TP.HCM tìm hướng phát triển du lịch đường thủy

Vũ Quyền Thứ năm, ngày 06/07/2023 20:04 PM (GMT+7)
Do có nhiều tuyến đường thủy nằm ngay trung tâm, TP.HCM rất thuận lợi trong việc vận tải hành khách, kết hợp khách du lịch. Ngành Giao thông và Du lịch đã khảo sát nhiều tuyến, điểm, để làm vực lại hoạt động du lịch trên sông.
Bình luận 0

TP.HCM có nhiều thuận lợi để phát triển vận tải hành khách, du lịch đường thủy

Phát biểu tại hội nghị phát triển vận tải hành khách, du lịch đường thủy trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2023-2025 chiều 6/7, ông Ngô Đặng Quá Hải, Phó phòng Quản lý đường thủy, Sở GTVT TP.HCM, cho biết TP.HCM có mạng lưới giao thông đường thủy có khả năng khai thác gồm 101 tuyến, với tổng chiều dài là 913km.

TP.HCM tìm hướng phát triển du lịch đường thủy  - Ảnh 1.

TP.HCM có nhiều thuận lợi để phát triển vận tải hành khách, du lịch đường thủy do có nhiều tuyến đường thủy nằm ngay trung tâm. Ảnh: Thành ủy TP.HCM

Trong đó, hàng hải 11 tuyến với chiều dài 229,2km; đường thủy nội địa quốc gia 5 tuyến, chiều dài 126,1km; đường thủy nội địa địa phương 83 tuyến, chiều dài 555km; đường thủy nội địa chuyên dùng 2 tuyến, chiều dài 2,6km.

Về cảng, bến thủy nội địa và các công trình phụ trợ trên bờ hiện đang hoạt động có 13 cảng thủy nội địa, 204 bến thủy nội địa. Trong đó, có 105 cảng, bến phục vụ vận tải hàng hóa, 74 cảng, bến phục vụ vận tải hành khách, khách du lịch và 25 bến khách ngang sông.

Do mạng lưới có nhiều tuyến đường thủy nằm ngay trung tâm, TP.HCM rất thuận lợi trong việc vận tải hành khách, kết hợp khách du lịch; trung tâm thành phố tập trung nhiều địa điểm tham quan du lịch bằng đường thủy kết nối đường bộ; có nhiều loại phương tiện thủy đang hoạt động; nhiều doanh nghiệp lữ hành kinh doanh dịch vụ du lịch mong muốn phát triển du lịch đường thủy.

TP.HCM tìm hướng phát triển du lịch đường thủy  - Ảnh 2.

Hoạt động vận tải hành khách, du lịch đường thủy trên địa bànTP.HCM đã hình thành nhiều loại hình, trong đó có đưa khách từ TP.HCM đến Vũng Tàu bằng đường thủy thu hút đông khách. Ảnh: Thành ủy TP.HCM

Hiện nay, hoạt động vận tải hành khách, du lịch đường thủy trên địa bàn thành phố đã hình thành 4 loại hình, gồm vận tải hành khách du lịch bằng tàu cao tốc theo tuyến cố định; du lịch theo hợp đồng chuyến; vận tải hành khách ngang sông và vận tải khách du lịch bằng đường biển.

Hiện Sở GTVT đã dự thảo kế hoạch phát triển các tuyến vận tải hành khách, du lịch, kết hợp sản phẩm du lịch và phát triển các cảng, bến và khu vực neo đậu phương tiện.

Trong đó, tập trung phát triển nhiều tuyến vận tải hành khách, du lịch, kết hợp sản phẩm du lịch, gồm tuyến Bạch Đằng đi Quận 7, huyện Nhà Bè; tuyến đi Thanh Đa, Bình Quới trên sông Sài Gòn; tuyến Sài Gòn đi Bình Dương, Củ Chi trên sông Sài Gòn; tuyến vận tải hành khách, du lịch từ TP.HCM đi Côn Đảo trên sông Soài Rạp, vịnh Đồng Tranh, Biển Đông; tuyến phà biển Cần Giờ, TP.HCM - Gò Công Đông...

TP.HCM tìm hướng phát triển du lịch đường thủy  - Ảnh 3.

Buýt sông hút khách khám phá nhưng còn đơn điệu, khó níu chân du khách. Ảnh: Lao động

Ngoài ra, Sở cũng lên kế hoạch phát triển cảng, bến Nhà Rồng - Khánh Hội; các bến khu vực Quận 1 trên sông Sài Gòn; kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp 3 bến thủy nội địa trong năm 2023 và xây dựng mới bến phà biển Cần Giờ - Vàm Láng (Tiền Giang) trong năm 2025, đầu tư xây dựng các vị trí vùng nước neo đậu trên địa bàn huyện Cần Giờ.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết, bà đã trăn trở trong suốt thời gian qua về việc phát triển vận tải hành khách, du lịch đường thủy trên địa bàn. Sau năm 2021, Sở GTVT và Sở Du lịch đã phối hợp khảo sát rất nhiều các tuyến, điểm, lộ tuyến, lộ trình để làm sao vực trở lại hoạt động du lịch trên sông.

"Chúng ta không chỉ có các sản phẩm trên sông Sài Gòn, mà còn các tuyến kênh nội đô rất đẹp, rất hấp dẫn, nhưng chưa khai thác một cách triệt để được đối với sản phẩm này", bà Hiếu chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem