Xu hướng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học tăng, nguồn thuốc nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc

Quốc Hải Thứ năm, ngày 02/11/2023 14:55 PM (GMT+7)
Lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trung bình trên cả nước giảm dần, từ 3,81kg/ha năm 2020 xuống 3,19kg/ha năm 2022, trong đó, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học có xu hướng tăng, từ 16,67% năm 2020 lên 18,49% năm 2022, đây là một tín hiệu rất tích cực.
Bình luận 0

Thông tin trên được ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) chia sẻ tại hội nghị "Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học" tổ chức tại TP.HCM sáng nay (2/11).

Tìm giải pháp đề nông dân "thích" sử dụng thuốc BVTV sinh học - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị "Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học". Ảnh: Quốc Hải

Xu hướng sử dụng thuốc BVTV sinh học tăng dần

Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, cả nước hiện có 99 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật đủ điều kiện sản xuất, trong đó có 85 cơ sở có sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học (BVTV sinh học). Trong đó, công nghệ sản xuất thuốc BVTV sinh học gồm: Công nghệ vi sinh (có 84 tên thương phẩm trong danh mục); công nghệ tách chiết từ thực vật (141 tên thương phẩm trong danh mục) và công nghệ sản xuất thuốc thành phẩm từ hoạt chất thuộc nhóm hóa sinh (có 585 tên thương phẩm thuộc danh mục).

Lượng thuốc BVTV sinh học nhập khẩu cũng tăng dần. Năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 21.900 tấn, đạt 89,4 triệu USD; năm 2021 tăng lên 28.200 tấn, đạt 113,8 triệu USD; năm 2022 là 25.200 tấn, đạt 111,2 triệu USD. 9 tháng năm 2023 nhập khẩu 13.500 tấn, đạt 50,5 triệu USD.

"Lượng thuốc BVTV sinh học nhập khẩu hàng năm chiếm khoảng 15-20% tổng lượng thuốc BVTV nhập khẩu, trong đó Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nhiều nhất, chiếm khoảng 90%", ông Đạt nói.

Theo ông Đạt, việc sử dụng thuốc BVTV sinh học tại Việt Nam ngày càng tăng, số liệu cho thấy trong 3 năm 2020-2022, tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trung bình cả nước đang xu hướng giảm dần, từ 3,81 kg/ha năm 2020 giảm xuống 3,19 kg/ha năm 2022. "Tuy nhiên, lượng thuốc BVTV sinh học sử dụng trung bình trên cả nước vẫn được sử dụng ở mức ổn định và có xu hướng tăng từ 16,67% năm 2020 lên 18,49% năm 2022", ông Đạt cho biết.

Trong đó, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ có lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học sử dụng trung bình cao nhất 1,49 kg/ha, tiếp đến là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long 0,79 kg/ha; thấp nhất là các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ với lượng sử dụng chỉ đạt 0,19 kg/ha.

Tìm giải pháp đề nông dân "thích" sử dụng thuốc BVTV sinh học - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung phát biểu tại hội nghị về tầm quan trọng của thuốc BVTV sinh học. Ảnh: Quốc Hải

Mặc dù xu hướng sử dụng thuốc BVTV sinh học đã tăng lên nhưng theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, vẫn còn rất nhiều hạn chế về cơ chế, chính sách như hỗ trợ vốn và đầu tư cho phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học; kinh phí đầu tư và duy trì hệ thống trang thiết bị, nghiên cứu chất lượng thuốc còn hạn chế…

"Đặc biệt vấn đề nhân rộng sử dụng thuốc BVTV sinh học còn khó khăn, người dân vẫn quen sử dụng thuốc BVTV hóa học do hiệu quả cao, tức thời, giá thành rẻ. Trong khi đó, thuốc BVTV sinh học ít được lựa chọn do chi phí sử dụng cao, thời gian bảo quản ngắn, phổ tác động hẹp, chuyên tính, hiệu quả chậm hơn so với thuốc hóa học, không ổn định do bị ảnh hưởng của nhiều yếu tố ngoại cảnh và điều kiện sử dụng", ông Đạt thẳng thắn.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng, chuyên gia nghiên cứu về thuốc BVTV nhận định, Nhà nước chưa có  chính sách phù hợp và "đủ mạnh" để khuyến khích nghiên cứu, sản xuất kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV sinh học. Chưa xây dựng được đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành về thuốc BVTV sinh học… Thêm vào đó, kinh phí đầu tư và duy trì còn hạn chế.

"Tôi ấn tượng mãi là chương trình khuyến nông trên Đài truyền hình Quốc gia, khi nông dân hỏi về cách trị sâu bệnh, chuyên gia nói rõ có thể do loại sâu bệnh này, sâu bệnh nọ gây ra, sau đó giơ cái bảng khuyến nghị sử dụng nhưng toàn là thuốc BVTV hóa học chứ chưa thấy chuyên gia khuyến nghị sử dụng loại thuốc BVTV sinh học nào bao giờ", ông Hồng kể.

Vì vậy, chuyên gia này đề xuất Bộ NNPTNT rà soát lại các thủ tục đăng ký, yêu cầu về chỉ tiêu chất lượng phù hợp với thực tế tại Việt Nam, đặc biệt cần tạo điều kiện phát triển thuốc BVTV sinh học.

"Cần sớm bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất thuốc BVTV sinh học, giảm lãi suất vay vốn đầu tư, hỗ trợ công nghệ… từ đó hạ giá thành để nông dân dễ tiếp cận", ông Hồng nói.

Tìm giải pháp đề nông dân "thích" sử dụng thuốc BVTV sinh học - Ảnh 3.

Lãnh đạo Bộ NNPTNT, Cục BVTV điều hành chương trình hội nghị. Ảnh: Quốc Hải

Ở góc độ doanh nghiệp (DN), đại diện Công ty Tân Thành cho hay, thời gian qua DN đã hỗ trợ nhiều mô hình nông nghiệp sử dụng thuốc BVTV sinh học nhưng chi phí lại tăng khoảng 20%, trong khi giá bán sản phẩm nông sản lại không cao hơn bao nhiêu so với sản xuất thông thường, sử dụng thuốc BVTV hóa học.

"Nếu Nhà nước không có các chính sách hỗ trợ sản phẩm đầu ra của nông dân sử dụng thuốc BVTV sinh học thì rất khó để khuyên bà con chuyển đổi sang dùng sản phẩm này", đại diện Công ty Tân Thành chia sẻ.

Tìm giải pháp để nông dân "quen" dùng thuốc BVTV sinh học

Để triển khai hiệu quả Chương trình "Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học giai đoạn 2021 - 2025", Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt đề xuất các bộ, ngành bổ sung, ưu tiên các chính sách nhằm khuyến khích phát triển sản xuất và hỗ trợ nông dân sử dụng thuốc BVTV sinh học; rà soát, cắt giảm các quy định, các điều kiện liên quan đến quản lý thuốc BVTV sinh học; miễn giảm phí, thuế nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Mục tiêu đến năm 2025, tăng số lượng thuốc BVTV sinh học đăng ký đạt 30%, tăng số lượng thuốc BVTV sinh học sử dụng lên 20%, tăng mô hình, diện tích sử dụng thuốc BVTV sinh học lên 3-5% và tăng 15% số lượng doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất thuốc BVTV sinh học so với hiện nay.

"Các địa phương cần ban hành cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất, sử dụng thuốc BVTV sinh học, đặc biệt khuyến khích sử dụng thuốc BVTV sinh học ở quy mô nông hộ trên địa bàn", ông Đạt đề nghị.

Về phía Cục Bảo vệ thực vật, ông Đạt khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký, khảo nghiệm và đưa thuốc BVTV sinh học vào Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam; hỗ trợ nhập khẩu nghiên cứu, thử nghiệm các thuốc BVTV sinh học nhóm vi sinh, thảo mộc; xây dựng quy trình và hướng dẫn sử dụng các thuốc BVTV sinh học cho một số cây trồng có giá trị kinh tế, tiềm năng xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Trung nhấn mạnh, sử dụng thuốc BVTV hiệu quả, trong đó ưu tiên sử dụng thuốc BVTV sinh học mang lại rất nhiều lợi ích: Vừa bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, an toàn cho người sử dụng; vừa không để lại tồn dư thuốc trong nông sản, bảo đảm chất lượng sản phẩm và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

"Định hướng phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV rất quan trọng và đã được đề cập trong các đề án của ngành nông nghiệp. Chủ trương là ngày càng ứng dụng thuốc BVTV sinh học rộng rãi hơn", Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết.

Thứ trưởng Hoàng Trung cũng đánh giá rất cao nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương đã xây dựng được các mô hình sử dụng thuốc BVTV sinh học; thay đổi nhận thức, tư duy của người dân; tạo ra các sản phẩm thuốc BVTV sinh học và ứng dụng vào sản xuất.

"Trong danh mục thuốc BVTV, thuốc sinh học hiện chiếm 19% và khối lượng sử dụng tăng dần theo thời gian; lợi ích từ sử dụng thuốc sinh học rất rõ. Đây là tiền đề để thực hiện hiệu quả việc phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học trong thời gian tới", ông Hoàng Trung nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem