Thiếu các quy định vị trí trong khoa dược nên công việc đấu thầu rất nguy hiểm

Bạch Dương Thứ năm, ngày 29/09/2022 19:20 PM (GMT+7)
Chiều 29/9, đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã giám sát việc thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức).
Bình luận 0
Thiếu các quy định vị trí trong khoa Dược nên công việc đấu thầu rất nguy hiểm - Ảnh 1.

Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh báo cáo với đoàn ĐBQH TP.HCM chiều 29/9. Ảnh: B.D

Càng làm càng thâm hụt

Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh chia sẻ, ưu điểm tự chủ tài chính là giúp bệnh viện chủ động xây dựng nguồn nhân lực phù hợp với mục tiêu, kế hoạch dài hạn; chủ động trong công tác khám chữa bệnh, phát triển cơ sở y tế, đầu tư trang thiết bị từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Tuy nhiên, hạn chế tồn tại lâu nay là bệnh viện gặp khó khăn về kinh phí đầu tư. Đứng trước yêu cầu phát triển chuyên môn, nâng hạng bệnh viện, xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng đào tạo cán bộ, bệnh viện rất khó trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, cơ cấu giá khám chữa bệnh hiện nay áp dụng đối với bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế chưa được tính đúng, đủ và chỉ mới thu 4/7 phần chi phí thực tế. Ba phần còn lại chưa được tính vào giá khám chữa bệnh là chi phí nhân sự gián tiếp; khấu hao thiết bị, máy móc; chi phí đào tạo, nghiên cứu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng.

Ông Khanh cũng cho rằng giá khám chữa bệnh chưa bao gồm phần hao hụt trong quá trình bảo quản, cấp phát thuốc và vật tư: "Việc này dẫn đến bệnh viện càng làm càng thâm hụt và không có nguồn để tái đầu tư sơ sở vật chất, máy móc thiết bị ngày càng lạc hậu, không nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, không có nguồn đào tạo nhân lực và thu hút nguồn lực có chất lượng cao".

Mặt khác, hiện nay yêu cầu số hóa trong công tác khám chữa bệnh và truyền tải, lưu trữ dữ liệu và giảm ô nhiễm môi trường đòi hỏi cần đầu tư hoặc thuê hệ thống công nghệ thông tin, tốn rất nhiều chi phí cho hệ thống như HIS, PACS, hệ thống lưu trữ, hồ sơ bệnh án điện tử, không dùng tiền mặt... Các hạng mục này vẫn chưa được tính vào cơ cấu giá dịch vụ khám chữa bệnh.

Do đó, bệnh viện kiến nghị tính đúng, đủ chi phí cho khung giá khám chữa bệnh, theo lộ trình. Trong khi chờ đợi chủ trương "tính đủ", ông đề nghị ngân sách cấp bổ sung phần thiếu hụt kinh phí đầu tư bệnh viện. Theo ông, hàng năm ngân sách đều cấp nhưng tập trung vào y tế cơ sở, các trạm y tế nên bệnh viện quận huyện chưa được phân bổ, "nên sơn phết chống thấm tường bệnh viện cũng khó khăn".

Nhiều chức danh không có trong quy định khiến việc đấu thầu thuốc rất nguy hiểm

Dược sĩ Lê Phước Trọng Nhân, Trưởng Khoa Dược cho biết, bệnh viện đấu thầu thuốc với chi phí lớn, riêng danh mục thuốc tốn 55-59% tổng chi phí. Sau đấu thầu, bệnh viện tập trung trả nợ các nhà cung cấp trong khi phải phụ thuộc nhiều vào BHYT và phải đợi BHYT trả nên công nợ kéo dài, dẫn đến nguy cơ thiếu thuốc.

Thiếu các quy định vị trí trong khoa Dược nên công việc đấu thầu rất nguy hiểm - Ảnh 3.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM giám sát tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Ảnh: B.D

Liên quan đến hoạt động khoa dược, ông Nhân cho rằng Thông tư 22/2011 quy định chức năng nhiệm vụ, vị trí việc làm của khoa dược không còn phù hợp. Chẳng hạn khoa có vị trí dược trung trưởng, nhưng vị trí này không có trong thông tư khiến "công việc đấu thầu rất nguy hiểm". Do đó ông đề nghị sửa thông tư này, đồng thời sửa cả Luật Dược 2013 và Luật Đấu thầu 2013, cho phép đàm phán giá. Lý do, thuốc là hàng hóa đặc biệt, không quản lý chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng bệnh nhân.

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam nhìn nhận, trong quy trình đấu thầu, việc xây dựng giá kế hoạch khó vì phải thấp hơn giá trúng thầu năm trước. Nhiều thuốc đã hết hiệu lực đăng ký lưu hành và Bộ Y tế đang tiếp tục gia hạn, nhưng đây chỉ là giải pháp trước mắt. Ngoài ra, đấu thầu tập trung cấp địa phương hay cấp bệnh viện thường chỉ đáp ứng 80% kế hoạch.

Sở đã kiến nghị Bộ Y tế ban hành danh mục cần công khai, kê khai. Thực tế việc mua sắm vật tư y tế trang thiết bị còn nhiều vướng mắc trong kê khai giá, công khai giá, số lượng quá lớn. Mặc dù Vụ Trang thiết bị (Bộ Y tế) đã công khai giá 180.000 mặt hàng nhưng chỉ là một phần nhỏ, trong khi phần mềm tìm tên tra cứu rất khó. Có những mặt hàng không biết là vật tư y tế hay thuốc, như nước mắt nhân tạo, khi bệnh viện mua sắm sẽ gặp khó khăn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem