc biệt, Ban tổ chức đã nâng cao chất lượng công tác tổ chức, thi đấu, cũng như bảo đảm điều kiện thuận lợi nhất để đông đảo nhân dân tới theo dõi, cổ vũ.

Các đô vật cống hiến nhiều màn đấu hấp dẫn cho khán giả, các đô vật chuyên nghiệp cống hiến cho khán giả những màn đấu mang tính kỹ thuật cao; các đô vật nữ thể hiện được những màn đấu hấp dẫn trong tiếng reo hò cổ vũ của khán giả; các đô vật nhí hăng hái tham gia với tinh thần giao lưu, học hỏi và rèn luyện.

Cùng với Lễ hội Đua thuyền ở Hoằng Đạt, lễ hội đấu vật ở xã Hoằng Lưu, tại Hoằng Hà lễ hội Vật Cù được diễn ra mang đậm sắc thái văn hóa truyền thống, vào mỗi khi tết đến, xuân về.

Đây là lễ hội thể hiện sức mạnh của đoàn kết, theo đó các thành viên được chia theo đội. Người nào càng nắm được nhiều vào quả cù thì càng được may mắn. Người may mắn và chiến thắng là người ném quả cù trúng giỏ.

Lễ hội vật cù bao gồm có 2 phần (phần lễ và phần hội). Ảnh: Thùy Anh.

Lễ hội vật cù bao gồm có 2 phần (phần lễ và phần hội). Ảnh: Thùy Anh.

Theo ông Nguyễn Đình Kiên - Trưởng làng Đạt Tài, xã Hoằng Hà cho biết, lễ hội vật cù bao gồm có 2 phần (phần lễ và phần hội). Để tổ chức được vật cù, thì người dân xã Hoằng Hà lên chùa Tây báo cáo với Thành hoàng làng cho phép con cháu tổ chức lễ hội vật cù. Sau đó, sẽ chọn ra khoảng 8 trai làng chưa vợ khiêng kiệu và rước cù từ chùa Tây đến sân vận động của xã. Đây là nơi diễn ra các trận tranh cù.

Trước đó, ngày mùng 2 Tết, xã Hoằng Đạt cũng đã tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống làng văn hoá Trù Ninh.

Lễ hội đua thuyền tại làng Trù Ninh, xã Hoằng Đạt được tổ chức tại Hồ Đình, nằm cạnh Cụm di tích lịch sử văn hoá làng Trù Ninh. Theo những người cao niên trong xã, lễ hội có từ xa xưa, gắn với nghề chài lưới mưu sinh trên sông Tuần Ngu, hay còn gọi là sông Lạch Trường.

Lễ hội đua thuyền tại làng Trù Ninh có từ xa xưa, gắn với nghề chài lưới mưu sinh trên sông Tuần Ngu. Ảnh: Thùy Anh.

Lễ hội đua thuyền tại làng Trù Ninh có từ xa xưa, gắn với nghề chài lưới mưu sinh trên sông Tuần Ngu. Ảnh: Thùy Anh.

Ông Tạ Hữu Quang - Giám đốc Trung tâm VHTT và DL huyện Hoằng Hóa cho biết: Các lễ hội diễn ra dịp đầu xuân, được duy trì hàng năm thể hiện tinh thần yêu thể thao, trân trọng văn hóa truyền thống của tổ tiên, góp phần thúc đẩy phong trào thể thao quần chúng.

"Thắng thua ở hội không phải là điều quan trọng, quan trọng nhất là các lễ hội đã mang lại những phút giây thư giãn, giải trí cho nhân dân trong vùng sau một năm làm việc vất vả, mệt nhọc và còn tạo không khí vui xuân, khích lệ động viên thanh niên trong xã rèn luyện sức khỏe, tránh xa các tệ nạn xã hội; góp phần bảo tồn, phát huy những phong tục, tập quán, nét đẹp văn hoá đặc sắc của địa phương", ông Quang nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem