TP.HCM: Tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới

Thiên Tường Thứ tư, ngày 27/04/2022 09:36 AM (GMT+7)
TP.HCM đang đối mặt với những khó khăn trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới như thiếu giáo viên, áp lực sĩ số, triển khai tổ hợp môn tự chọn…
Bình luận 0

Đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ vừa có buổi đi khảo sát, kiểm tra thực tế tại nhiều trường học trên địa bàn TP.HCM. Đoàn cũng có buổi làm việc với lãnh đạo các trường, phòng GD-ĐT xoay quanh những khó khăn trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới.

Thiếu giáo viên triển khai chương trình mới

Tại buổi làm việc, nhiều trường báo cáo với đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT về việc thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên triển khai chương trình giáo dục mới với các môn âm nhạc, mỹ thuật, công nghệ, tin học. Nguyên nhân việc thiếu hụt nghiêm trọng này được cho là nhân sự đủ tiêu chuẩn còn hạn chế, cộng với mức lương thấp nên khó thu hút.

Ông Phan Văn Quang, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Bình cho biết, hiện tại, từ các trường THCS đến THPT đều thiếu giáo viên nghệ thuật. Các môn công nghệ và đặc biệt là Công nghệ 6 bị thiếu hụt nguồn nhân lực giảng dạy, kể cả giáo viên thỉnh giảng cũng khó có nguồn.

TP.HCM: Tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới   - Ảnh 1.

Lãnh đạo các trường, Phòng GD-ĐT tại TP.HCM chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chương trình GDPT mới. Ảnh: H.N

Tương tự, nhiều trường trên địa bàn TP cho biết phải tìm mọi cách để đảm bảo việc dạy học. Trong đó, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (đại diện cụm thi đua số 1) cho biết, trước mắt, cụm đưa ra phương án thỉnh giảng các môn còn thiếu để dạy cho tất cả trường trong cụm, cùng chia sẻ nguồn lực với nhau.

Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương cũng cho biết, các trường trong cụm liên kết với nhau để mời giáo viên hoặc tổ chức lớp học tự chọn với những môn có ít học sinh chọn để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên.

Về việc tổ chức dạy học chương trình mới, ông Nguyễn Duy Tuyển, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên báo cáo, nhà trường đã nghiên cứu và tập huấn cho tất cả giáo viên về chương trình mới. Đồng thời, đơn vị này cũng tổ chức dạy thử một số bài, có kiểm tra, đánh giá nhận xét.

TP.HCM: Tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới   - Ảnh 2.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ tại buổi làm việc với các trường tại TP.HCM. Ảnh: H.N

Song song đó, trường cũng tiến hành lựa chọn và xây dựng 12 tổ hợp, tổ chức khảo sát sơ bộ học sinh chuẩn bị vào lớp 10 từ các trường lân cận và tư vấn cho phụ huynh, học sinh về việc chọn tổ hợp. Tuy nhiên, nhà trường gặp nhiều khó khăn khi phụ huynh, học sinh, thậm chí là giáo viên bậc THCS chưa quan tâm nhiều đến việc chọn môn.

Bà Phạm Thị Bé Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho biết, để chuẩn bị triển khai chương trình GDPT mới 2018 lớp 10, trường đã chuẩn bị tập huấn giáo viên, tập huấn modul chuyên đề cho giáo viên, rà soát giáo viên và tuyển dụng giáo viên để đáp ứng chương trình. Vì là trường chuyên nên các lớp có cách tổ chức tiết học rất khác nhau… Khi học sinh vào lớp chuyên đã có sự lựa chọn, nên việc thêm tổ hợp môn học sẽ thêm một lần lựa chọn.

Giáo viên là "chìa khóa"

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chia sẻ với những khó khăn trong việc triển khai chương trình GDPT mới mà các trường tại TP.HCM đang đối mặt.

Thứ trưởng nhấn mạnh, trong công tác triển khai chương trình GDPT mới, giáo viên chính là người nắm "chìa khóa" thành công. Vì vậy, giáo viên cần đổi mới, sáng tạo, tất nhiên là phải có chính sách quan tâm nhiều hơn tới đội ngũ nhà giáo.

TP.HCM: Tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới   - Ảnh 3.

Giáo viên - chìa khóa thực hiện thành công chương trình GDPT mới. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Ngoài ra, theo ông Độ, các trường cũng cần giải quyết bài toán quản lý bởi giáo viên sẽ không thể đổi mới, sáng tạo nếu hiệu trưởng không chịu đổi mới. Trước kia là quản lý con người, còn bây giờ phải thay đổi theo hướng quản trị công việc, qua đó đánh giá năng lực, có sản phẩm cuối cùng.

"Thầy cô cần quyết tâm cao và thấy đổi mới là nhu cầu cần thiết. Suy cho cùng mọi sự đổi mới đều bắt đầu từ nhận thức. Các nhà trường cần bố trí đội ngũ thầy cô giáo đảm bảo các yêu cầu đổi mới. Cùng với đó, các trường phải chăm lo cho đội ngũ giáo viên bởi họ là nhân tố quyết định do đó cần có cơ chế chính sách tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới, sáng tạo, phát triển, giúp giáo viên có động lực làm việc, phát triển năng lực tối đa của mình", ông Độ nói.

Một vấn đề quan trọng khi triển khai chương trình GDPT mới là công tác tuyển sinh đầu cấp và giảm sĩ số lớp học. Ông Độ cho rằng, chất lượng giáo dục sẽ tỉ lệ nghịch với sĩ số học sinh trên lớp. Vì vậy, TP cần thực hiện đa dạng tuyển sinh, quyết tâm giảm quy mô số học sinh trong từng lớp, số lớp trong trường, giảm trái tuyến.

Các trường cũng cần đẩy mạnh việc hướng dẫn, định hướng học sinh lựa chọn môn học phù hợp. Việc đầu tư cơ sở vật chất thực hiện cách mạnh mẽ, tuyệt đối không để thiết bị về trường mà không được ra lớp, đã mua về thì phải sử dụng và sử dụng có hiệu quả, để tạo ra hoạt động hỗ trợ dạy và học tốt hơn, đẩy mạnh hoạt động thực hành trong trường học.

Để giải quyết vấn đề bài toán về giáo viên, trong những ngày làm việc với Bộ GD-ĐT, UBND TP.HCM, Sở GD-ĐT và các nhà trường đều đề xuất Bộ có cơ chế tuyển dụng người có trình độ cao đẳng, đại học có chuyên ngành phù hợp nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo hình thức hợp đồng, thỉnh giảng và từng bước để hoàn thành đủ tiêu chuẩn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem