TP.HCM: Hơn 37.000 hồ sơ trễ hẹn, người dân vẫn không hài lòng khi xử lý hồ sơ

Bạch Dương Thứ ba, ngày 14/03/2023 10:49 AM (GMT+7)
Văn phòng UBND TP.HCM vừa có báo cáo kết quả thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính phục vụ đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.
Bình luận 0
TP.HCM: Hơn 37.000 hồ sơ trễ hẹn, người dân vẫn không hài lòng khi xử lý hồ sơ - Ảnh 1.

Vẫn còn hơn 37.000 hồ sơ chưa được giải quyết. Ảnh: P.V

Năm 2022, toàn TP.HCM tiếp nhận hơn 22,3 triệu hồ sơ. Trong số hồ sơ đã giải quyết, có hơn 22,26 triệu hồ sơ đúng thời gian quy định (tỷ lệ 99,84%) và 37.355 hồ sơ trễ hẹn (chiếm 0,16%). So với năm trước, tỷ lệ hồ sơ đúng hẹn của TP.HCM tăng 0,03%, toàn bộ hồ sơ trễ hẹn đều có thư xin lỗi.

Dù tỷ lệ trễ hẹn giảm, nhưng nếu xét theo con số tuyệt đối thì số lượng hồ sơ trễ hẹn của TP.HCM trong năm 2022 cao hơn năm trước, cụ thể năm 2021 chỉ có hơn 32.000 hồ sơ trễ hẹn.

Văn phòng UBND TP.HCM đánh giá, tuy tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn thấp, nhưng với số lượng tiếp nhận hồ sơ lớn nên vẫn ảnh hưởng nhất định đến tỷ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với nền hành chính công.

Hiện TP.HCM có 1.766 thủ tục hành chính, trong đó có 805 thủ tục được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, chiếm gần 46%. Qua rà soát và tái cấu trúc, TP.HCM quyết định 58 thủ tục hành chính tiếp nhận và giải quyết trong 1 ngày làm việc, trong đó có 49 thủ tục cấp sở, 5 thủ tục cấp huyện và 4 thủ tục cấp xã. Trước đây, các thủ tục này cần 2 - 15 ngày làm việc để hoàn tất, nay rút ngắn còn 1 ngày.

TP.HCM cũng hoàn tất 1.578 quy trình nội bộ, trong đó 95 quy trình thuộc nhóm thủ tục hành chính liên thông sở, ban, ngành với UBND TP.HCM và Văn phòng UBND TP.HCM góp phần tạo sự minh bạch, thống nhất, phân định rõ trách nhiệm, tạo thuận tiện theo dõi việc giải quyết hồ sơ, khắc phục tình trạng trễ hẹn.

Xoay quanh về chỉ số đánh giá sự hài lòng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, qua khảo sát, chỉ có 0,2% ý kiến là không hài lòng. Tuy nhiên, nếu so với với 20 triệu hồ sơ mỗi năm thì có trên 20.000 hồ sơ không hài lòng.

Nguyên nhân của việc này có thể do bà con chưa nắm bắt được thủ tục hoặc cán bộ hướng dẫn thủ tục không rõ ràng. Cũng có những thủ tục chậm giải quyết cho người dân, nhất là những vấn đề liên quan đến nhà đất. Dù thời gian qua, thành phố có đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhưng hệ thống vẫn chưa tốt, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc giải quyết thủ tục hành chính.

Thành phố đã yêu cầu các địa phương, đơn vị phải làm rõ trách nhiệm của từng công chức, không có công chức không rõ trách nhiệm hoặc nhiều người cùng một trách nhiệm. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của từng phòng ban, không để trùng lắp trách nhiệm; xây dựng quy trình liên thông giữa các sở ngành. Thành phố cũng đang thực hiện số hóa các dữ liệu, tập trung 4 lĩnh vực chính gồm tài nguyên, đất đai, quy hoạch và giao thông. Việc này sẽ tạo nền tảng ban đầu để quản lý tốt hồ sơ.

Ngoài ra, thành phố cũng có quy trình giám sát hồ sơ. Văn phòng UBND TP.HCM đang thiết lập lại quy trình giám sát và luân chuyển hồ sơ ở từng cơ quan, giám sát tận chuyên viên khi thực hiện quyết sách của thành phố. Từ đó, làm tốt hơn trách nhiệm công chức, trách nhiệm công vụ, phục vụ người dân tốt hơn.

TP.HCM: Hơn 37.000 hồ sơ trễ hẹn, người dân vẫn không hài lòng khi xử lý hồ sơ - Ảnh 3.

TP.HCM đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Ảnh: P.V

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng, gốc rễ của mọi việc là nằm ở con người, nằm ở cán bộ. Nhiều năm qua, thành phố đã rất tích cực cải cách thủ tục hành chính nhưng vẫn còn tình trạng phàn nàn trong dân. Lãnh đạo thành phố xác định trước mắt phải nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, giải quyết thủ tục hành chính.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM, trách nhiệm công vụ thể hiện ở trách nhiệm thực thi công vụ và trách nhiệm tham mưu đề xuất. Những nội dung này trước đây đội ngũ cán bộ thành phố làm rất tốt, luôn năng động sáng tạo để tìm cách giải quyết các thủ tục cho người dân. Từ đó cũng tạo nên phong cách năng động sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, gần đây phong cách này có lúc, có nơi, có người có vẻ chùng xuống, không còn hăng hái, năng nổ như trước đây. Thậm chí có trường hợp không dám đề xuất gì cả.

Để khắc phục tình trạng này, thành phố sẽ tiếp tục nâng cao công tác đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu. Bởi người đứng đầu còn sợ, còn đùn đẩy trách nhiệm, không muốn tham mưu những vấn đề khác biệt thì chắc chắn sẽ không giải quyết được hồ sơ, không phát triển.

"Trách nhiệm của người đứng đầu còn nằm ở chỗ giao việc, phải có yêu cầu cao với đội ngũ chứ không phải muốn làm như thế nào thì làm, không sáng kiến không đề xuất. Trách nhiệm thứ 2 là kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ", Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

TP.HCM cũng xác định hằng quý đều đánh giá hiệu quả hoạt động của thủ trưởng các sở, ngành, địa phương trên cơ sở giải quyết những vấn đề tồn tại hiện nay. Không để tình trạng công việc không chạy nhưng vẫn được đánh giá cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem