TP.HCM: Tỷ lệ giáo viên mầm non nghỉ việc vẫn cao nhất

Mỹ Quỳnh Thứ bảy, ngày 04/02/2023 12:36 PM (GMT+7)
Trong số gần 300 giáo viên nghỉ việc năm 2022, có gần 100 giáo viên bậc mầm non.
Bình luận 0

Thông tin từ Sở GDĐT TP.HCM cho biết, trong năm 2022, TP.HCM có 282 giáo viên nghỉ việc và 732 giáo viên nghỉ hưu theo chế độ.

Trong số giáo viên nghỉ việc, có đến 99 giáo viên bậc mầm non, 86 giáo viên bậc tiểu học, 76 giáo viên bậc THCS, 20 giáo viên bậc THPT và 1 giáo viên chuyên biệt. Tỷ lệ giáo viên nghỉ việc trong năm 2022 chiếm 0,49%.

TP.HCM: Tỷ lệ giáo viên mầm non nghỉ việc vẫn cao nhất - Ảnh 1.

Tỷ lệ giáo viên mầm non nghỉ việc cao nhất tại TP.HCM trong năm 2022. Ảnh: MQ

Trong 732 giáo viên nghỉ hưu, bậc tiểu học có số lượng nhiều nhất là 327 giáo viên, kế đó là bậc THCS có 186 giáo viên, bậc mầm non có 118 giáo viên và bậc THPT 99 giáo viên, 2 giáo viên chuyên biệt.

Ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở GDĐT TP.HCM cho biết, TP.Thủ Đức và 9 quận huyện đang tổ chức tuyển dụng giáo viên để phục vụ công tác giảng dạy. Tuy nhiên, việc thiếu giáo viên và đang tuyển dụng không ảnh hưởng đến tình hình dạy học hiện nay, bởi vì tất cả các trường đã ổn định từ đầu năm tới nay.

Trong đó, các trường chủ động sắp xếp, bố trí giáo viên dạy thêm giờ trong khuôn khổ quy định. Đồng thời, tăng cường thỉnh giảng, hợp đồng ngắn hạn giáo viên để giải quyết số giáo viên còn thiếu.

Ông Minh đánh giá, một số môn ở bậc tiểu học, THCS đang thiếu nguồn tuyển như Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ...

TP.HCM: Tỷ lệ giáo viên mầm non nghỉ việc vẫn cao nhất - Ảnh 3.

Sở GDĐT TP.HCM đặt hàng ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Sài Gòn để bổ sung nguồn lực giáo viên. Ảnh: MQ

Nguyên nhân là vì các trường sư phạm khu vực phía Nam ít đào tạo (ví dụ như môn Công nghệ). Đối với các môn được đào tạo nhiều như Tin học, Tiếng Anh thì vướng yêu cầu của Bộ GDĐT là phải có chứng nhận nghiệp vụ sư phạm mới có thể làm giáo viên. Trong khi đó, việc đào tạo nghiệp vụ sư phạm ở các trường đang gặp khó khăn, thời gian đào tạo phải trên một năm.

Một nguyên nhân khác, tiết nghĩa vụ ở mỗi cấp học là khác nhau. Ở bậc tiểu học phải dạy 23 tiết/tuần, THCS 19 tiết/tuần, THPT 17 tiết/tuần. Do đó, phần lớn sinh viên khi ra trường đều lựa chọn THCS, THPT để giảm bớt tiết dạy nghĩa vụ.

Bên cạnh đó, sinh viên ra trường cũng lựa chọn vào doanh nghiệp thay vì đơn vị có lương cơ bản. "Đây là khó khăn chung trên cả nước, chứ không riêng gì ở TP.HCM", ông Minh nhấn mạnh.

Được biết, trong thời gian tới, ngành giáo dục TP.HCM tiếp tục có phương án tuyển dụng để để đáp ứng nhu cầu dạy học. Bên cạnh đó, sở cũng đặt hàng các trường như ĐH Sài Gòn, ĐH Sư phạm TP.HCM nhiều giáo viên bộ môn - nhất là giáo viên năng khiếu để bổ sung nguồn lực.

Ngành GDĐT đang xin ý kiến UBND TP.HCM để xây dựng đề án thu hút nguồn nhân lực giáo viên tiểu học, THCS, giáo viên các môn năng khiếu; giữ chân giáo viên giỏi tại các đơn vị.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem