Thưởng Tết năm 2022: Doanh nghiệp thưởng bằng hiện vật liệu có đúng luật?

Thùy Anh Thứ bảy, ngày 11/12/2021 13:26 PM (GMT+7)
Theo các chuyên gia tiền lương, năm nay kinh tế khó khăn, nhiều khả năng hình thức thưởng Tết bằng hiện vật sẽ chiếm ưu thế. Nhiều lao động băn khoăn doanh nghiệp thưởng Tết bằng hiện vật liệu có đúng luật?
Bình luận 0

Xu hướng thưởng Tết Nguyên đán năm 2022 bằng hiện vật chiếm đa số

Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban quan hệ lao động (Tổng liên đoàn lao động Việt Nam) cho biết, Khoản 1 Điều 104 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Thưởng (trong đó có thưởng Tết - PV) là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Vì thế, doanh nghiệp không có nghĩa vụ bắt buộc phải thưởng Tết năm 2022 cho người lao động. Thay vào đó, tùy vào tình hình kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc… mà doanh nghiệp có xem xét thưởng Tết nhiều hay ít, hoặc không thưởng Tết.

Như vậy, ngoài thưởng Tết bằng tiền, các doanh nghiệp có thể thưởng Tết năm 2022 cho nhân viên bằng hiện vật hoặc các hình thức khác.

thưởng Tết nguyên đán năm 2022

Xu hướng thưởng Tết bằng hiện vật được dự báo là sẽ chiếm lĩnh "thị trường" thưởng Tết Nguyên đán năm 2022.

"Mặc dù mãi tới Bộ Luật lao động sửa đổi năm 2019, quy định thưởng Tết bằng hiện vật và các hình thức khác mới được đưa vào luật, nhưng từ trước đó, nhiều doanh nghiệp đã thưởng Tết cho lao động bằng hiện vật. Thậm chí nhiều doanh nghiệp khó khăn còn 'có gì thưởng đó'", ông Quảng nói.

Thực tế đúng như ông Quảng thông tin bởi trước đó, Tết các năm 2019, 2020 câu chuyện doanh nghiệp thưởng Tết bằng chổi chít; khăn mặt, áo lót... vẫn tràn ngập trên các trang mạng.

Theo các chuyên gia tiền lương, năm nay kinh tế khó khăn, nhiều khả năng hình thức thưởng Tết bằng hiện vật sẽ chiếm ưu thế. Ngoài tiền lương, tiền thưởng, doanh nghiệp có thể thưởng bằng: Vé du lịch, vé tàu xe để về quê; hoặc các hiện vật có giá trị như: đồ gia dụng, xe máy, ôtô…

Ngoài thưởng Tết còn có thưởng tháng lương thứ 13

Cũng theo ông Quảng, thông thường ngoài tiền thưởng Tết, cuối năm lao động còn nhận thêm khoản tiền lương tháng thứ 13.

Ngoài khoản tiền thưởng Tết, người lao động cũng mong chờ, tò mò khoản tiền lương tháng thứ 13 năm 2022 ra sao? Thực tế, không có văn bản pháp luật nào quy định doanh nghiệp phải trả tiền lương tháng thứ 13. Tuy nhiên, hiện nay một số doanh nghiệp làm tốt công tác thương lượng tập thể thì khi làm hợp đồng lao động, hai bên (người sử dụng lao động và người lao động) sẽ đưa nội dung thưởng tiền tháng 13 vào đàm phán thương thảo, ký kết.

thưởng tết năm 2022

Năm 2019, ngoài thưởng tháng lương thứ 13, Công ty TNHH Thời trang và Xe đạp Martin 107 còn thưởng Tết bằng vàng cho người lao động. Ảnh: Hồng Đào.

Thông thường, khoản tiền lương tháng thứ 13 được các công ty tính theo mức bình quân tiền lương trong năm, hoặc theo mức lương tháng thứ 12 của người lao động.

Ngoài ra, một tin vui cho đoàn viên, công nhân trong Tết Nhâm Dần 2022 là được nhận khoản tiền thăm hỏi trị giá 300.000 đồng từ quỹ tài chính của công đoàn.

Cụ thể, theo Kế hoạch 146/KH-TLĐ nêu rõ, Tết 2022, người lao động có đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có đóng kinh phí công đoàn; cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn được chăm lo, thăm hỏi từ nguồn tài chính công đoàn với mức 300 nghìn đồng/người.

Theo đó, hai đối tượng được hưởng tiền thăm hỏi gồm, người lao động có đóng BHXH tại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có đóng kinh phí công đoàn. Cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn. Mức tiền thăm hỏi có thể cao hơn nhiều tùy từng hoàn cảnh lao động.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem