TP.HCM: Xoay xở hợp đồng thỉnh giảng để đủ thầy cô đứng lớp

Mỹ Quỳnh Thứ ba, ngày 06/09/2022 17:23 PM (GMT+7)
Các cơ sở giáo dục buộc phải tìm cách xoay xở để có đủ giáo viên giảng dạy cho học sinh.
Bình luận 0

Vừa qua, trên cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng đã đồng loạt tổ chức lễ khai giảng để bắt đầu năm học mới. Đây là lễ khai giảng rất đáng trân trọng, bởi trước đó một năm, vì dịch Covid-19 mà TP.HCM không thể có một lễ khai giảng trọn vẹn.

Gác những nỗi lo về dịch bệnh, TP.HCM vẫn còn đối mặt với nhiều nỗi lo khác, trong đó có những khó khăn, trăn trở về việc thiếu giáo viên để đảm bảo tổ chức dạy học cho học sinh. Bởi trước thềm năm học mới, Sở GDĐT TP.HCM cho biết, toàn thành phố thiếu đến hơn 5.000 giáo viên từ bậc mầm non đến THPT.

Xoay xở để đủ giáo viên giảng dạy

Trước tình trạng thiếu giáo viên nghiêm trọng, nhiều cơ sở giáo dục phải "vận hết nội công" tìm kiếm giáo viên, lấp chỗ trống để đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình dạy học.

TP.HCM: Xoay xở hợp đồng, thỉnh giảng để đủ thầy cô đứng lớp - Ảnh 1.

Năm học 2022-2023, TP.HCM tăng khoảng 22.000 học sinh. Ảnh: MQ

Tại Trường THCS An Phú (TP.Thủ Đức), lãnh đạo nhà trường cho biết, trong năm học 2022-2023, trường được giao chỉ tiêu biên chế 72 giáo viên, nhân viên. Tuy nhiên, hiện trường mới có 60 biên chế, thiếu 12 biên chế. Trong đó, đa số biên chế còn thiếu là giáo viên, chưa kể bảo mẫu.

Theo vị lãnh đạo này, do Phòng GDĐT chưa tổ chức tuyển dụng nên trường chưa có giáo viên. Để giải quyết tình thế trước mắt, nhà trường đã thực hiện hợp đồng thỉnh giảng. Bên cạnh đó, một số giáo viên nhà trường phải kiêm nhiệm để đáp ứng được việc tổ chức dạy học.

Một khó khăn khác mà vị lãnh đạo trường cho biết là, dù giáo viên thiếu, khó tuyển dụng… nhưng khi thực hiện hợp đồng, nhà trường lại không được lấy kinh phí từ nguồn ngân sách để chi trả. Điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho trường.

Tương tự, hiệu trưởng một trường tiểu học tại Gò Vấp cho biết, trường thiếu nhiều giáo viên, đặc biệt là các môn đặc thù như Tin học, Âm nhạc, Tiếng Anh… Trong khi đó, vì không có nguồn tuyển dụng, trường buộc phải tính toán đến phương án hợp đồng với sinh viên sư phạm mới ra trường. Tuy nhiên, nhà trường phải chấp nhận việc những giáo viên này chưa có kinh nghiệm, vừa ký hợp đồng, vừa bồi dưỡng để đáp ứng nhu cầu.

TP.HCM: Xoay xở hợp đồng, thỉnh giảng để đủ thầy cô đứng lớp - Ảnh 3.

Việc thiếu giáo viên khiến công tác dạy học - nhất là dạy Chương trình GDPT 2018 gặp nhiều khó khăn. Ảnh: MQ

Ở trung tâm thành phố còn khó khăn trong việc tuyển dụng, thì ở các huyện vùng ven lại càng khó khăn hơn. Tại Trường THCS-THPT Thạnh An (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ), lãnh đạo trường cho biết, dù nhà trường được giao tự chủ tuyển dụng giáo viên nhưng trường vẫn bị thiếu. Năm học mới này, trường không có đủ giáo viên dạy môn tiếng Anh cho học sinh.

Lý giải điều này, lãnh đạo trường cho biết, do đặc thù của xã đảo nằm ở địa bàn xa xôi, di chuyển khó khăn, thu nhập lại chưa tương xứng… nên trường rất khó thu hút giáo viên. Được biết, các năm học trước, khi thỉnh giảng giáo viên, nhà trường đã chi trả gấp đôi, tính bù cả chi phí đi lại. Dù vậy, những điều này chưa thể đủ sức để thu hút giáo viên.

Để giải bài toán khó này, trong năm học 2022-2023, Trường THCS-THPT Thạnh An đang tính đến việc sử dụng công nghệ thông tin, dạy học trên nền tảng trực tuyến đối với bộ môn tiếng Anh. Dự kiến, việc dạy học này sẽ có sự sự hỗ trợ của giáo viên các trường trong trung tâm TP.HCM.

Thực hiện hợp đồng thỉnh giảng để giải quyết trước mắt

Lãnh đạo Sở GDĐT TP.HCM thừa nhận, khó khăn của ngành giáo dục thành phố là thực trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018 như tiếng Anh, Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học... Trong năm học mới, các trường vẫn thực hiện hợp đồng thỉnh giảng giáo viên để giải quyết nhu cầu trước mắt.

TP.HCM: Xoay xở hợp đồng, thỉnh giảng để đủ thầy cô đứng lớp - Ảnh 4.

Học sinh Trường THCS-THPT Thạnh An trước thềm năm học mới. Ảnh: MQ

Ngoài ra, vị lãnh đạo sở cũng cho biết, theo quy định trước đây, các trường không được ký hợp đồng với giáo viên không trúng tuyển viên chức. Tuy nhiên hiện nay, Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ đã phần nào gỡ khó cho các trường trong việc thực hiện hợp đồng lao động với giáo viên.

Trong đó, Nghị quyết cho phép các trường được ký hợp đồng lao động (dưới 12 tháng) đối với các vị trí việc làm là giáo viên trong phạm vi số lượng biên chế viên chức được cấp có thẩm quyền giao và theo định mức quy định của Bộ GDĐT, nhưng không để kéo dài hợp đồng lao động làm chuyên môn quá 12 tháng.

Lãnh đạo sở cũng yêu cầu các trường thống kê, báo cáo số liệu giáo viên còn thiếu, cũng như dự báo số giáo viên trong 5 năm tới để Sở đặt hàng tuyển dụng giáo viên với các trường đại học đào tạo sư phạm.

Sở GDĐT TP.HCM đã và đang thực hiện nhiều biện pháp để tuyển dụng, giữ chân người lao động. Trong năm học mới, thành phố sẽ tổ chức 2 đợt tuyển dụng. Ngoài ra, sở đã có công văn yêu cầu hiệu trưởng các trường trung học phổ thông và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc thực hiện khảo sát, cung cấp số liệu phục vụ xây dựng Đề án về chính sách để tạo động lực và giữ chân cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong bộ máy chính quyền đô thị TP.HCM.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem