Thủy điện đóng van xả nước giữa nắng hạn, hàng trăm hecta sầu riêng ở Ninh Thuận có nguy cơ chết héo

Đức Cường Thứ bảy, ngày 04/05/2024 18:44 PM (GMT+7)
Hơn một tháng nay, Nhà máy thủy điện Đa Nhim đóng van xả nước khiến sông suối khô cạn, nông dân không còn nguồn nước tưới. Gần 80 hộ dân ở các thôn Lâm Hòa, Lâm Phú, Lâm Bình xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) đứng ngồi không yên vì hơn 100ha cây sầu riêng đang vào vụ đứng trước nguy cơ chết héo.
Bình luận 0

Sầu riêng rụng la liệt do thiếu nước 

Những ngày đầu tháng 5/2024, PV Dân Việt tìm về xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) và chứng kiến nhiều diện tích cây ăn quả đang chết héo.

Xót xa hơn là những vườn sầu riêng đang giai đoạn nuôi trái xảy ra tình trạng trái rụng la liệt, trái chưa rụng thì công vênh, méo mó, hở cuống. Có cây lá rụng kín gốc do thiếu nước tưới.

Thủy điện đóng van xả nước giữa nắng hạn, hàng trăm hecta sầu riêng ở Ninh Thuận có nguy cơ chết héo - Ảnh 1.

Anh Thái Đăng Phi ở thôn Lâm Hòa, xã Lâm Sơn bên gốc sầu riêng 6 năm tuổi bị rụng trái chỉ còn trơ cuống vì thiếu nước tưới. Ảnh: Đức Cường

Anh Thái Đăng Phi ở thôn Lâm Hòa, xã Lâm Sơn thở dài cho biết, vườn sầu riêng hơn 100 cây của gia đình anh đang giai đoạn kết trái được hơn 1 tháng nay. 

Tuy nhiên, những ngày qua nguồn nước tưới không còn duy trì nên trái non rụng la liệt khiến gia đình đứng ngồi không yên.

Chỉ tay về những cành sầu riêng chỉ còn trơ cuống, anh Phi ngậm ngùi cho biết, vụ này ước tính thiệt hại của gia đình khoảng 70%, nếu những ngày tới không có mưa hoặc không có nước tưới thì coi như mất trắng, bỏ lứa trái này để dưỡng cây cho vụ sau.

Tương tự anh Phi, những ngày này ông Nguyễn Xuân ngụ cùng thôn Lâm Hòa như ngồi trên đống lửa để tìm nguồn nước cứu 9 sào (9.000 mét vuông) sầu riêng của gia đình.

Thủy điện đóng van xả nước giữa nắng hạn, hàng trăm hecta sầu riêng ở Ninh Thuận có nguy cơ chết héo - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Xuân, thôn Lâm Hòa, xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận lo chạy nước từng bữa ở lòng suối Gia Chiêu để cứu cây sầu riêng. Ảnh: Đức Cường.

Để có nước tưới, ông Xuân phải đấu nối đường ống dẫn nước từ các khe suối cách vườn 2,2km về tưới cho sầu riêng. Tuy nhiên, nước tưới không đều khiến sầu riêng đang kết trái xảy ra tình trạng héo lá rồi chết dần.

"Mặc dù thử nhiều cách cứu vườn cây, nhưng do nắng hạn kéo dài, nguồn nước từ các sông suối đã cạn kiện. Nhìn cây sầu riêng trồng 3 – 4 năm tuổi nay héo dần rồi chết khô mà bất lực…", ông Xuân thở dài.

Thủy điện Đa Nhim đóng van xả giữa nắng hạn

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, hiện nay tình trạng thiếu nước tưới do nắng hạn ở các thôn Lâm Hòa, Lâm Bình, Lâm Phú xã Lâm Sơn là hết sức nghiêm trọng.

Thủy điện đóng van xả nước giữa nắng hạn, hàng trăm hecta sầu riêng ở Ninh Thuận có nguy cơ chết héo - Ảnh 5.

Theo anh Thái Đăng Phi, thôn Lâm Hòa, xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận vụ sầu riêng năm nay gia đình coi như mất trắng nếu thời gian tới vẫn không có nước tưới. Ảnh: Đức Cường.

Nhiều nhà vườn cho biết, bên cạnh nắng hạn kéo dài, thì nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là bởi  thủy điện Đa Nhim đóng van thủy nông giữa mùa hạn dẫn đến các con suối Gia Chiêu, cầu Ngang, cầu Khỉ là nguồn chính cung cấp nước phục vụ sản xuất của nông dân cạn khô, trơ đáy.

Trong đơn kiến nghị gửi UBND xã Lâm Sơn, 77 hộ dân ở 3 thôn Lâm Hòa, Lâm Bình, Lâm Phú cho rằng, trước đây nhà máy thủy điện Đa Nhim có 1 van thủy nông dùng để xả nước định kỳ 1 lần/tuần để tiếp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp ở vùng hạ lưu.

Tuy nhiên, không hiểu vì sao những năm gần đây việc này không còn được duy trì, ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất của nông dân, đặc biệt là trong thời điểm nắng hạn như hiện nay.

Thủy điện đóng van xả nước giữa nắng hạn, hàng trăm hecta sầu riêng ở Ninh Thuận có nguy cơ chết héo - Ảnh 7.

Suối Gia Chiêu đã cạn khô, người dân đi bộ dưới lòng suối để tìm nguồn nước tưới cho cây trồng. Ảnh: Đức Cường

Theo ông Nguyễn Duy Khả, Trưởng ban quản lý thôn Lâm Hòa, xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận), trước đây vào đỉnh điểm hạn hán khoảng năm 2015, các hộ dân cũng đã một lần kiến nghị sự việc trên nhưng chưa được giải quyết.

"Chi phí để đầu tư 1ha sầu riêng đang trong giai đoạn cho trái khoảng 70 triệu đồng/vụ, nếu tính từ lúc trồng cây con thì chi phí lên đến vài trăm triệu đồng. Do đó, nếu thời gian gần sắp tới không có nước thì thiệt hại của bà con sẽ là rất lớn, có thể phải bỏ hết trái mới hy vọng giữ được cây…", ông Khả cho hay.

Thủy điện đóng van xả nước giữa nắng hạn, hàng trăm hecta sầu riêng ở Ninh Thuận có nguy cơ chết héo - Ảnh 8.

Nhà máy thủy điện Đa Nhim nằm ở xã Lâm Sơn với đường ống lấy nước từ hồ Đơn Dương tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Đức Cường.

Ông Thái Quang Mận, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn cho biết, hiện có gần 300ha cây ăn quả các loại, trong đó có 100ha sầu riêng ở các thôn Lâm Hòa, Lâm Bình, Lâm Phú xã Lâm Sơn đang phụ thuộc vào nước trời và nguồn nước từ suối Gia Chiêu, Cầu Khỉ và Cầu Ngang.

Do đó, việc thuỷ điện Đa Nhim đóng van thủy lợi "vô thời hạn" ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương, đặc biệt là trong tình hình nắng hạn hiện nay và những năm tiếp theo.

"Qua kiểm tra, đại diện nhà máy thủy điện Đa Nhim cũng thừa nhận hệ thống van thủy nông này không còn tác dụng. 

Do đó địa phương cũng kiến nghị lên cấp trên sớm quan tâm tháo gỡ khó khăn, qua đó giúp nhân dân có nước sản xuất ổn định để phát triển kinh tế…", ông Mận cho hay.

Clip: Hàng trăm hecta sầu riêng ở Ninh Thuận nguy cơ chết héo do thủy điện Đa Nhim đóng van xả nước giữa mùa hạn. T/h: Đức Cường

Để có thông tin khách quan, đa chiều về vấn đề trên, PV Dân Việt đã liên hệ với đại diện truyền thông Nhà máy thủy điện Đa Nhim nhưng người này cho biết đang bận rồi tắt máy.

Đề nghị thủy điện Đa Nhim mở van thủy lợi cứu cây trồng

Thủy điện đóng van xả nước giữa nắng hạn, hàng trăm hecta sầu riêng ở Ninh Thuận có nguy cơ chết héo - Ảnh 10.

Ông Nguyễn Duy Khả Trưởng thôn Lâm Hòa và ông Thái Quang Mận (bên phải) tại vườn sầu riêng hiếm hoi còn giữ được màu xanh. Ảnh: Đức Cường.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, qua kiểm tra xác định, trước đây (khoảng 6 - 7 năm) tại nhà máy thủy điện Đa Nhim có 1 van thuỷ nông hầm 3 dùng để xả nước ra khu vực suối Gia Chiêu, Suối Le, cầu Khỉ nhưng từ khi hoàn thành đường ống Đa Nhim 2 mở rộng, van thuỷ nông hầm 3 đã không còn vận hành xả nước nữa.

Theo ông Hiếu, với tình hình thiếu nước như hiện nay sẽ không đảm bảo điều kiện cho cây sinh trưởng, phát triển làm ảnh hưởng đến năng suất, gây thiệt hại không nhỏ cho bà con nông dân tại địa phương.

Vì vậy, việc hỗ trợ nước để cứu hạn cho hơn 100 hecta vườn cây và hỗ trợ nguồn nước phục vụ tưới ổn định cho vườn cây ăn quả xã Lâm Sơn hơn 300 ha là hết sức cần thiết.

Thủy điện đóng van xả nước giữa nắng hạn, hàng trăm hecta sầu riêng ở Ninh Thuận có nguy cơ chết héo - Ảnh 12.

Vườn sầu riêng trên triền đồi của nông dân ở xã Lâm Sơn đang ngả vàng do thiếu nước tưới. Ảnh: Đức Cường

"Chúng tôi đã có báo cáo kiến nghị để UBND tỉnh chỉ đạo về vấn đề trên. Trong đó, có đề nghị Sở Tài chính bố trí nguồn vốn để chống hạn hỗ trợ người dân trong vùng hạn hán và đặc biệt, vùng cây ăn quả tại xã Lâm Sơn đảm bảo nguồn nước tưới để ổn định sản xuất. 

Ngoài ra, đề nghị Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, Nhà máy thuỷ điện Đa Nhim có phương án vận hành van thuỷ nông hầm 3 đảm bảo dòng chảy tối thiểu trên sông và nhu cầu dùng nước tối thiểu ở hạ du theo đúng nhiệm vụ mục tiêu công trình, quy trình vận hành hồ chứa thuỷ điện giúp địa phương có nguồn nước ổn định đảm bảo tưới cho vùng cây ăn quả Lâm Sơn thuộc huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận…", ông Hiếu thông tin.

Nhà máy thủy điện Đa Nhim thuộc Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi. Đây là công trình thủy điện xây dựng trên sông Đa Nhim tại vùng đất thị trấn D'Ran huyện Đơn Dương tỉnh Lâm Đồng và xã Lâm Sơn huyện Ninh Sơn tỉnh Ninh Thuận.

Xã Lâm Sơn nằm dưới chân đèo Ngoạn Mục thuộc huyện Ninh Sơn tỉnh Ninh Thuận. Nơi đây có khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp để cho ra những loại trái cây thơm ngon mang hương vị riêng như: Sầu riêng, chôm chôm, măng cụt…

Vườn trái cây Lâm Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ Quyết định Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Trái cây Ninh Sơn" vào ngày 24/5/2018 và Mô hình du lịch vườn trái cây Lâm Sơn đã đi vào hoạt động ổn định từ năm 2018, thu hút đông du khách đến tham quan.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem