Tỉnh còn khó khăn như Quảng Bình còn miễn học phí, tại sao nơi khác không làm được?

Quang Trung Thứ năm, ngày 05/10/2023 06:30 AM (GMT+7)
HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVIII đã thông qua Nghị quyết miễn học phí cho tất cả các cấp học trong năm 2023 – 2024, việc này nhằm giảm áp lực kinh tế cho người dân. Nhiều bạn đọc đã bày tỏ quan điểm về việc này.
Bình luận 0

Quảng Bình miễn học phí cho tất cả cấp học

HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVIII sáng 2/10 đã thông qua Nghị quyết về miễn học phí năm học 2023-2024 cho tất cả các cấp học. Đây là năm thứ hai liên tiếp Quảng Bình miễn học phí công lập.

Tỉnh còn khó khăn như Quảng Bình còn miễn học phí, tại sao nơi khác không làm được? - Ảnh 1.

Đây là năm thứ hai liên tiếp tỉnh Quảng Bình miễn học phí công lập. Khoảng 233,5 nghìn học sinh ở các cấp học được hưởng chính sách này. Học phí công lập của tỉnh hiện dao động 80-370 nghìn đồng/học sinh/tháng. Ảnh: Tổ quốc

HĐND tỉnh này đánh giá, mặc dù dịch bệnh đã qua song gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của giáo viên, học sinh và phụ huynh. Do đó, việc miễn học phí giúp người dân giảm bớt khó khăn.

Được biết, hai năm qua, để giảm bớt khó khăn cho nhân dân do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tất cả địa phương miễn, giảm học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông với mức 50-100%.

Năm nay, nhiều địa phương đã dừng chính sách này, trừ Đà Nẵng, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hà Nam.

Theo Nghị định 81, trần học phí bậc mầm non và phổ thông ở khu vực thành thị dao động 300 đến 650 nghìn đồng, khu vực nông thôn 100 đến 330 nghìn đồng, vùng miền núi và dân tộc thiểu số từ 50 đến 220 nghìn đồng một tháng. So với trước đó (năm 2015), các mức trên tăng 2-5 lần.

Tỉnh còn khó khăn như Quảng Bình làm được, sao nơi khác lại không?

Sau thông tin này, Báo điện tử Dân Việt đã ghi nhận nhiều ý kiến của bạn đọc và chuyên gia pháp luật.

Bạn đọc Hoàng Thành bình luận: Hoan nghênh việc Quảng Bình miễn học phí cho học sinh các trường công lập. Việc thu học phí đáng lý không nên xảy ra nên các nơi khác nên sớm áp dụng việc này.

Bởi, muốn tăng ý thức của người dân và xã hội phát triển hơn thì phải có giáo dục căn bản ở chương trình phổ thông. 

Vì vậy cần phải miễn học phí cho học sinh ở các trường công lập để mọi người được học kiến thức căn bản. Thu học phí sẽ làm cho nhiều học sinh bỏ học.

Hơn nữa, mọi người cứ nói tiền học phí không đáng là bao so với các khoản phụ thu khác. Nhưng thử nghĩ mà xem, với một gia đình nghèo lại có 2 con đi học cùng lúc, thì cũng là vấn đề đấy. 

"Quá hay, một gia đình truyền thống Việt Nam phải lo cho con cái và cha mẹ già nên bây giờ miễn học phí sẽ giảm được 50% gánh nặng cho phụ huynh. Vì sao một tỉnh còn nhiều khó khăn như Quảng Bình làm được mà các nơi khác không làm được?" – bạn đọc Phương Hằng đặt câu hỏi.

Bạn đọc Hiền Thanh cũng ủng hộ chính sách tài trợ học phí cho học sinh, hạn chế phân biệt các trường, phổ cập giáo dục, hướng đến nâng cao chất lượng, giáo dục đồng đều. Đây là hướng đi mà các nước phát triển đã áp dụng từ lâu.

"Tuyệt vời Quảng Bình. Hy vọng các địa phương khác cũng sẽ thực hiện giống như vậy" - bạn đọc Hiền Thanh nhấn mạnh. 

Trong khi đó, bạn đọc Trương Tuấn Anh cho biết, việc giảm học phí là một bước đi đúng nhưng hy vọng sẽ là lâu dài. Ngoài ra, các chi phí khác cũng cần được kiểm soát để mọi học sinh không phải bỏ tiền đóng cho việc học.

Cũng bình luận về vấn đề này, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, hiện nay nhiều nước phát triển trên thế giới có nguồn ngân sách lớn, chính sách an sinh xã hội tốt đã miễn học phí cho học sinh phổ thông công lập. Kèm theo miễn học phí là chính sách về học bổng, hỗ trợ cho học sinh phát triển năng khiếu, khả năng nghiên cứu khoa học.

Như vậy, có thể thấy khi xã hội phát triển, nguồn thu ngân sách lớn, nhiều quốc gia đã đầu tư lớn cho giáo dục trong đó có chính sách miễn học phí cho học sinh phổ thông công lập.

Tỉnh còn khó khăn như Quảng Bình còn miễn học phí, tại sao nơi khác không làm được? - Ảnh 3.

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường. Ảnh: NVCC

Ngoài miễn học phí, còn có những chính sách về học bổng, chính sách về nghiên cứu khoa học, đào tạo bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Vì thế, phụ huynh không bị áp lực nhiều đối với việc nuôi con ăn học.

Theo ông Cường, ở Việt Nam, chúng ta đã có rất nhiều chính sách ưu việt, rất quan tâm đến phát triển giáo dục, đổi mới giáo dục để đào tạo nhân tài cho đất nước, phù hợp với xu thế hội nhập về phát triển kinh tế văn hóa xã hội trong thời đại hiện nay.

Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục chưa nhiều nên hầu hết cơ sở vật chất, hạ tầng giáo dục còn rất hạn chế, đặc biệt là đối với các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, hải đảo.

Chính vì vậy nên chính sách về học phí của Việt Nam nhìn chung là đang từng bước cải thiện để hỗ trợ cho học sinh theo từng lộ trình, giai đoạn phát triển của xã hội...

Khi có điều kiện kinh tế xã hội phát triển, nguồn ngân sách cho giáo dục lớn hơn, Việt Nam cũng sẽ áp dụng chính sách miễn học phí các bậc học, cấp học đồng thời đầu tư nhiều hơn cho cơ sở vật chất hệ thống giáo dục phổ thông công lập.

Bởi vậy, thời gian qua, phụ thuộc vào nguồn vốn ngân sách địa phương, một số tỉnh thành đã thí điểm miễn giảm học phí cho học sinh ở các mức độ khác nhau. Đây là định hướng tốt, thể hiện tính chất nhân văn và hướng đến mục tiêu giải quyết vấn đề an sinh xã hội.

"Việc Quảng Bình, Đà Nẵng và một số tỉnh khác miễn giảm học phí thể hiện tính chất nhân văn và chính sách tốt về an sinh xã hội, có thể hỗ trợ lại cho nhân dân, góp phần giảm thiểu những khó khăn cho phụ huynh.

Đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh có thể học tập và phát triển bản thân, từ đó tạo tiền đề để xây dựng nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cống hiến cho đất nước" – ông Cường nêu quan điểm.

Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, sẽ hoàn hảo hơn nếu việc miễn học phí đi kèm theo với miễn các khoản chi phí đầu năm khác như chi phí xây dựng, các chi phí đóng góp tự nguyện…

"Phụ huynh và học sinh không chỉ mong muốn miễn giảm học phí mà vấn đề đầu tiên họ muốn là cắt giảm các khoản thu vô lý, không rõ ràng và được đầu tư nhiều hơn về cơ sở vật chất, hạ tầng cho hoạt động giáo dục" – vị chuyên thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem