Thủ tướng đề nghị làm rõ câu hỏi của nông dân: Tại sao có những vùng trồng mắc ca không ra quả?

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 29/09/2020 10:05 AM (GMT+7)
Tại Hội nghị kết quả phát triển cây mắc ca tại Việt Nam thời gian qua; định hướng và giải pháp trong thời gian tới do Bộ NNPTNT, UBND tỉnh Đắk Lắk và Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tổ chức tại Đắk Lắk sáng 29/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải đầu tư xây dựng thương hiệu cho mắc ca Việt Nam.
Bình luận 0

Theo đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mắc ca là cây trồng đa mục tiêu, mang lại giá trị kinh tế cao nếu đẩy mạnh chế biến sâu. "Qua thực tế, cây mắc ca mang lại giá trị thu nhập cao cho người dân, lại đảm bảo mục tiêu về môi trường" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo người đứng đầu Chính phủ, trong quá trình phát triển cây mắc ca còn nhiều vấn đề phải quan tâm. 

"Tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3 tổ chức ngày hôm qua cũng tại Đắk Lắk, chị nông dân Vi Thị Thanh ở tỉnh Đắk Nông có đặt câu hỏi với tôi: Tại sao có những vùng trồng cây mắc ca nhưng 7 - 8 năm vẫn chưa cho trái?. Các nhà khoa học, ngành chức năng phải trả lời được câu hỏi này của nông dân" - Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc nói.

Thủ tướng đề nghị làm rõ câu hỏi của nông dân: Tại sao có những vùng trồng mắc ca không ra quả? - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: N.Chương.

Cũng theo Thủ tướng, nhu cầu sử dụng mắc ca của thế giới đang rất cao, tăng tới 200%, cho thấy tiềm năng phát triển của cây mắc ca là rất lớn.

Vì vậy, cần phải quy hoạch vùng trồng như thế nào cho phù hợp, đồng thời quản lý chặt chẽ về giống; đặc biệt, phải đẩy mạnh chế biến sâu, liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để không còn cảnh được mùa rớt giá.

"Thị trường tiêu thụ mắc ca như thế nào, đây là câu hỏi khó, vì vậy, ngành chức năng cần phải tính toán tăng lên bao nhiêu là vừa, chứ không phải tăng vô cùng tận, nhu cầu tiêu dùng lớn nhưng nếu phát triển quá nóng thì sẽ dư thừa, vì vậy, cần xác định vùng trồng phù hợp, đảm bảo lợi ích kinh tế của nông dân, doanh nghiệp", Thủ tướng nói. 

Thủ tướng cũng đặt vấn đề cần phải phát triển thương hiệu mắc ca Việt Nam. Australia là quốc gia phát triển mạnh về cây mắc ca, chúng ta phát triển sau nhưng phải khẳng định được thương hiệu mắc ca Việt Nam, hương vị ra sao, chất lượng thế nào? Đã có nhận xét, mắc ca của Việt Nam còn ngon hơn mắc ca của Úc.

Thủ tướng cũng kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu mắc ca. "Muốn làm lớn phải có doanh nghiệp đầu tư, một mình nông dân không làm được" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đề nghị làm rõ câu hỏi của nông dân: Tại sao có những vùng trồng mắc ca không ra quả? - Ảnh 2.

Cây giống mắc ca trưng bày tại Hội nghị. Ảnh: N.Chương.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, chiến lược phát triển nông nghiệp trong 10 năm tới đưa Việt Nam đứng trong top 10 nước có sức sản xuất lớn  về nông nghiệp. Điều này muốn thành hiện thực thì phải lựa chọn cây - con có lợi thế, hướng vào thị trường quốc tế, bất kỳ hoạt động kinh tế nào cũng đảm bảo 3 mục tiêu kép: kinh tế, môi trường và an sinh xã hội.

"Mắc ca là đối tượng cây trồng có thể đạt được mục tiêu này, bởi đây là cây cho loại hạt rất tốt với 70% là dầu béo không no. Tại sao Úc coi hạt mắc ca là một loại thuốc bổ, là do giá trị dinh dưỡng có trong đó, nếu nâng tầm, mắc ca không chỉ là một loại thực phẩm đơn thuần mà còn là một loại thực phẩm chức năng" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói. 

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, do cây mắc ca rất nhạy cảm với điều kiện khí hậu nên trong 10 năm qua, dù biết tiềm năng của mắc ca là rất lớn nhưng thế giới mới phát triển được 490.000 tấn, mắc ca mới chiếm 1% trong số 20 loại hạt phổ biến người tiêu dùng sử dụng.

"Cây mắc ca phát triển ở nhiệt độ khoảng 20 - 22 độ C, ở Việt Nam, Tây Bắc, Tây Nguyên là hai vùng rất phù hợp vì nhiệt độ mát mẻ, còn những vùng khác trồng có thể không ra hoa đậu quả" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ những vùng có thể trồng mắc ca.

Bộ trưởng cũng khẳng định, dư địa để phát triển mắc ca là rất lớn, nếu làm tốt sẽ giúp hệ số che phủ rừng tăng nhanh, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Sau 5 năm triển khai quy hoạch mắc ca, đến nay cả nước có 23 tỉnh trồng cây mắc ca với diện tích trên 16.500ha. Trong đó, 9 tỉnh nằm trong quy hoạch ở 2 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên trồng trên 15.400ha, tăng 55% diện tích so với quy hoạch.

Về sản lượng, năm 2020, các tỉnh dự kiến thu hoạch gần 6.600 tấn hạt tươi, tăng 24,5 lần so với năm 2015. Với giá bán sản phẩm dạng hạt sấy khoảng 200 triệu đồng/tấn như hiện nay, ước tính hơn 4.000 tấn hạt sấy sẽ mang lại giá trị khoảng 788 tỷ đồng.

Đến nay, sản phẩm mắc ca của chúng ta đã xuất khẩu với sản lượng trên 2.400 tấn sản phẩm sấy/năm.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem