Khi Tổ quốc cần – họ biết sống xa nhau

Đối với bác sĩ Nguyễn Cảnh Chung, khoảng thời gian chống dịch là thời điểm căng thẳng nhất của anh. Bác sĩ Chung là người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng nhất tại Bệnh viện Quân y 175 từ ngày 17/7/2021.

Vợ anh đồng thời cũng là đồng nghiệp tại bệnh viện. Hai gia đình đã gặp mặt để chốt ngày tổ chức cưới thì dịch bùng phát. Đúng thời điểm đỉnh dịch, chị phát hiện mình có thai. Chưa kịp chăm sóc vợ, một tháng sau, Chung nhận nhiệm vụ tại nơi căng thẳng nhất - khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch của Bệnh viện Quân y 175.

"Trăm năm chỉ có một ngày…" - Ảnh 1.

Ngày hạnh phúc chung đôi của các y bác sĩ bị kéo dài vì họ sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng khi Tổ quốc cần. Ảnh: B.D

Hai gia đình đều ở xa, vợ lại nghén nặng mà chỉ có một mình, anh Chung lo thắt ruột. Mỗi lần được ra ngoài khu ICU, cầm được điện thoại gọi được về cho vợ, câu đầu tiên anh hỏi luôn là "Em có ổn không?".

"Thời điểm đó tôi rất lo vì vợ mới mang bầu, ốm nghén, chưa được tiêm vaccine Covid-19 lại ở một mình. Đúng thời điểm thành phố giãn cách nghiêm ngặt, tôi trong khu ICU 24/24h, mọi việc chỉ có thể nhờ anh em đồng nghiệp hỗ trợ. Vợ tôi dù nghén đến tận lúc sinh nhưng cũng rất kiên cường. Khi mang thai vì không có điều kiện bồi bổ, chăm sóc, thai nhỏ xíu, rơi vào nhóm nguy cơ nhưng vợ vẫn một mình chống đỡ, không nói vì sợ tôi lo lắng không làm việc được", anh Chung nghẹn giọng.

"Chúng tôi cảm thấy cần phải bù đắp một phần trách nhiệm và đã quyết định tổ chức đám cưới cho các em. Chúng tôi muốn tri ân và cảm ơn tất cả những gì các y bác sỹ đã cống hiến trong suốt thời gian qua" - Đại tá Trần Quốc Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 nói.

Cho đến trước Tết Nguyên đán, khi dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM thực sự ổn định, anh mới được về nhà chuẩn bị cho vợ trước ngày sinh nở. Anh cũng được đồng nghiệp ưu tiên không trực Tết để chăm sóc vợ. Bé trai 3kg chào đời đúng mùng 3 Tết Nhâm Dần, hai vợ chồng đặt tên con là Hoàng Đức.

Hình cưới, các thủ tục đã chuẩn bị từ một năm trước nhưng dịch bệnh nên đám cưới bị trì hoãn đến tận bây giờ. "Tôi còn nợ vợ một đám cưới nên khi bệnh viện tổ chức đám cưới tập thể, tôi đăng ký ngay. Tôi chỉ hơi lo một chút vợ mới sinh sợ sức khỏe không đảm bảo. Nhưng phụ nữ ai cũng mong một lần được mặc váy cưới, có một đám cưới tử tế. Đây sẽ là một đám cưới ý nghĩa nhất đối với chúng tôi", giọng anh Chung trầm lại.

Từ tháng 7/2021 đến nay, điều dưỡng Trần Thị Thúy Hằng tham gia làm việc tại khu Hồi sức Covid-19, Bệnh viện Quân y 175. Như rất nhiều đồng nghiệp tham gia chống dịch, đến trước Tết Nguyên đán, chị mới được gặp lại người thân, người yêu. Thế nhưng, anh chị vẫn chưa có một buổi hẹn hò thực sự sau hơn nửa năm xa cách.

img
img
img
img
img

Các cô dâu đã phải chờ 2-3 năm mới được hồi hộp ngồi trang điểm trong ngày trọng đại. Ảnh: B.D

"Dù gặp mặt người thân, người yêu, chúng tôi phải hạn chế tiếp xúc, đeo khẩu trang để an toàn cho mọi người. Vì tôi vẫn đang chăm sóc bệnh nhân Covid-19 và vẫn còn nguy cơ", chị Hằng chia sẻ.

Chồng chưa cưới của chị, anh Phạm Tuân công tác ở một doanh nghiệp tại quận Phú Nhuận. Quen và thương nhau suốt 6 năm, cả hai có đủ lòng tin đi qua những gập ghềnh của xa cách. Khi TP.HCM cách ly theo Chỉ thị 16, anh đã cố gắng tìm mọi cách hỗ trợ thêm cho người yêu và đồng nghiệp thực phẩm và những đồ dùng thiết yếu.

Chị Hằng nhớ lại, ngày đầu tiên, chị không tránh khỏi những sợ hãi thoáng qua và sẵn sàng tâm lý mình sẽ mắc bệnh. Áp lực công việc quá lớn khi dịch bệnh tại TP diễn biến phức tạp, có thời điểm lên đến hàng ngàn ca mỗi ngày, nhân viên y tế làm việc không có giờ nghỉ ngơi.

"Sau khi hoàn thành công việc, tranh thủ từng phút để gọi điện thoại cho người yêu, người nhà. Chỉ cần nghe tiếng, biết mọi người bình an là mình vui lắm rồi. Trong bệnh viện, mình tập trung tất cả cho công việc, cho người bệnh, niềm mong mỏi duy nhất là người nhà không mắc bệnh, bình an", chị Hằng chia sẻ.

Tháng 10/2021, chồng chưa cưới của chị Hằng mắc Covid-19. Vì sợ người yêu lo lắng, anh giấu biệt, cho đến khi khỏi bệnh mới kể lại. Chị Hằng nghẹn giọng: "Khi nghe anh kể, tôi thật sự thấy đau lòng, cảm thấy bất lực vì mình chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19, vậy mà người thân của mình mắc bệnh lại không thể kề bên. Không chỉ mình tôi, mà nhiều đồng nghiệp cũng rơi vào hoàn cảnh này".

"Trăm năm chỉ có một ngày…" - Ảnh 4.

Bãi đáp trực thăng cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 175 là nơi vợ chồng bác sĩ Vinh - Thoa chụp ảnh cưới. Ảnh: B.D

Sự xa cách suốt một thời gian dài càng khiến mối tình 6 năm mong muốn được gắn bó lớn hơn. Chị Hằng và chồng quyết định tham gia đám cưới tập thể cùng các đồng nghiệp Bệnh viện Quân y 175 – những người đã gác hạnh phúc cá nhân lên đường chống dịch Covid-19, khi đó, cả hai vẫn chưa kịp mua nhẫn cưới.

Hành trình đầy thử thách và cả nước mắt

Đại úy Lê Quang Vinh, bác sĩ khoa Nội tiêu hoá cẩn thận chỉnh lại chiếc mũ quân phục trên đầu người bạn đời là thiếu úy Nguyễn Thị Kim Thoa (tổ điều trị Vùng 4 hải quân). Họ đang trân trọng từng ngày được ở bên nhau sau những tháng ngày đằng đẵng cách xa vì chống dịch.

Yêu nhau được 3 năm, bác sĩ Vinh và vợ dự định tổ chức đám cưới vào tháng 9/2021. Không ngờ dịch Covid-19 bùng phát, Vinh được tăng cường làm bác sĩ điều trị tại Trung tâm điều trị Covid-19 Bệnh viện Quân y 175. Cùng thời điểm đó, thiếu úy Thoa cũng được điều động làm nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 4 Tổng cục hậu cần tại Khánh Hòa. Hai người ở hai đầu chống dịch là thời điểm căng thẳng nhất khi cùng phải chịu áp lực từ việc hoãn cưới đến chống dịch. Cả hai gia đình đã chuẩn bị sẵn sàng cho ngày cưới, nhưng tất cả đã phải hoãn lại.

img
img
img
img
img

Họ đã được nắm tay nhau sau những tháng ngày đằng đẵng cách xa gồng mình chống dịch. Ảnh: B.D

6 tháng đằng đẵng chống dịch, hai người chỉ gặp được nhau qua zalo, điện thoại. Nỗi lo lớn nhất lúc đó không phải cho bản thân, mà lo người bạn đời của mình nhiễm bệnh. Đến ngày hôm nay, cả hai hạnh phúc khi có một ngày vui chung cùng đồng đội tại chính bệnh viện.

Chuẩn bị trang phục để chụp ảnh cưới cùng đồng đội, điều dưỡng Hoàng Văn Huy và vợ là điều dưỡng Hà Thị Kim Cúc cùng công tác tại khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Quân y 175 vẫn ngỡ ngàng như đang trong giấc mơ. Điều dưỡng Huy nhớ như in hành trình đến với nhau đầy thử thách và cả nước mắt: "Tôi gặp vợ trong một chuyến công tác mổ từ thiện, may mắn ông trời se duyên và hai đứa quyết định về chung một nhà. Thời điểm đó, tôi và vợ cũng như bao người trong lực lượng tuyến đầu chống dịch, luôn sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào, nhưng không nghĩ là trùng vào đúng giai đoạn đám cưới chuẩn bị diễn ra".

"Tôi nghĩ rằng họ đã hy sinh, dồn nén quá nhiều, ngày hôm nay họ xứng đáng nhận hạnh phúc, và những người cùng góp sức cho sự kiện này cũng sẽ hạnh phúc" - Nhà thiết kế Minh Hạnh.

Đếm từng ngày được ở bên nhau, điều dưỡng Hà Thị Kim Cúc luôn nở nụ cười thật tươi vì ngày chung đôi, đoàn tụ cuối cùng cũng đã tới. Cúc chia sẻ, hành trình tình yêu này không đơn thuần là yêu, mà ở đó còn có nhiều cung bậc cảm xúc khó khăn của dịch bệnh Covid-19 mang đến. 

"Tôi không biết những cặp đôi khác yêu nhau, đến với nhau như thế nào, nhưng đối với chúng tôi ông trời dường như thử thách rất nhiều. Tôi không thể quên ngày 18/7/2021, ngày cưới trong kế hoạch của chúng tôi. Nếu như những cặp đôi khác sẽ nói với nhau về đám cưới, còn anh Huy lại gửi cho tôi một tấm hình có vali chứa nhiều quần áo kèm dòng tin nhắn "anh đang chuẩn bị cho chuyến đi dài nhất…" khi anh nhận nhiệm vụ tại Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19. Cảm giác lúc đó buồn và khó tả lắm", Cúc tâm sự.

"Trăm năm chỉ có một ngày…" - Ảnh 7.

Bén duyên từ "mũi nồi xanh", hoãn cưới 2 lần vì dịch, đôi bạn trẻ An - Thu cuối cùng đã có một ngày chung vui đầy ý nghĩa. Ảnh: B.D

Chỉ sau đó một tuần, Kim Cúc cũng nhận nhiệm vụ "cấm trại" ở khoa cấp cứu, tiếp nhận bệnh nhân mắc Covid-19. Cả hai cùng làm tại bệnh viện nhưng không thể gặp nhau. Mỗi lần nhớ nhau, cả hai đứng nhìn nhau qua cánh cửa sắt của bệnh viện.

Bén duyên từ đội quân "mũ nồi xanh" tham gia phái đoàn Gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan đợt đầu tiên năm 2018, trung úy Trần Văn An (khoa Hồi sức tích cực) và trung úy Bùi Thị Hoài Thu (khoa Răng) dự định tổ chức lễ cưới vào tháng 8/2020. Đợt dịch thứ 3 bùng phát khiến hai người quyết định lùi đám cưới lại một năm. Không ngờ, đến tháng 8/2021, dịch dữ dội hơn, anh An được tăng cường vào khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19. Một lần nữa, đám cưới dự định của đôi trẻ lại tiếp tục hoãn. Đăng ký tham gia đám cưới tập thể tại Bệnh viện Quân y 175 vào ngày 20/2 tới là câu chuyện đẹp nhất của đôi bác sĩ-chiến sĩ-đồng nghiệp này.

Đám cưới tập thể: Câu chuyện nhân văn nối nguồn yêu thương

Trăn trở trước những hy sinh thầm lặng, kể cả hạnh phúc cá nhân của các chiến sĩ bác sĩ, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cùng Ban giám đốc, Đảng ủy bệnh viện quyết định "làm một cái gì đó" cho các chiến sĩ của mình.

img
img
img
img
img
img
img

Khung cảnh chụp hình cưới là những khoa, phòng thân quen tại Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: B.D

Ý tưởng tổ chức đám cưới tập thể ra đời từ đó. 20 cặp đôi là y, bác sĩ của bệnh viện trực tiếp tham gia chống dịch Covid-19 sẽ được bệnh viện tổ chức đám cưới tập thể đặc biệt vào ngày 20/2 tới.

Đại tá Trần Quốc Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 nói: "Trong hai năm vừa qua, các bạn trẻ trong ngành y cũng như một số các đơn vị tuyến đầu chống dịch khác đã trực tiếp tham gia chống dịch Covid-19. Nhiều bạn không được hưởng hạnh phúc đương nhiên của lứa đôi khi đăng ký kết hôn.

Chúng tôi cảm thấy cần phải bù đắp một phần trách nhiệm và đã quyết định tổ chức đám cưới cho các em. Chúng tôi muốn tri ân và cảm ơn tất cả những gì các em đã cống hiến trong suốt thời gian qua".

Phối hợp thực hiện tổ chức lễ cưới, nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ, chị từng chứng kiến những hy sinh của các y bác sĩ và nhiều lực lượng khác để dồn sức chống dịch Covid-19, chị cảm phục vô cùng và mong muốn chung sức để mang niềm hạnh phúc đến cho các cặp đôi. Chị tự coi đây là việc làm thể hiện trách nhiệm xã hội của mình để góp phần mang thêm tình nhân ái, yêu thương đến cho mỗi người.

"Trăm năm chỉ có một ngày…" - Ảnh 9.

Ngày chung đôi của 20 đôi y bác sĩ tuyến đầu chống dịch là lời tri ân đầy nhân văn và ước nguyện về tương lai, hạnh phúc. Ảnh: B.D

Thông qua hình ảnh chiếc áo dài và chất liệu lụa truyền thống các nghệ sĩ, cô dâu sẽ khoác lên người, nhà thiết kế Minh Hạnh mong muốn thể hiện sự hân hoan mở cửa để đón nhận cuộc sống bình thường mới, tri ân lực lượng tuyến đầu. Đây là một sự kiện áo dài đặc biệt, những chiến sĩ thầm lặng sẽ xuất hiện trong chiếc áo dài mang lời ước nguyện về tương lai, hạnh phúc.

"Tôi nghĩ rằng họ đã hy sinh, dồn nén quá nhiều, ngày hôm nay họ xứng đáng nhận hạnh phúc, và những người cùng góp sức cho sự kiện này cũng sẽ hạnh phúc. Đó là quy luật của hạnh phúc, tình yêu cho đi mới nhận lại hoặc cho nhưng chẳng bao giờ cần nhận. Tình nhân ái hiện nay được thể hiện không phải là cho theo kiểu từ thiện mà chúng ta thực hiện trách nhiệm xã hội của mình để tất cả mọi người đều sống với nhau bằng tình nhân ái, tình yêu thương", nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ.

Bạch Dương thực hiện

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem