TP.HCM tập trung dạy nghề nông nghiệp có thế mạnh cho lao động nông thôn

Trần Đáng Thứ hai, ngày 17/10/2022 06:15 AM (GMT+7)
UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch dạy nghề lao động nông thôn trên địa bàn TP.HCM năm 2022. Mục tiêu dạy nghề nông nghiệp cho 5.300 lao động trong năm nay.
Bình luận 0

Để việc dạy nghề nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM được tốt hơn, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc Gia TP.HCM) đã có cuộc khảo sát nhu cầu học nghề ở 2 huyện Bình Chánh và Nhà Bè.

TP.HCM tập trung dạy nghề nông nghiệp có thế mạnh cho lao động nông thôn  - Ảnh 1.

TP.HCM đã tăng cường dạy nghề nông thôn cho nông dân để giúp tăng thu nhập khu vực nông thôn. Ảnh: Trần Đáng

Dạy nghề nông nghiệp có thế mạnh địa phương

Cuộc khảo sát thực trạng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn và nhu cầu đào tạo nghề giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn huyện Nhà Bè (TP.HCM) cho thấy, nghề trồng hoa kiểng được lựa chọn nhiều nhất với 29.8%. Nghề trồng rau quả với 28,1%. 

Theo đánh giá, hai nghề này hoàn toàn phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng và địa lý, cũng như thế mạnh hiện có của huyện. Nghề trồng tạo dáng bonsai có 17,5% lựa chọn. Nghề nuôi tôm, cá kiểng được 15,8% người lựa chọn. Nghề chăn nuôi có tỷ lệ lựa chọn 14%.

Cũng theo kết quả khảo sát trên, hơn 94% số người được khảo sát mong muốn được dạy nghề nôngnghiệp ở các lớp đào tạo dưới 3 tháng và có cấp chứng chỉ. 1,7% số người lựa chọn các lớp sơ cấp nghề. 3,4% số người mong muốn được dạy nghề dài hạn. 

100% người lao động được khảo sát  mong muốn các lớp dạy nghề nông nghiệp được tổ chức tại nơi đang sinh sống, như: Văn phòng ấp, UBND xã… Việc đào tạo nghề tại nơi sinh sống sẽ giúp người dân tiết kiệm thời gian, công sức…

Tại huyện Bình Chánh, kết quả khảo sát cho thấy, nghề chăn nuôi heo, bò là nghề được lựa chọn nhiều nhất với tỷ lệ 31%. Nghề thiết kế sân vườn có 29% lựa chọn. Các nghề này hoàn toàn phù hợp với đặc điểm đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết, thế mạnh của địa phương. Các nghề được lựa chọn tiếp theo là: Trồng rau quả, hoa kiểng, tạo dáng bonsai, nuôi cá kiểng, nuôi tôm…

Theo Ths. Huỳnh Thị Ly Na (Khoa Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học QG TP.HCM), dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng NTM. Không chỉ giải bài toán dạy nghề, việc dạy nghề nông nghiệp sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng NTM.

Dạy nghề nông nghiệp đáp ứng nhu cầu tuyển dụng

TP.HCM tập trung dạy nghề nông nghiệp có thế mạnh cho lao động nông thôn  - Ảnh 3.

Đoàn học viên Lớp dạy nghề “Kỹ thuật trồng, chăm sóc rau tại nhà” xã Bà Điểm (Hóc Môn) tham quan các mô hình trồng rau, hoa lan, cây cảnh tại Trung tâm Dạy nghề Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM. Ảnh Trần Đáng

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch đào tạo nghề lao động nông thôn trên địa bàn TP.HCM năm 2022. Các đơn vị thực hiện là Q.12, TP.Thủ Đức và huyện Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè.

Mục tiêu dạy nghề nông nghiệp cho 5.300 lao động nông thôn, gồm 2.184 người học nghề nông nghiệp và 3.116 người học nghề phi nông nghiệp. Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề đạt 85% trở lên. Trong đó, đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 4.676 người, đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng cho 624 người.

Kế hoạch dạy nghề của TP.HCM trong năm nay ưu tiên tổ chức dạy nghề đối với lao động nông thôn thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người thuộc diện hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, lao động nữ.

Việc dạy nghề nông nghiệp phải đảm bảo gắn với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, lao động có việc làm và thu nhập ổn định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem