Trong cuộc họp báo về diễn đàn Mekong Connect 2023 mới đây, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết có giai đoạn xuất khẩu ở TP.HCM giảm tới 37%. "Trước đây các doanh nghiệp xuất khẩu khi ký kết hợp đồng có thể có dòng tiền, nhưng hiện nay có một số ngành chuyển sang giữ kho ở nước ngoài. Khi nào đối tác bán được hàng thì mới thanh toán. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp", ông Vũ nêu thực tế.

Do đó, theo ông Vũ, việc quay về tiếp tục khai thác thị trong trong nước là một trong những xu hướng, hành động các doanh nghiệp đã làm trong thời gian qua.

Tìm giải pháp gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP.HCM - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn do thiếu vốn để sản xuất dịp cuối năm, nhưng lại không đủ tiêu chuẩn để được cấp tín dụng từ phía các ngân hàng. Ảnh minh họa: Quốc Hải

Những con số đưa doanh nghiệp chuyển hướng về thị trường nội địa

Là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, TP.HCM cũng không tránh khỏi những thách thức chung. Dữ liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho thấy trong tháng 10/2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 2,4%; kim ngạch xuất khẩu tăng 10,5% so cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 10 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của thành phố tăng 3,7%.

Với 4 ngành công nghiệp trọng điểm (cơ khí, điện tử – công nghệ thông tin, hóa dược – cao su, nhựa và chế biến lương thực thực phẩm), IIP 10 tháng tăng 6,3% so với cùng kỳ.

Về đầu tư FDI, các dự án được cấp mới tăng 43% và tăng 8,1% vốn đầu tư. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 15%. Tỷ lệ vốn đăng ký của doanh nghiệp tiếp tục chiều hướng tăng, tháng sau cao hơn tháng trước. Số lao động được giải quyết việc làm tăng 0,25%; số chỗ việc làm mới tăng 0,29%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước đạt 108.120 tỷ đồng (tăng 2,6% so với tháng trước, tăng 15% so với cùng kỳ). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng đầu năm 2023 ước đạt 978.681 tỷ đồng, tăng 9,2% so cùng kỳ.

Đặc biệt, doanh thu về du lịch tại TP.HCM đạt được kết quả rất tích cực. Tổng thu du lịch tháng 10/2023 ước đạt 14.585 tỷ đồng, tăng 10,5% so cùng kỳ năm 2022.

Tìm giải pháp gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP.HCM - Ảnh 2.

Các DN đang chuyển hướng về thị trường nội địa trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Ảnh: Quốc Hải

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ chế biến gỗ TP.HCM, cho biết đến tháng 10/2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ Việt Nam mới đạt khoảng 10,8 tỷ USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ.

"Mặc dù từ tháng 7 đến nay, tăng trưởng xuất khẩu tháng sau đều tăng nhanh hơn tháng trước, nhưng đến tháng 10 mới chỉ đạt mức tương đương cùng kỳ năm 2022. Do đó, tăng trưởng xuất khẩu gỗ ước tính năm nay vẫn giảm so với năm ngoái", ông Phương nói.

Lũy kế 10 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu ngành du lịch ước đạt 140.048 tỷ đồng, tăng 32,6% so với kỳ năm 2022 và tăng 16,7% so với kế hoạch năm 2023. Trong đó, khách nội địa khoảng 30,51 triệu lượt, khách quốc tế ước đạt 4,12 triệu lượt...

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực và duy trì đà tăng trưởng trong suốt thời gian 10 tháng, nhưng trong bối cảnh thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế TP.HCM không tránh khỏi khó khăn chung. Nổi bật là xuất khẩu đã sụt giảm đáng kể: 10 tháng năm 2023 giảm 13,4%.

"Trong bối cảnh xuất khẩu suy giảm, tiêu dùng nội địa và thương mại nội địa đang đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng năm 2023", ông Bùi Tá Hoàng Vũ chia sẻ.

Đặc biệt, trong tháng 10, thành phố có 25.086 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 29,5% so cùng kỳ; thu hút FDI khoảng 2,31 tỷ USD, giảm 32,3% so với cùng kỳ.

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt 24.199 tỷ đồng và chỉ đạt 35% kế hoạch vốn được giao, mặc dù có mức tăng so với tháng trước, nhưng chưa bảo đảm tiến độ giải ngân theo quy định.

Thúc đẩy "cỗ xe tam mã" để kinh tế TP.HCM đạt kết quả cao nhất

Tại phiên họp thường kỳ kinh tế xã hội TP.HCM diễn ra mới đây, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho hay dự báo của các tổ chức quốc tế về tăng trưởng năm nay của Việt Nam đạt 5%, ở kịch bản tốt đạt 6%. Số liệu qua các năm cho thấy, TP.HCM thường cao hơn cả nước 20%, nên tùy vào mức tăng trưởng chung của cả nước, thành phố sẽ đạt 6% và cao nhất là 7,3%.

"Muốn vậy ở quý IV, GRDP thành phố phải gấp đôi quý III, tức đạt gần 13,5%. Điều này là rất khó", ông Mãi nói và cho biết, TP.HCM đang đẩy mạnh hơn nữa những giải pháp thúc đẩy đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng nhằm đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế cao nhất về cuối năm.

img
img
img
img
img

Nhiều mặt bằng kinh doanh ở TP.HCM hiện vẫn đang bị bỏ trống do tình hình kinh tế khó khăn. Ảnh: Quốc Hải

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề cấp bách hiện nay là phải tập trung "gỡ" các vướng mắc về tăng trưởng cho TP.HCM.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nhận định nhiệm vụ quan trọng hiện nay là cần tháo gỡ các điểm nghẽn đến nơi đến chốn. Rất hoan nghênh Ngân hàng Nhà nước có nhiều nỗ lực giảm lãi suất, nhưng để hiệu quả cần rà lại tất cả các gói tín dụng xem đã phù hợp chưa.

Đơn cử, chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay khoảng 8,2%/năm trong thời hạn vay 5 năm lại không thật phù hợp với đối tượng mua nhà ở, căn hộ thuộc các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân do lãi suất vay quá cao và thời gian vay quá ngắn.

"Mức lãi suất này không phù hợp với chính sách nhà ở xã hội và chính sách lãi vay ưu đãi nhà ở xã hội đang áp dụng là 4,8%/năm tại Ngân hàng chính sách xã hội, hoặc 5%/năm tại 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chỉ định, với thời hạn vay ưu đãi lên đến tối đa 25 năm. Do vậy, 'gói tín dụng 120.000 tỷ đồng' không phải là gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội", ông Châu nhận định.

Chủ tịch HoREA cũng kiến nghị cơ quan quản lý cần nhìn nhận trong thách thức có cơ hội, và cơ hội đó phải được tận dụng khi doanh nghiệp còn sức lực, còn chống chịu được.

"TP.HCM cần tập trung tháo gỡ vướng thị trường bất động sản ở cả cung và cầu. Bởi lĩnh vực này có tác động tới nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế. Đồng thời, củng cố thị trường tài chính để tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế", ông Châu đề xuất.

img
img
img
img
img

Kích cầu tiêu dùng cuối năm cũng là một giải pháp để kích thích tăng trưởng kinh tế của TP.HCM. Ảnh: Quốc Hải

Trên thực tế, để "chạy nước rút" thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm trong các tháng còn lại, UBND TP.HCM đã đề ra loạt giải pháp trọng tâm. Trong đó, thành phố tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy và các nhiệm vụ theo Chương trình công tác năm 2023; Triển khai mạnh mẽ thực hiện Nghị quyết số 98...

Đặc biệt, TP.HCM cũng nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước, đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý và bồi dưỡng nguồn thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo quy định pháp luật.

"Từ đây đến cuối năm cũng là thời điểm người tiêu dùng mua sắm cuối năm. Vì vậy, TP.HCM triển khai đồng thời các hoạt động kích cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường,…", ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, khẳng định.

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, nhận định, TP.HCM đang quyết liệt triển khai để đưa Nghị quyết 98 vào cuộc sống; nỗ lực khai thác cơ chế đặc thù, phát triển nguồn lực nội sinh, thu hút nguồn lực đầu tư xã hội… để bứt phá, tạo liên kết vùng, từ đó tạo đà kéo tăng trưởng chung cả nước.

"Tôi kỳ vọng Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM sẽ tạo điều kiện khơi thông nguồn lực, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, tạo động lực để TP phát triển. Kỳ vọng TP.HCM sẽ tháo gỡ được những điểm nghẽn về thể chế, nút thắt về hạ tầng để phát triển xứng tầm là đầu tàu tăng trưởng", ông Phương chia sẻ.

Theo chuyên gia tài chính này, TP.HCM hiện có những cơ sở để kỳ vọng lấy lại đà tăng trưởng dẫn đầu.

Thứ nhất, chính sách đẩy mạnh đầu tư công quyết liệt. Ở TP.HCM, ngoài các đường vành đai đang được triển khai, cũng có các tuyến đường cao tốc nối TP với các tỉnh, thành. Ngoài ra sân bay Long Thành đang được triển khai từng bước và metro cũng gần về đích, đóng góp rất nhiều cho sự hồi phục và phát triển kinh tế của TP.  Bởi vì những ngành nghề, những doanh nghiệp được hưởng lợi từ chương trình đẩy mạnh đầu tư công sẽ góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa ra các ngành nghề, doanh nghiệp khác.

Thứ 2, chính sách tiền tệ đang đảm bảo rất tốt mục tiêu vừa kiềm chế lạm phát, vừa tạo mức lãi suất thấp để hỗ trợ cho nền kinh tế và doanh nghiệp, từ đó các doanh nghiệp của TP.HCM cũng hưởng lợi.

Thứ 3, quyết tâm của Chính phủ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản, thông qua việc thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tổ công tác đặc biệt này thời gian qua đã phối hợp với sở ngành các địa phương để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản.

"Rất nhiều doanh nghiệp bất động sản hoặc là thuộc TP.HCM, hoặc là có dự án ở TP.HCM. Khi các doanh nghiệp có dự án được tháo gỡ khó khăn tại TP.HCM thì cũng giúp cho kinh tế TP phục hồi tốt hơn, và cũng tạo hiệu ứng lan tỏa do BĐS cũng là ngành có liên quan đến nhiều ngành nghề khác", ông Phương nói.

Theo ông Phương, đây chính là 3 yếu tố chính giúp kinh tế TP.HCM phát triển tiếp tục và tăng trưởng trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem