Trăn trở với nghề giáo: Lương thấp sao còn làm!?

Mỹ Quỳnh Thứ năm, ngày 17/11/2022 10:02 AM (GMT+7)
Gần 30 năm đứng trên bục giảng, không ít lần cô Hằng chạnh lòng khi nghe câu "lương thấp sao không tìm việc khác mà làm?".
Bình luận 0

Lương thấp sao còn làm?

Tính đến nay, đã 28 năm cô Phan Thị Thu Hằng – tổ trưởng môn tiếng Anh Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận, TP.HCM) đứng trên bục giảng. 28 năm cũng là 28 chuyến đò đầy ắp kỷ niệm mà cô Hằng không bao giờ quên.

Nói về cơ duyên với nghề, cô Hằng cho biết, gia đình mình có truyền thống nghề giáo. Bên cạnh đó, ngay từ lúc bắt đầu đi học, cô Hằng đã được các thầy cô dạy dỗ với sự yêu thương, tâm huyết... từ đó đã truyền lửa vào tâm trí cô. Thấy rằng nghề giáo thật đẹp, tình thầy trò thiêng liêng, được sống trong môi trường này chắc chắn hoàn thiện về nhân cách và có thể tạo ra các công dân tốt cho xã hội... nên cô Hằng đã quyết tâm theo đuổi nghiệp này.

Trăn trở với nghề giáo: Lương thấp sao còn làm!? - Ảnh 1.

Gần 30 năm đứng trên bục giảng, cô Phan Thị Thu Hằng luôn giữ nhiệt huyết và dành được nhiều tình cảm yêu thương của các thế hệ học sinh. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Dù vậy, cuộc sống của giáo viên không dễ dàng gì khi gánh nặng cơm áo, gạo tiền đè lên vai. Với mức lương ít ỏi, không đủ để trang trải cuộc sống, nhiều lần cô Hằng rơi vào cảnh túng thiếu, không đủ tiền để đóng học cho con, không có tiền để chăm sóc gia đình đầy đủ. Bên cạnh đó, cô cũng không có nhiều thời gian để quan tâm, kèm cặp các con học hành cũng như gần gũi, lo lắng, chia sẻ cùng các con... như bao người mẹ khác khiến cô chạnh lòng, trăn trở, liệu rằng đây có phải là lựa chọn đúng đắn hay không.

"Người ta cứ bảo chê lương giáo viên thấp sao còn làm, sao không đi tìm nghề khác mà làm, có ai ép đâu. Nghe những câu này, giáo viên chúng tôi rất buồn. Không phải chúng tôi không tìm được công việc khác tốt hơn, thu nhập cao hơn, nhưng nếu ai cũng bỏ dạy thì ai sẽ là người dạy học?", cô Hằng nói.

Cô Hằng cho biết, để cải thiện thu thập, rất nhiều giáo viên đều phải tìm công việc làm thêm. Trong đó, người thì dạy ở trung tâm, người thì nhận hàng về gia công, cắt chỉ tại nhà, có người thì buôn bán online... Riêng cô Hằng, thời gian đầu nhận cắt chỉ tại nhà, sau này cô đi dạy thêm tiếng Anh tại các trung tâm.

Trăn trở với nghề giáo: Lương thấp sao còn làm!? - Ảnh 2.

Những tấm thiệp chúc mừng 20/11 của học sinh Trường THPT Phú Nhuận dành tặng cho thầy cô. Ảnh: Mỹ Quỳnh

"Khi đã lựa chọn và gắn bó với nghề thì không dễ dàng gì để chuyển sang nghề nghiệp khác kể cả là suy nghĩ. Đi dạy, tôi đã nhận được rất nhiều tình cảm yêu mến của học trò. Các con quan tâm, chia sẻ với tôi từng thứ nhỏ nhặt bằng tình cảm chân thành. Ví dụ như khi tôi bệnh, ho, các con hỏi thăm, mua kẹo ngậm... tự giác học tập để tôi không phải nói nhiều. Với tình cảm ấm áp của học trò, với lòng yêu nghề nên chúng tôi mỗi ngày đều cố gắng, tự tìm cách để có thu nhập trang trải sinh và không nghĩ đến chuyện bỏ nghề", cô Hạnh tâm sự.

Những cái khó mà giáo viên đang đối mặt

Cô Hằng nhìn nhận, lương thấp là khó khăn, trở ngại lớn nhất đối với giáo viên hiện nay. Tuy nhiên, rất khó để nói đến việc tăng lương cho giáo viên bởi ngân sách nhà nước có hạn, trong khi đó lực lượng giáo viên lại rất đông. 

Cô đề xuất, nên chăng thực hiện việc xã hội hóa giáo dục, để xã hội cùng chung tay, chia sẻ với nhà nước về ngành giáo dục. Trong đó, có thể trích một phần từ học phí để hỗ trợ giáo viên đặc biệt như bậc mầm non, tiểu học... ở các cấp lớn hơn, cần có chế độ hỗ trợ cho giáo viên dạy thể dục, giáo dục công dân...

Theo cô Hằng, hiện nay, giáo viên mới ra trường có mức lương không thể đủ sống. Đây đều là những người trẻ, mới lập nghiệp, chưa có nhà cửa và phải đi thuê mướn chỗ ở. Lương thấp buộc lòng phải thuê nhà trọ ở xa, nhiều bất tiện như kẹt xe, thời gian di chuyển nhiều. Đáng nói, thu nhập thấp cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục, bởi giáo viên không thể toàn tâm lo cho bài giảng, chăm chút học trò vì còn phải bươn chải thêm nghề khác để kiếm sống...

"Nếu đồng lương tạm đủ sống thì chắc chắn giáo viên sẽ có thời gian để đầu tư cho bài giảng, cảm hóa học sinh", cô Hằng nhận định.

Trăn trở với nghề giáo: Lương thấp sao còn làm!? - Ảnh 4.

Trường THPT Phú Nhuận nơi cô Hằng công tác. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Thêm một khó khăn khác, cô Hằng cho biết, học sinh ngày nay bị ảnh hưởng nhiều bởi mạng xã hội. Các em cũng có nhiều xu hướng tiêu cực hơn trước. Nhiều năm gần đây, học sinh có hiện tượng không rời được điện thoại, lén lút xài trong giờ học. Nếu giáo viên làm căng, tịch thu điện thoại thì các em sẽ ngủ gà ngủ gật, hoặc gục hẳn trên bàn để ngủ. Đây là tình trạng không hiếm, bởi các em thức khuya để chơi game, lướt mạng xã hội nên buổi sáng đi học không nổi; cha mẹ thì bận rộn và cũng bất lực với con. Đây là điều khiến cô Hằng trăn trở nhiều và cũng cảm thấy đáng tiếc, bởi có nhiều em có thể học tập tốt, học giỏi hơn rất nhiều nhưng bị sa đà vào điện thoại nên xao nhãng, học hành sa sút.

Bên cạnh đó, học sinh không ngoan cũng xuất nhiều hơn. Các em thậm chí còn thách thức giáo viên, bất cần mọi thứ. Rất nhiều học sinh thiếu động lực, không đặt ra mục tiêu học tập, không biết học để làm gì... Trong khi đó, nhiều phụ huynh cũng không nhìn giáo viên với góc độ là người thầy dạy dỗ con mình như ngày xưa. Vì một vài trường hợp không hay trong ngành giáo dục, nhiều phụ huynh có sự đề phòng với giáo viên.

Dù vậy, cô Hằng cho biết, bản thân cô cũng như những giáo viên khác vẫn miệt mài từng ngày, cố gắng vừa truyền kiến thức, vừa truyền năng lượng tích cực để thay đổi những học sinh chưa ngoan. Cô Hằng tâm niệm, nếu mình đóng góp cho xã hội một công dân tốt, xã hội sẽ bớt đi một trường hợp tiêu cực.

Sở GDĐT TP.HCM tổ chức trao giải thưởng Võ Trường Toản, tôn vinh sự cống hiến của 40 thầy cô giáo, 10 cán bộ quản lý đã có các thành tích đặc biệt xuất sắc cho ngành giáo dục vào ngày 20/11 sắp tới.

Cô Phan Thị Thu Hằng là một trong 40 giáo viên có mặt trong danh sách trao tặng giải thưởng Võ Trường Toản năm nay. Theo chia sẻ của thầy Trần Công Tuấn – Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận nơi cô Hằng công tác, cô đạt số phiếu tuyệt đối khi bầu chọn tại trường. Đồng thời, trong hoạt động giảng dạy, cô là giáo viên tâm huyết, luôn chăm chút chuyên môn, đổi mới sáng tạo và có tình thương yêu, trách nhiệm với từng học sinh.

Với các đồng nghiệp, cô Hằng luôn tận tình giúp đỡ. Đặc biệt là các giáo viên trẻ, luôn được cô hỗ trợ, góp ý kỹ năng sư phạm.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem