Trẻ mắc bệnh hô hấp gia tăng, Sở Y tế TP.HCM họp khẩn

Bạch Dương Thứ ba, ngày 21/11/2023 11:12 AM (GMT+7)
Trước tình hình bệnh hô hấp tăng ở trẻ, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo các bệnh viện chuyên khoa nhi và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới triển khai công tác phòng chống dịch với các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa nhi thuộc các tỉnh khu vực phía Nam.
Bình luận 0
Trẻ mắc bệnh hô hấp gia tăng, Sở Y tế TP.HCM họp khẩn - Ảnh 1.

Trẻ mắc các bệnh hô hấp đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: B.D

Tại hội nghị giao ban, các Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố và Bệnh nhiệt đới đều nhận định hiện nay, số ca mắc nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ em tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam tiếp tục tăng.

Đây là hiện tượng tăng theo chu kỳ vào những tháng cuối năm của nhóm bệnh này ở trẻ em. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là khi số ca mắc tăng thì số ca nặng và số tử vong sẽ tăng nếu thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các tuyến.

Theo các bác sĩ, bệnh nhiễm khuẩn hô hấp là bệnh thường gặp nhất ở trẻ em. Tình hình mắc và tử vong do viêm phổi nặng ở trẻ em tại khu vực phía Nam trong những năm qua vẫn chưa có thay đổi đáng kể.

Phần lớn bệnh nhi tử vong do bệnh hô hấp có bệnh nền mạn tính đi kèm như tiền căn sinh non, nhẹ cân, bệnh phổi mạn, dị tật bẩm sinh, suy giảm miễn dịch, bệnh lý huyết học bẩm sinh…

Số liệu báo cáo của các bệnh viện chuyên khoa nhi trên địa bàn TP cho thấy, số trường hợp điều trị ngoại trú, nội trú và tử vong của nhóm bệnh này trong 10 tháng năm 2023 có tăng nhẹ so với các năm 2021, 2022.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 có khoảng 200 - 300 ca nội trú và 10% bệnh nhân nằm phòng cấp cứu của khoa hô hấp. Khoa hô hấp đã lập phòng lọc bệnh tại phòng khám để hạn chế tình trạng nhập viện không cần thiết; những bệnh nhân hô hấp nhẹ thay vì nhập viện thì chuyển qua khoa điều trị trong ngày. 

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1 hiện có khoảng 300 bệnh nhân hô hấp (10% bệnh nhân nằm phòng cấp cứu) và chiếm khoảng 20% số ca nội trú. 

Về tác nhân gây bệnh, theo Sở Y tế, hiện chưa ghi nhận tác nhân nào nổi trội bất thường, đa số là các tác nhân thông thường gây nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ em như virus cúm mùa, Adeno virus, RSV, các vi khuẩn Haemophilus influenzae…

Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo việc tăng cường công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho, hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi… vẫn là giải pháp hữu hiệu giúp hạn chế lây lan mầm bệnh trong cộng đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem