TP.HCM: Đoàn kiểm tra sốt xuất huyết bị xua đuổi, địa phương bất lực

Bạch Dương Thứ tư, ngày 27/07/2022 16:13 PM (GMT+7)
Nhiều công trình xây dựng, nhiều dự án treo tiềm ẩn nguy cơ trở thành ổ dịch sốt xuất huyết nhưng các đoàn kiểm tra lại khó tiếp cận, thậm chí bị xua đuổi khi yêu cầu kiểm tra.
Bình luận 0
TP.HCM: Đoàn kiểm tra sốt xuất huyết bị xua đuổi, địa phương bất lực - Ảnh 1.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng tại buổi giám sát. Ảnh: Q.H

Thiếu cả nhân lực và tiền

Tại buổi giám sát của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM về công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết ngày 27/7, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện nay công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết còn gặp nhiều khó khăn như: Sự thiếu hụt lớn về nhân sự cả về chuyên môn phòng chống dịch và truyền thông.

Hiện tượng thiếu nhân sự và chuyên môn không phù hợp, phải kiêm nhiệm nhiều công tác gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công việc. Bên cạnh đó, hiện nay Thông tư số 26/2018/TT-BTC ngày 21/3/2018 của Bộ Tài chính hết hiệu lực nên một số nội dung chi hỗ trợ cho cán bộ tham gia các chương trình không có cơ sở thực hiện.

Mặt khác, hiện vẫn không có mức chi bồi dưỡng cho các tình nguyện viên tham gia vận động diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi chống dịch sốt xuất huyết, trong khi đó đây là lực lượng vô cùng quan trọng trong việc truyền thông, vận động, phát hiện sớm các điểm nguy cơ, các ổ dịch trong cộng đồng.

Ngoài ra, một vấn đề nhức nhối, khó giải quyết trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết của TP hiện nay là các công trình xây dựng, nơi tiềm ẩn nguy cơ phát sinh lăng quăng, phát sinh muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, việc kiểm tra các công trình này gặp không ít khó khăn khi thường xuyên bị từ chối.

"Một đoàn kiểm tra có cả lãnh đạo phường, lãnh đạo Sở Y tế, công an, phóng viên báo chí nhưng vẫn bị xua đuổi, từ chối không cho kiểm tra. Điều này cho thấy một số địa phương bất lực và chưa làm mạnh tay với những nơi có thể phát sinh dịch bệnh", ông Hưng bức xúc.

Bên cạnh các công trình xây dựng, ông Nguyễn Minh Nhựt, thành viên Đoàn giám sát của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM cũng lo ngại các dự án treo cũng đang tiềm ẩn mối nguy bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết bởi ở đây có nhiều vật chứa, mương nước, hầm nước… chứa lăng quăng.

Hiện các địa phương như huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân… có rất nhiều dự án như thế. Việc kiểm tra, xử lý các điểm nguy cơ này lại gặp không ít trở ngại, khó khăn.

TP.HCM: Đoàn kiểm tra sốt xuất huyết bị xua đuổi, địa phương bất lực - Ảnh 3.

Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên kiểm tra phòng chống sốt xuất huyết tại quận Bình Tân. Ảnh: Hoàng Lan

Có địa phương chỉ kiểm soát 10-20% điểm nguy cơ

Tại buổi giám sát, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP.HCM cho rằng, với sự gia tăng bất thường số ca mắc, số ca nặng, số ca tử vong như hiện nay là điều đáng lo ngại, cần có giải pháp hiệu quả hơn.

Mặc dù hệ thống y tế của TP đã chuẩn bị tốt nhưng vẫn có đến 16 trường hợp tử vong thì không thể xem thường. Ông Bình nhận định, hiện nay, người dân vẫn chủ quan, coi đây là bệnh thông thường, đến khi chuyển nặng đã trở tay không kịp.

Bên cạnh đó, người dân hay tìm đến với phòng khám tư nhân, nếu không có sự phối hợp, theo dõi, giám sát thì sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân.

Qua thực tế giám sát ở các địa phương, ông Bình cho hay, có những địa phương tỷ lệ kiểm soát điểm nguy cơ rất thấp, chỉ 10 - 20%, cao nhất cũng chỉ 80%. "Đối với các điểm nguy cơ, phải dùng tất cả nội lực, ngoại lực để kiểm soát các điểm nguy cơ tiềm ẩn trong cộng đồng, ít nhất kiểm soát được 1-2 lần", ông Bình nhấn mạnh.

Để làm được điều này, theo ông Bình, không chỉ trông chờ vào riêng ngành y tế mà cần sự phối hợp đồng bộ với các lực lượng trong hệ thống chính trị địa phương, đặc biệt là huy động sự tham gia của người dân.

TP.HCM: Đoàn kiểm tra sốt xuất huyết bị xua đuổi, địa phương bất lực - Ảnh 4.

Ca sốt xuất huyết nặng tại Bệnh viện Nhi đồng 2, Ảnh: B.D

Trong thời gian tới, ông Cao Thanh Bình cho rằng, việc xử phạt vi phạm các quy định phòng, chống dịch sốt xuất huyết cần được xử lý mạnh tay hơn nữa để răn đe, cảnh báo. Đặc biệt 5 địa phương là quận 1, quận 5, quận 10, huyện Cần Giờ và huyện Nhà Bè chưa xử phạt trường hợp nào cần phải xem xét lại, bởi lẽ những địa phương này có số ca mắc không ít và số lượng điểm nguy cơ cũng không nhỏ.

Theo số liệu của Sở Y tế TP.HCM, tính đến ngày 22/7, số ca mắc sốt xuất huyết tích lũy trên địa bàn TP là 32.011 ca, tăng 293,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số ca nặng là 502 ca, chiếm tỷ lệ 1,57% trong tổng số ca mắc, cao hơn nhiều so với cùng kỳ những năm trước. Đặc biệt, trên địa bàn đã có 16 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, tăng 13 ca so với cùng kỳ năm 2021.

Sở Y tế nhận định, năm 2022 số ca mắc sốt xuất huyết theo tuần tăng sớm hơn so với cùng kỳ năm 2021 và trung bình 5 năm (2016 - 2020). 6 quận, huyện có số ca mắc và số ca mắc/100.000 dân cao nhất TP là quận 12, Bình Chánh, Bình Tân, Củ Chi, Hóc Môn, Tân Phú. Qua giám sát trọng điểm đã ghi nhận tại TP.HCM có sự lưu hành của 2 tuýp huyết thanh D1 và D2.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem