Tiếng Anh không bắt buộc thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, thạc sĩ Ngôn ngữ... vui mừng

Tào Nga Chủ nhật, ngày 03/12/2023 10:00 AM (GMT+7)
Theo Thạc sĩ Vũ Xuân Thành: "Sau quyết định phương án thi tốt nghiệp THPT của Bộ GDĐT, các bạn học sinh và chính các thầy cô dạy trong trường sẽ được "cởi trói", không còn học "English for đi thi" nữa".
Bình luận 0

Ủng hộ phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Tiếng Anh là môn lựa chọn

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, Thạc sĩ Vũ Xuân Thành, hiện là giáo viên tiếng Anh ở Hà Nội bày tỏ niềm vui mừng khi mới đây Bộ GDĐT quyết định đưa môn tiếng Anh trở thành môn lựa chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, thay vì môn học bắt buộc.

Theo Thạc sĩ Thành: "Sau quyết định này của Bộ GDĐT, các bạn học sinh và chính các thầy cô dạy trong trường sẽ được cởi trói, không còn học "English for đi thi" nữa, mà thay vào đó, học sinh sẽ đi học vì nhu cầu thực tế của bản thân, còn thầy cô sẽ điều tiết được giáo án dạy, cân bằng giữa giao tiếp và ngữ pháp, dạy cho các bạn học sinh ngôn ngữ để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Đây chính là mục đích và hướng đi thật sự của việc học Ngoại ngữ".

Tiếng Anh không bắt buộc thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, thạc sĩ Ngôn ngữ... vui mừng - Ảnh 1.

Thạc sĩ Vũ Xuân Thành từng tốt nghiệp thạc sĩ khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Mỹ, Đại học tổng hợp Bucharest, Romania; cựu sinh viên CLC khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Quốc Gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Thầy Thành từng có 8 năm đi du học ở nước ngoài, bên cạnh việc theo học chính tại Romania, thầy còn được trường cử theo diện trao đổi sinh viên tại một số các quốc gia khác ở Châu Âu. Trong quãng thời gian đó, thầy đã được tiếp cận với nhiều nền giáo dục khác nhau và nhận thấy Việt Nam khá khác so với các nước. 

"Riêng môn tiếng Anh, họ phổ cập đến mức một đứa trẻ 7-8 tuổi cũng có thể giao tiếp trò chuyện một cách tự nhiên. Họ đào tạo theo tính thực tiễn nhiều hơn ngữ pháp. Lúc đó ở Việt Nam, việc các bạn sinh viên ngoại ngữ học đến năm 2-3 mà nói còn ấp úng không phải là điều hiếm gặp. Còn sinh viên các trường thuộc ngành Tự nhiên, tỷ lệ sử dụng được tiếng Anh là rất thấp. Tôi khi ấy (mà đến giờ vẫn thấy đúng) rằng giáo dục Việt Nam cũng sớm muộn giống như phương tây, phổ cập tiếng Anh xuống từ bậc tiểu học, home schooling (giáo dục tại gia) sẽ phổ biến đến mức con trẻ cũng sẽ nói tiếng Anh song song với tiếng Việt.

Xu thế hội nhập là tất yếu trong xã hội toàn cầu hoá. Mà hội nhập quốc tế thì tiếng Anh là công cụ đi đầu. Xu hướng phương tây hiện đã phổ cập 2 ngoại ngữ trong trường, một là tiếng Anh, lựa chọn kế tiếp là Pháp, Tây Ban Nha rồi đến Đức... Ngoại ngữ đã mở rộng cơ hội giao thương, tìm kiếm việc làm xuyên biên giới. Họ đi làm việc giữa các nước khối EU dễ như trở bàn tay vì có ngoại ngữ để giao tiếp.

Như trên, ngoại ngữ là điều kiện cần trong bối cảnh toàn cầu hoá. Thật khó có thể tìm thấy một ngành nghề chất lượng cao nào mà không cần nó: Bác sĩ, kỹ sư, công an, quân đội… Gần như không ngành nghề nào lại không đòi hỏi biết tiếng Anh", thầy Thành nói.

Nhu cầu là thực tế, nhưng tại sao nhiều ba mẹ và học sinh lại cự tuyệt với việc học tiếng Anh tại trường lớp?

"Thật ra, vấn đề ở đây không phải là tiếng Anh mà là cách dạy và học tiếng Anh ở nước ta. Xưa nay, trừ một số trường chuyên top đầu, còn đại trà thì vẫn theo kiểu "English for đi thi", nghĩa là ngữ pháp làu làu mà gặp người nước ngoài thì…. chạy mất dép. 

Là giáo viên ngoại ngữ, tôi thấy nhiều bạn lớp 9 tiếp thu được ngữ pháp của tận lớp 12 nhưng riêng kỹ năng nghe, nói, tôi phải dùng giáo trình tương đương… lớp 6. Lý do là trong quá trình học tại trường, luyện thực hành gần như bằng 0. Các bạn mất quá nhiều thời gian để nghĩ, để nói ra một câu tiếng Anh đơn giản hoàn chỉnh. Chương trình GDPT hiện nay chưa thể giúp học sinh giỏi tiếng Anh, đặc biệt ở mảng giao tiếp.

Tôi vẫn hỏi học trò: "Các con biết học tiếng Anh để làm gì không?". Để dùng nó như một công cụ giúp cho cuộc sống, công việc sau này. Không ai gặp tây mà lôi bảng điểm ngữ pháp cho họ xem cả. Mà tiếng Anh chỉ thực tiễn khi bạn nói được nó, nghe được nó, đó mới là mục đích chính việc học. Thật đáng tiếc khi quá ít ba mẹ và học sinh hiểu được vấn đề này. Thế là các con điên cuồng "cày" ngữ pháp làm sao có bảng điểm ở lớp 9-10. Tôi cười bảo học sinh trong lớp: "Thầy không cần điểm 10 của các con. Thầy chỉ cần các con nói được, nghe được, vì thầy muốn trao cho các con công cụ thực tiễn". Khi ra đời, chúng ta mới thấy kỹ năng nghe nói mới là thứ đi cùng mình trong hành trình của cuộc sống.

Tiếng Anh không bắt buộc thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, thạc sĩ Ngôn ngữ... vui mừng - Ảnh 2.

Thạc sĩ Thành dự đoán trong 15 năm nữa, có tiếng Anh không còn là lợi thế của riêng ai, vì khi đó ra đường ai cũng siêu tiếng Anh. Ảnh: NVCC

Giáo dục ngoại ngữ trong trường giờ cần thay đổi. Cải cách ngoại ngữ chính là tăng số tiết dạy giao tiếp, giảm bớt ngữ pháp. Đánh giá năng lực của học sinh thông qua khả năng vận dụng ngôn ngữ thực tế. Chỉ cần thay đổi điều này, thế hệ tiếp theo của chúng ta sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận tri thức thế giới, cánh cửa hội nhập quốc tế sẽ rộng mở hơn rất nhiều", thầy Thành cho hay. 

Tuy nhiên, không phải như vậy nghĩa là trình độ tiếng Anh của Việt Nam đang thụt lùi sau quyết định của Bộ GDĐT. Thạc sĩ Thành nhấn mạnh: "Ba mẹ tại các thành phố lớn đã có những bước "đi tắt, đón đầu", đầu tư cho các con tiếp cận ngoại ngữ sớm, từ bé đã rất giỏi. Những năm gần đây, rất nhiều bạn nhỏ xíu đã có thể nói tiếng Anh cơ bản. Nhiều bạn cấp 1, 2 đã nói tiếng Anh rất tốt trong môi trường giao tiếp thông thường. Cấp 3 giao tiếp lưu loát, không hiếm gặp các bạn nói như "tây", thi IELTS 8.0 không còn là điều kỳ diệu mà chỉ số ít làm được nữa. 

Dự đoán trong 15 năm nữa, có tiếng Anh không còn là lợi thế của riêng ai, vì khi đó ra đường ai cũng siêu tiếng Anh. Xu thế ngoại ngữ 2 đã len lỏi âm ỉ, nhiều bạn nhỏ đã biết cả tiếng Trung, Pháp, Nhật, Nga và thế hệ tiếp theo sẽ dùng ngoại ngữ 2 để tăng lợi thế trong công việc. Với tầm nhìn này, những bạn học sinh cho rằng tiếng Anh không là môn thi bắt buộc mà bỏ bê tiếng Anh sẽ đang đánh mất cơ hội cạnh tranh trong xã hội phát triển ngày càng khốc liệt.

Lợi thế đầu đời của học sinh khi học ngoại ngữ chính là cánh cửa du học. Không ai bảo đi du học mà không cần biết ngoại ngữ, mà thực tế cho thấy, những người đi du học thì cơ hội nâng cao tri thức của họ lớn hơn nhiều so với những người khác. Trong khi một số người còn đang chủ quan, đánh giá chưa đúng về quan trọng của môn học này thì những người khác đã tận dụng ngoại ngữ trở thành sức mạnh, lợi thế cho họ. Tiếng Anh cần hay không, có lẽ tuỳ vào tư duy của mỗi con người".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem