Làng nghề mây tre tại Hà Nam có sản phẩm OCOP bán ra nước ngoài thu triệu đô

Nguyệt Minh - Hồng Nhân Thứ hai, ngày 08/08/2022 14:15 PM (GMT+7)
Làng nghề mây tre Ngọc Động đã đưa sản phẩm mây tre Việt Nam ra với thế giới, đồng thời tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Bình luận 0

Xuất phát từ những thành quả đạt được trong giai đoạn 2018 - 2020 đi đôi với khẩu hiệu “Mỗi xã một sản phẩm”, chương trình OCOP tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện, trở thành một trong những chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. 

Chương trình này hướng đến mục đích cuối cùng là tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Hiểu rõ được những mục tiêu mà chương trình OCOP đề ra, tỉnh Hà Nam đã và đang triển khai tích cực, gặt hái được nhiều thành công.

Nổi bật trong chính sách này phải kể đến các làng nghề truyền thống đã xây dựng được thương hiệu OCOP của riêng mình như rượu Vọc, bánh đa nem làng Chều, bình rượu rồng phượng Phú Thỏa…

Tuy nhiên, nhắc đến nhóm sản phẩm OCOP đi lên từ làng nghề phải kể đến mây tre đan Ngọc Động, nơi đã tạo ra công ăn việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động, đồng thời đưa sản phẩm mây tre Việt Nam ra với thế giới.

Ảnh 5.1.JPG

Hàng nghìn sản phẩm được làm từ mây tre đan tại làng nghề Ngọc Động với rất nhiều mẫu mã và công dụng để người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn. Ảnh: Nguyệt Minh

Làng nghề mây tre tại Hà Nam có truyền thống lâu đời

Một ngày nắng đầu tháng 8, chúng tôi tìm đến Hà Nam để tìm hiểu làng nghề mây tre Ngọc Động (xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) - nơi làm nên chiếc ghế mây năm nào hiện đang được trưng bày trang trọng trong nhà sàn của Bác Hồ.

Làng nghề mây tre đan này đã có danh tiếng xa gần từ nhiều năm nay. Nhờ đôi bàn tay khéo léo, đầy sáng tạo của những con người làng Ngọc Động, rất nhiều những sản phẩm mây tre đan được làm ra như: khay đĩa, lẵng làn, sọt, lồng bàn,... Đây đều là những sản phẩm đòi hỏi sự tinh tế, chỉ có thể làm theo hình thức thủ công.

Những sản phẩm mây tre đan được làm từ những nguyên liệu thuần Việt là mây, tre, lại được chế tác bởi đôi bàn tay của người nông dân Việt, bởi thế mà nó mang đậm tinh thần Việt, đại diện cho sự khéo của con người Việt.

Cái hay của nghề mây tre đan là ở chỗ, sản phẩm mây tre đan rất đa dạng. Từ những sản phẩm phức tạp như bộ bàn ghế đến những sản phẩm đơn giản như khay, đĩa. Chính vì thế bà con nông dân từ già đến trẻ ai cũng có thể lựa chọn sản phẩm phù hợp để làm. 

Tuy nhiên trước đây, vì cách thức sản xuất nhỏ lẻ, cùng với đó việc chưa có tiêu chuẩn thống nhất về chất lượng sản phẩm khiến cho sản phẩm làm ra giữa các hộ gia đình không được đồng đều. Làng nghề mây tre đan Ngọc Động chưa thật sự phát huy được hết tiềm năng của mình. 

Sinh ra từ làng nghề, ông Nguyễn Xuân Mai (1953) hiểu hơn hết tiềm năng, cũng như những bài toán khó mà làng nghề phải vượt qua để tồn tại trong giai đoạn mới.

Làng nghề mây tre tại Hà Nam1.jpg

Ông Nguyễn Xuân Mai - Giám đốc Công ty TNHH mây tre xuất khẩu Ngọc Động. Ảnh: Nguyệt Minh.

Năm 2004, ông Nguyễn Xuân Mai thành lập công ty TNHH mây tre xuất khẩu Ngọc Động (tiền thân là tổ hợp Ngọc Động được thành lập năm 1988). Cũng từ đây, ông đã giúp làng nghề truyền thống của mình thoát khỏi nguy cơ chết dần chết mòn của những làng nghề truyền thống. 

Với tâm huyết của ông Mai, cùng việc đăng ký sản phẩm OCOP năm 2018 đã giúp làng nghề mây tre Ngọc Động không chỉ đứng vững với thời gian dài mà còn ngày càng phát triển, mang những sản phẩm đậm chất “hồn Việt” chinh phục thành công thị trường quốc tế.

Làng nghề mây tre tại Hà Nam khoác lên mình tấm áo mới

Bài toán khó được đặt ra chính là làm sao để làng nghề truyền thống trong sống được thời kỳ mới, ông Mai chia sẻ: “Có hai yếu tố mà tôi luôn tâm đắc đó chính là cái mình có và thứ người ta cần”.

Làng nghề mây tre tại Hà Nam2.jpg

Ông Nguyễn Xuân Mai giới thiệu với phóng viên về những sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Ảnh: Nguyệt Minh.

Ông Mai hiểu được ưu điểm của làng nghề mình chính là những sản phẩm mây tre truyền thống, mang tính thẩm mỹ và thủ công cao. Cùng với đó, nguồn nguyên liệu tự nhiên thân thiện với môi trường được sử dụng triệt để là mây tre, mọc rất nhiều ở Việt Nam. 

Thị trường nước ngoài lại cực kỳ yêu chuộng những sản phẩm tự nhiên thân thiện với môi trường, có tính thủ công cao. Thời tiết ở khu vực Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản có độ ẩm không cao, phù hợp để bảo quản những đồ vật làm từ mây tre, không lo bị ẩm mốc.

Từ những yếu tố cơ bản đó, ông Mai đã dần tìm ra cách giải quyết bài toán khó bao gồm việc xử lý nguyên liệu, tạo ra sản phẩm cho đến xuất khẩu. 

Đối với nhóm sản phẩm thủ công, từ khi áp dụng chương trình OCOP đã giúp các sản phẩm làm ra có chất lượng đồng đều hơn, đáp ứng yêu cầu khó tính của thị trường quốc tế. Cùng với đó, việc đẩy mạnh hỗ trợ vốn cũng khiến cả bà con nông dân và doanh nghiệp đầu tư thêm về chất lượng và số lượng.

làng nghề mây tre tại hà nam3.jpg

Nhờ bàn tay khéo léo và sức sáng tạo của người nông dân, những sản phẩm mây tre đan được làm ra rất bắt mắt, thu hút người tiêu dùng. Ảnh: Nguyệt Minh.

Công ty của ông Mai hiện có 3 nhóm sản phẩm chính bao gồmn nhóm sản phẩm truyền thống, nhóm tre công nghiệp và nhóm sản xuất đồ gỗ. Trong đó, nhóm sản phẩm truyền thống bao gồm 2 loại: mây xiên và bèo, cói, lục bình kết hợp với mây xiên. Đây chính là nhóm sản phẩm được ông đăng ký, đủ điều kiện trở thành sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

"Thực hiện theo chương trình mỗi địa phương một sản phẩm, làng chúng tôi từ xưa nay chỉ chuyên mây tre nên việc đăng kí sản phẩm này là hoàn toàn chính xác. Từ sản xuất nhỏ lẻ, nhờ nỗ lực của cá nhân, đồng thời địa phương tạo điều kiện, thúc đẩy chúng tôi làm thành nhóm, thu về một mối. Công ty chúng tôi chịu trách nhiệm thu mua, và thực hiện mua bán với nước ngoài. 

Trước đó, chúng tôi cũng đã bán ra nước ngoài, nhưng từ khi đăng kí OCOP, sản phẩm chúng tôi bán ra dễ hơn, có uy tín hơn với bạn bè quốc tế", ông Mai cho hay.

Ảnh 6.1.JPG

Sản phẩm khay mây đan đạt tiêu chuẩn OCOP, đã chinh phục thành công nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Châu u, Nhật Bản. Ảnh: Nguyệt Minh.

Nhóm sản phẩm OCOP chủ yếu được xuất khẩu sang nước ngoài, gồm các khu vực như: Mỹ (chiếm 70%), Châu Âu (20%), Châu Á (10%). Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của Công ty mây tre Ngọc Động đạt khoảng 49 tỷ, mục tiêu của 6 tháng cuối năm doanh thu đạt trên 50 tỷ.

Công ty đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Ông Mai bảo: “Mấu chốt để chương trình OCOP được thực hiện thành công là mối quan hệ mật thiết giữa làng nghề với doanh nghiệp. Người nông dân cần phải có thị trường cho sản phẩm của mình thông qua doanh nghiệp.

Muốn tạo được thị trường thì người nông dân không thể làm được mà cần phải có doanh nghiệp tư nhân đứng ra, đầu tư về vốn, khoa học công nghệ, thị trường. Phải kết nối giữa người nông dân với doanh nghiệp. Tức là kết nối giữa đầu vào và đầu ra, nếu không sẽ gây ra tình trạng ùn ứ. 

Thứ hai là thúc đẩy chính sách đầu tư lâu dài hơn cho cả 2 nhóm đối tượng là người dân và doanh nghiệp. Mỗi tỉnh cần phải chọn ra một vài sản phẩm thật tốt để đầu tư. 

Ảnh 7.1.JPG

Các sản phẩm mây tre đan thân thiện với môi trường, do nguyên liệu và quy trình sản xuất đều đảm bảo an toàn, không sử dụng hóa chất không thân thiện với môi trường. Ảnh: Nguyệt Minh.

Ông Mai tự hào: “Việc đầu tư vào những sản phẩm làng nghề mũi nhọn được Hà Nam triển khai rất tốt. Chính vì thế Hà Nam đã đạt được những thắng lợi đáng nể với nhóm sản phẩm OCOP đi lên từ làng nghề và có tiềm năng kinh tế lâu dài".

Những thành công từ làng nghề mây tre Ngọc Động (Duy Tiên, Hà Nam) đã cho thấy chủ trương đưa chương trình OCOP vào phát triển kinh tế nông thôn tại Hà Nam đang được thực hiện thật sự có hiệu quả.

Sau 3 năm tập trung phát triển các sản phẩm OCOP tại các làng nghề truyền thống, đến năm 2021, tỉnh Hà Nam đã tổ chức đánh giá, phân hạng 41 sản phẩm OCOP, trong đó có 16 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 23 sản phẩm đạt OCOP 3 sao thuộc 22 chủ thể và có 37 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP.

Tỉnh Hà Nam phấn đấu đến năm 2025 đạt mục tiêu có 150 sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng từ 3 sao trở lên.

Hiện tỉnh Hà Nam có 58 làng nghề trong đó 32 làng nghề truyền thống.

Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển OCOP, tỉnh Hà Nam đã có những giải pháp cụ thể như phối hợp xúc tiến các sản phẩm OCOP vào các trung tâm, siêu thị lớn trên địa bàn; tổ chức lựa chọn sản phẩm tiêu biểu tham gia hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Đồng thời triển khai các chương trình đưa hàng Việt Nam về nông thôn gắn với việc thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; nâng cao hiệu quả kết nối giữa nhà sản xuất, nhà phân phối sản phẩm tới tay người tiêu dùng…

Việc công nhận và tập trung đầu tư cho các sản phẩm OCOP là cơ hội để các chủ thể phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử địa phương, đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem