dd/mm/yyyy

Trồng bí xanh trên đất dốc, nông dân Mường Chà thêm thu nhập

Huyện Mường Chà (Điện Biên) đã lồng ghép, sử dụng các nguồn vốn chính sách, hỗ trợ người dân thay đổi tư duy sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng...

Không để nông dân Mường Chà đói nghèo trong tiềm năng no đủ

Mở đầu câu chuyện với phóng viên, ông Trang A Lử, CHủ tịch UBND huyện Mường Chà chia sẻ: "Đúng là nông dân Mường Chà còn nhiều khó khăn về kinh tế. Nhưng chúng tôi xác định, không để người dân đói nghèo trong khi tiềm năng để phát triển kinh tế rất lớn. UBND huyện đã giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện nghiện cứu các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Mô hình nào phù hợp với Mường Chà thì sẽ áp dụng. Sau những thành công sẽ nhân rộng để nông dân học tập".

Trồng bí xanh trên đất dốc, nông dân Mường Chà thoải mái thu tiền  - Ảnh 1.

Nông dân Mường Chà trồng các loại cây nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.

Đúng như lời ông Chủ tịch UBND huyện chia sẻ. Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Mường Chà sau khi nghiên cứu điều kện tự nhiên, thổ nhưỡng đã có những quyết sách giúp nông dân có thể đổi đời. Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Đức Cương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Chà cho biết: "Huyện đã mời Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Phú Mỹ Xanh (Điện Biên) lên khảo sát nhiều điểm để phát triển nông nghiệp. Sau khi khảo sát, Hợp tác xã đã phối hợp với huyện hướng dẫn bà con quy trình, trồng, chăm sóc các loại cây nông nghiệp. Hợp tác xã cũng chủ động bao tiêu sản phẩm cho nông dân sau thu hoạch".

Nhiều năm nay, cánh đồng bản Hồ Chim 2, xã Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà) chỉ canh tác được một vụ lúa mùa; vụ đông xuân phần lớn diện tích bỏ hoang. Để nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất, một số hộ dân đã thử nghiệm nhiều mô hình như: trồng lạc, ngô... nhưng đều thất bại. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, họp bản, người dân bản Hồ Chim 2 đã nhiều lần kiến nghị chính quyền cấp xã, huyện nghiên cứu phương án hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trên cơ sở kiến nghị người dân, UBND huyện Mường Chà chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đề xuất và triển khai hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Trồng bí xanh trên đất dốc, nông dân Mường Chà thoải mái thu tiền  - Ảnh 2.

Các sản phẩm nông nghiệp của nông dân Mường Chà sau thu hoạch sẽ được Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Phú Mỹ Xanh bao tiêu sản phẩm.

Vụ đông xuân năm 2023, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Chà đã triển khai mô hình sản xuất khoai tây trái vụ với tổng diện tích 4ha tại bản Hồ Chim 2. Tham gia mô hình, 17 hộ dân được hỗ trợ cây giống, phân vi sinh và được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Sau khi thu hoạch, 100% sản phẩm sẽ được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện kết nối doanh nghiệp thu mua.

Góp 3.000m2 đất ruộng tham gia mô hình, sau 3 tháng triển khai, ruộng khoai tây của gia đình ông Vì A Di, bản Hồ Chim 2 đang phát triển tốt, cây ít bị sâu bệnh và đang vào giai đoạn tạo củ.

Ông Vì A Di cho biết: Sản xuất khoai tây trái vụ chi phí đầu tư khá cao. Tổng chi phí nhà nước hỗ trợ và người dân đối ứng khoảng 60 triệu đồng/ha. Theo thuyết minh dự án, năng suất khoai đạt khoảng 2 tấn/1000m2; với diện tích 3.000m2 tôi ước đạt 6 tấn củ. Với giá doanh nghiệp thu mua 6.000 đồng/kg, dự kiến có thu nhập 36 triệu đồng, trừ chi phí khoảng 18 triệu đồng, thu lợi nhuận 18 triệu đồng.

Mường Chà chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa công nghệ cao

Không chỉ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa một vụ, người dân xã Ma Thì Hồ còn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nương. Mô hình trồng bí đao của gia đình anh Ly A Hồ là một ví dụ. Trên diện tích 6.000m2 đất nương ở gần nhà, nhiều năm nay anh Hồ canh tác cây ngô. Tuy nhiên, đất đai ngày càng cằn cỗi khiến năng suất, chất lượng ngô cũng giảm theo. Đang loay hoay tìm cây trồng khác thì anh Hồ được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện giới thiệu đi tham quan mô hình trồng bí đao tại thị trấn Mường Chà. Sau chuyến đi đó, với sự hỗ trợ tích cực của cán bộ nông nghiệp huyện, anh Hồ đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai mô hình trồng bí đao trên diện tích đất trồng ngô.

Trồng bí xanh trên đất dốc, nông dân Mường Chà thoải mái thu tiền  - Ảnh 3.

Gia đình anh Ly A Hồ, bản Hồ Chim 2 (xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà) làm giàn trồng bí đao theo hướng dẫn của các kỹ sư Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Phú Mỹ Xanh.

Anh Ly A Hồ cho biết: Đến nay, tôi đã đầu tư vào mô hình khoảng 100 triệu đồng để mua giống, làm giàn, lắp đặt hệ thống tưới nước thông minh. Giống bí đao này nếu chăm tốt có thể cho thu hoạch tới 10 lứa mới phải thay giống mới; còn chăm sóc vừa đủ thì tối thiểu cũng thu được 6 lứa. Tôi dự tính với diện tích 6.000m2 sẽ cho năng suất ước đạt 30 tấn, giá bán khoảng 8.000 đồng/kg cho doanh thu khoảng 240 triệu đồng. Lợi nhuận ước đạt 100 triệu đồng.

Ông Trần Đức Cương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Chà cho biết: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một chủ trương lớn, là nội dung quan trọng trong Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh. Triển khai thực hiện, giai đoạn 2019 - 2023, huyện Mường Chà đã và đang hỗ trợ người dân triển khai nhiều mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Bên cạnh mô hình khoai tây trái vụ, bí đao, phòng đang hỗ trợ mô hình trồng cây quế tại xã Huổi Lèng; mô hình hoa hồng Pháp tại thị trấn Mường Chà; trồng cây dược liệu tại xã Sa Lông... Thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ người dân chuyển đổi phương thức sản xuất, thâm canh tăng vụ để tăng thu nhập, từng bước giảm nghèo.

Vinh Duy