dd/mm/yyyy

Thứ "quả tiên" của Ngân Sơn, Bắc Kạn thành sản phẩm hàng hóa, ngon thế nào mà du khách mê mẩn?

Từng là một huyện nghèo nhất cả nước, những năm qua, người dân huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn) đã chú trọng phát triển cây đào thành sản phẩm hàng hóa, đem lại nguồn thu nhập đáng kể và góp phần tăng sức hút cho kinh tế, du lịch của địa phương.

Cây trồng cho giá trị cao

Những năm gần đây, Bắc Kạn đã trở thành điểm đến ưa chuộng của nhiều du khách khắp cả nước bởi khung cảnh hữu tình và khí hậu trong lành mát mẻ. Đặc biệt, khu vực đèo Gió (xã Vân Tùng) thường có khí hậu mát mẻ vào mùa Hè, mùa Đông thì hay có sương mù, mưa phùn và nhiệt độ thường thấp hơn so với các nơi ở vùng thấp từ 2 - 3 độ C nên cây đào trồng ở đây sinh trưởng và phát triển rất tốt. Với cảnh sắc sương mù mờ ảo, hoa đào rừng nở hồng rực đất trời, thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, du khách thường đến Ngân Sơn mua cành đào, cây đào hoặc du xuân chụp ảnh lưu niệm tại các vườn đào được người dân trồng tập trung như ở khu vực Pác Ả, thuộc tổ dân phố Bản Mạch, thị trấn Nà Phặc và thôn Đèo Gió, xã Vân Tùng…

Nhận thấy nguồn tiềm năng quý giá này, huyện Ngân Sơn đã đặt mục tiêu phát triển các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh, đặc trưng để khai thác nguồn lợi từ khách du lịch. Trong đó, sản phẩm quả đào tiên là sản phẩm có thế mạnh.

Thứ "quả tiên" của Ngân Sơn, Bắc Kạn thành sản phẩm hàng hóa, ngon thế nào mà du khách mê mẩn? - Ảnh 1.

Quả Đào tiên Pác Ả được đánh giá là cây đào ta bản địa được trồng ở khu vực núi cao, chất lượng quả tốt, giòn, ngọt, hương vị tương đối khác biệt so với quả đào ở các vùng miền khác. Thời gian qua, các HTX ở địa phương đã nỗ lực cải tiến về mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Sản phẩm Đào tiên Pác Ả xuất phát từ nhu cầu đời sống người dân, nguyên liệu tại địa phương, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, sản phẩm đã được tiêu thụ tại các cửa hàng hoa quả thuộc huyện Ngân Sơn, huyện Bạch Thông, thành phố Bắc Kạn và một số tỉnh lân cận như Thái Nguyên, Cao Bằng, ngoài ra được HTX quảng bá, tiếp thị trên các kênh mạng xã hội như facebook, zalo.

Trên cơ sở kết quả chấm thẩm định của thành viên Hội đồng và tổ giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, đã đánh giá sản phẩm đủ tiêu chí đạt OCOP 3 sao.

Vụ đào năm 2023, huyện Ngân Sơn vào vụ thu hoạch với diện tích khoảng 15ha, năng suất 48 tạ/ha; sản lượng 700 tấn; giá bán dao động từ 25.000 - 50.000 đồng/kg. Hiện nay, tổng diện tích trồng đào trên địa bàn huyện đạt hơn 30ha, chủ yếu trồng dọc theo Quốc lộ 3 từ thị trấn Nà Phặc đến xã Bằng vân. Trong đó cây đào được trồng nhiều trên Đèo Gió, thị trấn Vân Tùng và các xã Đức Vân, Bằng Vân.

Một trong những HTX mạnh dạn chọn đào làm sản phẩm chủ lực để làm thương mại là HTX đào tiên Pác Ả. Chị Hoàng Thị Hải, Giám đốc HTX cho biết: HTX thành lập tháng 9/2022 với 11 thành viên, hiện nay có 10ha đào cho thu hoạch, trồng mới khoảng 20ha. HTX đang tìm hiểu một số quy trình để chế biến quả đào như trà đào, đào sấy dẻo, rượu đào… Tập trung phát triển du lịch trải nghiệm mùa hoa đào và mùa thu hái quả đào, hiện nay nhiều diện tích đào của thành viên HTX được chú trọng trong chăm sóc. Mọi năm quả đào thường có giá khoảng 30.000 đồng/kg, năm nay do chăm sóc tốt, chất lượng quả to đều, mẫu mã đẹp, nên giá bán đạt 50.000 đồng/kg.

Các thành viên HTX còn đẩy mạnh đa dạng hóa các loại đào. Nếu như trước đây, vườn đào của các thành viên HTX chủ yếu là đào mỏ quạ, trước đây chỉ trồng để bán quả, chơi hoa. Năm nay, các thành viên HTX bắt đầu trồng thêm các loại hoa dưới tán đào, cắt tỉa cây cho đẹp, dựng tiểu cảnh để khách đến tham quan chụp ảnh, trung bình mỗi ngày có khoảng 100 lượt khách, mỗi vé vào vườn là 10.000 đồng/người. Vườn đào nở hoa rộ trong khoảng một tháng, sau mùa hoa là đến mùa quả nên vẫn có thể đón khách tham quan trải nghiệm.

Nâng cao giá trị cho quả đào

Về chính quyền địa phương, để nâng cao hơn nữa cho sản phẩm này, hiện nay, huyện Ngân Sơn đang phối hợp với Viện Rau quả Trung ương để phục tráng, bảo tồn các giống đào. Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận cây đầu dòng, là cơ sở để Ngân Sơn bảo tồn giống đào. Theo đề án bảo tồn, huyện sẽ phát triển thêm 13ha đào, tập trung tại thị trấn Nà Phặc và các xã Vân Tùng, Đức Vân.

Cùng với đó, huyện Ngân Sơn còn định hướng phát triển du lịch trải nghiệm như Lễ hội hoa đào; trải nghiệm hái quả đào khi đến vụ. Để chuẩn bị cho lễ hội hoa đào năm 2023, huyện từng bước xây dựng, phát triển một số HTX theo hướng kinh doanh dịch vụ du lịch như: HTX Đào tiên Pác Ả, HTX du lịch Tiến Thịnh. Hỗ trợ xây dựng điểm check-in tại đèo Khau Khang cho HTX Na Na; hỗ trợ hộ ông Nông Văn Cường làm nhà chòi phục vụ du khách đến trải nghiệm hoa đào, hái đào và dịch vụ ăn uống…

Để nâng cao giá trị quả đào, huyện Ngân Sơn tổ chức cho các HTX đi học tập kinh nghiệm tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Thời gian tới, huyện định hướng các HTX phát triển thêm những sản phẩm như: Trà đào, rượu đào, đào sấy dẻo... Đặc biệt huyện tập trung chuẩn bị cho Lễ hội hoa đào năm 2023. Đây sẽ là điểm nhấn giúp nâng tầm giá trị cây đào Ngân Sơn, đồng thời góp phần phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm của địa phương.

Đồng thời, UBND huyện Ngân Sơn đã ban hành kế hoạch bảo tồn hơn 20ha đào ta đã trồng từ nhiều năm trước và sẽ nhân rộng để người dân thực hiện, bởi ngoài hoa đào nổi tiếng của huyện thì quả đào cũng là một đặc sản của địa phương với vị ngọt, thơm đặc trưng, quả giòn ngon được nhiều người ưa chuộng. Nhờ những nỗ lực trên, năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của Ngân Sơn giảm 3,45%, hộ cận nghèo giảm 0,85%.

Huyện Ngân Sơn còn xây dựng đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giai đoạn 2021 – 2025”. Tuy nhiên, phát triển diện tích là điều dễ thực hiện nhưng để cây trồng này mang lại thu nhập cho nhiều người dân thì tiếp tục cần phải có nhiều giải pháp thực hiện.

Trong đó, giải pháp quan trọng là Ngân Sơn phải xây dựng sản phẩm đào thành sản phẩm OCOP của địa phương; liên kết với các HTX, doanh nghiệp để hướng tới chế biến sâu thành các sản phẩm như đào sấy dẻo, si rô đào… Ưu tiên sử dụng các nguồn vốn để đầu tư hạ tầng giao thông, hình thành các vùng du lịch cộng đồng, thu hút du khách đến tham quan gắn với từng thời vụ như: Mùa hoa đào sẽ tổ chức “lễ hội hoa đào” hay trải nghiệm hái đào để quảng bá sản phẩm, tăng thêm thu nhập cho người dân. Đây là các giải pháp để cây đào Ngân Sơn trở thành sản phẩm hàng hóa mang tính bền vững.

Bảo Lâm