TP.HCM đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 trong môi trường học đường

Mỹ Quỳnh Thứ tư, ngày 12/01/2022 18:00 PM (GMT+7)
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định, tình hình dịch Covid-19 trong môi trường học đường đã được kiểm soát an toàn.
Bình luận 0

Kiểm soát được dịch bệnh trong trường học

Tại buổi khảo sát của HĐND TP.HCM về việc dạy học trực tiếp và chuẩn bị cho các khối lớp khác trở lại trường ở quận 1, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong khoảng thời gian tổ chức học tập trực tiếp, nhiều cơ sở giáo dục đã xuất hiện ca F0.

Tuy nhiên, hầu hết các ca F0 này đều bị lây nhiễm ở địa phương và được phát hiện trong trường học chứ chưa có ca nào bị lây nhiễm trong trường học.

Trường học tại TP.HCM được kiểm soát an toàn hoàn toàn? - Ảnh 1.

Học sinh lớp 12 trường THPT Trưng Vương háo hức khi được đi học trực tiếp trở lại. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Lãnh đạo Sở Y tế nhìn nhận, đây là tín hiệu khả quan về công tác phòng, chống dịch bệnh khi triển khai học tập trực tiếp. Đồng thời, đây cũng là nỗ lực của các cơ sở giáo dục, không lơ là, chủ quan ngay từ thời điểm thí điểm dạy học trực tiếp cho khối lớp 9 và 12 để đảm bảo an toàn nhất cho học sinh.

Ngoài ra, yếu tố quan trọng khác là việc học sinh được tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 cũng góp phần rất lớn trong việc giúp các em phòng, chống được dịch bệnh. 

Tuy nhiên, ông Hưng nhấn mạnh, việc tiêm vaccine Covid-19 không phải là điều kiện bắt buộc để học sinh trở lại trường học trực tiếp. Hiện tại, TP.HCM là địa phương có độ miễn dịch cộng đồng rất cao dù học sinh dưới 12 tuổi chưa được tiêm vaccine Covid-19.

Chưa kể, ngành y tế khảo sát và nhận thấy, có đến hơn 90% các ca tử vong do Covid-19 đều có bệnh nền và ở lứa tuổi trên 50 tuổi. Đối với trẻ em, các trường hợp tử vong cũng do liên quan đến bệnh nền. Do đó, TP.HCM đang tập trung bảo vệ nhóm nguy cơ cao này.

Ông Hưng nhận định, những điều nêu trên là cơ sở để đề xuất cho học sinh thành phố đi học trực tiếp. Để thực hiện việc này, hoàn toàn dựa trên cơ sở thực tiễn, có ý kiến chuyên gia chứ không hề mạo hiểm. 

Đồng thời, ông Hưng cũng khẳng định, thời gian này, TP.HCM đã hoàn toàn kiểm soát được tình hình dịch bệnh Covid-19 trong môi trường học đường.

Nên tổ chức bán trú cho học sinh

Ngoài những nhận định về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ông Nguyễn Hữu Hưng còn đưa ra câu hỏi về việc tại sao các trường không tổ chức bán trú cho học sinh khi đi học lại. Mặc dù Sở Y tế chưa bao giờ đề nghị bỏ bán trú khi học sinh đi học trực tiếp.

Trường học tại TP.HCM được kiểm soát an toàn hoàn toàn? - Ảnh 3.

Lãnh đạo Sở Y tế đề nghị các trường tập thói quen rửa tay cho học sinh để trở thành kỹ năng, phản xạ và hạn chế việc lạm dụng rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn nhanh. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Theo vị lãnh đạo Sở Y tế, việc để học sinh phải di chuyển nhiều lần vì nhà trường không tổ chức bán trú sẽ làm tăng nguy cơ lây bệnh. Bên cạnh đó, việc trường học không tổ chức căng tin khi học sinh đi học lại sẽ dẫn đến tình trạng nhiều học sinh sẽ bỏ bữa sáng, ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, Sở Y tế khuyến cáo các cơ sở giáo dục nên tổ chức bán trú, lưu ý việc mở căng tin... Điều kiện đặt ra là phương án tổ chức, sắp xếp sao cho an toàn, thỏa mãn các điều kiện phòng chống dịch Covid-19.

Về kế hoạch phòng, chống dịch tại trường, ông Hưng chia sẻ, cái quan trọng nhất là việc phối hợp giữa nhà trường với phụ huynh hàng ngày. Theo đó, cả hai bên phải liên kết, có thông báo về những dấu hiệu sức khỏe của học sinh nếu có. Đặc biệt, không chỉ chú trọng mỗi các dấu hiệu dịch Covid-19 mà còn nhiều bệnh khác cũng cần phải quan tâm.

Các cơ sở giáo dục cũng cần tăng cường truyền thông về sức khỏe, phối hợp với phụ huynh về việc khai báo y tế, chăm lo, đảm bảo sức khỏe cho trẻ…và khuyến khích học sinh tăng cường vận động khi đi học trực tiếp.

Tại cuộc họp chiều 10/1, đại diện Sở GDĐT TP.HCM cho biết, kế hoạch đi học trực tiếp của học sinh toàn thành phố thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP chứ không dựa vào cấp độ dịch Covid-19. Khi thay đổi cấp độ dịch, các cơ sở giáo dục sẽ thay đổi hình thức tổ chức dạy học tương ứng, thể hiện sự linh hoạt trong tổ chức dạy học trực tiếp khi phòng, chống dịch.

Trước câu hỏi có phải Sở đang chờ hoàn thành việc tiêm vaccine Covid-19 cho nhóm 5-11 tuổi thì mới đề xuất cho học sinh tiểu học trở lại trường, đại diện Sở GDĐT khẳng định, đây chỉ là một trong các tiêu chí để quyết định. Sở đã chuẩn bị và tham mưu lãnh đạo TP.HCM để mở rộng dạy học trực tiếp. Còn thời gian, kế hoạch cụ thể sẽ theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem