TP.HCM sẽ "rất áp lực" với chỉ tiêu giải ngân 95% đầu tư công, GRDP 7,5%

Bạch Dương Thứ năm, ngày 28/09/2023 14:58 PM (GMT+7)
Tại phiên họp kinh tế xã hội TP.HCM 9 tháng và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý IV/2023 ngày 28/9, các chuyên gia đều nhận định, để hoàn thành các chỉ tiêu cho TP đến cuối năm là áp lực rất lớn.
Bình luận 0
TP.HCM sẽ "rất áp lực" với chỉ tiêu giải ngân 95% đầu tư công, GRDP 7,5% - Ảnh 1.

Phiên họp kinh tế xã hội TP.HCM 9 tháng và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý IV/2023. Ảnh: Hương Thảo

Áp lực giải ngân đầu tư 

Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2023 tăng gấp đôi so cùng kỳ nhưng chậm so với kế hoạch. Dự kiến 6 tháng đầu năm giải ngân 35% nhưng 9 tháng chỉ đạt 30% và đang có dấu hiệu chậm lại.

"Để đạt kết quả giải ngân 95% như chỉ tiêu đề ra thì áp lực cho quý IV là rất lớn", ông Hoàng nói và cho rằng, cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để góp phần tăng trưởng kinh tế thành phố quý IV/2023 và tạo tiền đề cho năm 2024.

Ông Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện trưởng Nghiên cứu phát triển TP.HCM nêu ý kiến rằng khả năng sẽ không đạt chỉ tiêu tăng trưởng GRDP 7,5%.

Theo ông, thành phố phải tập trung "tiêu hóa" hết đầu tư công, kích thích tiêu dùng, đồng thời tập trung các nội dung quan trọng của Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, đây là tiền đề quan trọng để có điểm đột phá trong thời gian tới.

Về góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, doanh nghiệp đã có đơn hàng trở lại nhưng phần lớn là đơn hàng ngắn hạn, mặt hàng thiết yếu, thường xuyên; sức mua và doanh số của doanh nghiệp đang giảm, môi trường kinh doanh chậm cải thiện, doanh nghiệp còn đối mặt với nhiều khó khăn.

"Hiện nay lãi suất ngân hàng thấp nhưng doanh nghiệp không hấp thụ bởi chưa biết mở rộng sản xuất như thế nào. Doanh nghiệp hiện không có nhu cầu, không mạnh dạn mở rộng sản xuất kinh doanh. Tâm trạng hồ hởi, phấn khởi, hăng hái bung ra làm ăn là chưa có", ông Hòa nói và cho biết, để doanh nghiệp mở rộng sản xuất thì phải đụng tới đất đai nhưng nguồn lực đất đai chưa được khơi thông.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng, năm 2023 có 271 dự án giải ngân vốn đầu tư công với hơn 26.800 tỷ đồng, trong đó có 116 dự án được chuyển tiếp từ năm 2022 và 155 dự án năm 2023.

"Đến nay đã giải ngân trên 11.600 tỷ đồng, đạt 43%, so với yêu cầu 95% vào cuối năm là bài toán khó. Trong đó, 116 dự án chuyển tiếp với khoảng 5.600 tỷ đồng khả năng hoàn thành vì không còn vướng mắc, chỉ liên quan đến đồng thuận chi trả. Riêng số vốn bố trí năm 2023 cho 155 dự án là hơn 21.000 tỷ đồng, giải ngân mới 36%", ông Thắng nói.

Tỷ lệ thu ngân sách thấp 

Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Lê Duy Minh cho biết, tổng thu ngân sách 9 tháng là 326.193 tỷ, chỉ đạt 69,4% dự toán và bằng 93,6% cùng kỳ 2022. TP.HCM là một trong những địa phương có tỷ lệ thu ngân sách thấp nhất cả nước. Đóng góp của thuế trong tăng trưởng GRDP của TP.HCM năm 2023 thấp nhất trong những năm qua.

Theo ông Minh, bức tranh kinh tế còn nhiều khó khăn ảnh hưởng đến nguồn thu TP. Mặc dù 9 tháng TP.HCM có 37.224 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng có đến 23.595 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn đối mặt với khó khăn trong sản xuất kinh doanh.

Phân tích nguyên nhân của việc giảm thu, Giám đốc Sở Tài chính TP cho biết có nguyên nhân là việc giảm thu thuế thu nhập cá nhân. Các năm, thuế thu nhập cá nhân chính là thế mạnh của TP, chiếm tỷ lệ cao trong thu ngân sách nhưng thời gian qua giảm mạnh. Trong đó, các khoản thu thuế thu nhập cá nhân giảm mạnh ở lĩnh vực bất động sản, chứng khoán. Bên cạnh đó, khoản thu từ hoạt động doanh nghiệp cũng giảm.

TP.HCM sẽ "rất áp lực" với chỉ tiêu giải ngân 95% đầu tư công, GRDP 7,5% - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM. Ảnh: Hương Thảo

Về chi ngân sách, trong 9 tháng, TP chi 57.051 tỷ, chỉ đạt 45,1% dự toán, theo ông Minh, hiện nay nhiều khoản chi tại một số sở ngành ở mức thấp, ảnh hưởng đến hoạt động phát triển TP.

"Với những đơn vị chi quá thấp, Sở Tài chính sẽ xem xét cắt bỏ kế hoạch chi để chi cho các hoạt động khác của TP", ông Lê Duy Minh thông tin.

Từ đây đến cuối năm, để tăng nguồn thu ngân sách, ngành tài chính TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo thu đúng, giảm nợ đọng. Đồng thời tham mưu UBND TP các giải pháp tăng thu từ việc áp dụng thực hiện Nghị quyết 98, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ tăng thu từ đất, tập trung sắp xếp, xử lý nhà đất, nhà sử dụng không hiệu quả để bán đấu giá tăng nguồn thu, đấu giá các lô đất để có phương án đấu giá. Quản lý chặt chẽ và đôn đốc các khoản thu từ việc thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai.

Đồng thời, TP.HCM sẽ tăng cường tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, tiếp tục các chính sách miễn giảm thuế từ đây đến cuối năm.

Bên cạnh đó, TP.HCM phải thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thu hồi những khoản tạm ứng. Sở Tài chính TP cũng sẽ tham mưu UBND TP trình HĐND TP điều chỉnh một số nhiệm vụ chi do thay đổi chính sách. Các cơ quan, đơn vị cũng tăng cường tiết kiệm chi, tránh chi ngoài dự toán, chi thu thực sự là cần thiết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem