Trồng dừa theo tiêu chuẩn thương mại công bằng, nông dân Bến Tre vừa có lời vừa được chăm lo đủ thứ

Nguyên Vỹ Thứ sáu, ngày 12/01/2024 09:09 AM (GMT+7)
HTX Dịch vụ Nông nghiệp Công bằng Hưng Lễ (xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm, Bến Tre) liên kết với Tổ chức FLO trồng dừa đạt tiêu chuẩn thương mại công bằng Fairtrade bán với giá cao.
Bình luận 0

Ngoài ra, tiền phúc lợi trả thêm cho sản phẩm đạt chuẩn Fairtrade được HTX Hưng Lễ đầu tư, xây dựng các công trình phúc lợi, phục vụ trở lại cho cộng đồng, nhất là cho nông dân trồng dừa.

Liên kết trồng dừa theo tiêu chuẩn quốc tế

Ông Nguyễn Văn Khinh ở xã Hưng Lễ (huyện Giồng Trôm, Bến Tre) là thành viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp công bằng Hưng Lễ.

Từ ngày HTX Hưng Lễ liên kết sản xuất, tiêu thụ với Công ty CP Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), giá dừa luôn thu mua ở mức ổn định. Thu nhập của các thành viên HTX duy trì ổn định.

Vùng trồng dừa hữu cơ của HTX Dịch vụ Nông nghiệp công bằng Hưng Lễ (huyện Giồng Trôm, Bến Tre). Ảnh: Nguyên Vỹ

Vùng trồng dừa hữu cơ của HTX Dịch vụ Nông nghiệp công bằng Hưng Lễ (huyện Giồng Trôm, Bến Tre). Ảnh: Nguyên Vỹ

Mùa cao điểm thu hoạch dừa bắt đầu từ tháng 11 năm trước kéo dài đến tháng 4 năm sau. Từ tháng 5 đến tháng 9, dừa cho sản lượng thấp.

Ông Khinh đang trồng 2,1ha dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ. Tính trung bình mỗi tháng, gia đình ông Khinh thu hoạch khoảng 3.700 trái dừa.

Nhờ mua phân bón hữu cơ của HTX với giá gốc, nên lợi nhuận của người trồng dừa cũng cao hơn nhiều so với trồng dừa theo kiểu truyền thống trước đây.

Có thời điểm giá dừa ngoài thị trường rớt xuống chỉ còn 30.000 đồng/chục (1 chục = 12 trái), nhưng công ty vẫn giữ giá mua 50.000 đồng/chục.

Hiện tại, giá thu mua dừa khoảng 68.000-70.000 đồng/chục. Tính bình quân, mỗi tháng gia đình ông có thu nhập hơn 10 triệu đồng.

"Ngoài ra, HTX đang liên kết trồng dừa theo tiêu chuẩn thương mại công bằng, đời sống của người trồng dừa cũng tốt hơn", ông Khinh nói.

Dừa hữu cơ của HTX Hưng Lễ đạt tiêu chuẩn thương mại công bằng Fairtrade. Ảnh: Nguyên Vỹ

Dừa hữu cơ của HTX Hưng Lễ đạt tiêu chuẩn thương mại công bằng Fairtrade. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Nguyễn Văn Chúc - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Công Bằng Hưng Lễ cho biết, HTX hành lập năm 2018.

Từ năm 2020, HTX Hưng Lễ liên kết với Tổ chức FLO trồng dừa đạt tiêu chuẩn thương mại công bằng Fairtrade.

HTX có 515 thành viên, với diện tích hơn 600ha đạt chuẩn hữu cơ. Trong đó, diện tích dừa đạt tiêu chuẩn Fairtrade hơn 436,4ha.

Một điểm thu mua dừa tập trung của HTX Dịch vụ nông nghiệp Công Bằng Hưng Lễ. Ảnh: Nguyên Vỹ

Một điểm thu mua dừa tập trung của HTX Dịch vụ nông nghiệp Công Bằng Hưng Lễ. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Chúc cho biết, Tổ chức FLO sẽ đặt hàng sản phẩm dừa của HTX thông qua Công ty CP Xuất nhập khẩu Bến Tre Betrimex với giá cao hơn cả dừa hữu cơ.

Từ đơn hàng xuất khẩu hàng năm, Tổ chức FLO sẽ trích lại từ 10-15% tổng giá trị để HTX thực hiện các công trình phúc lợi tại địa phương.

Riêng năm 2022, Tổ chức FLO đặt hàng mua 950.000 trái dừa nguyên liệu của HTX, khoảng 20% tổng sản lượng dừa. Số lượng còn lại, HTX bán qua công ty với giá ổn định theo chuẩn dừa hữu cơ. Tổng số tiền FLO trích lại hơn 1,1 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Chúc - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Công Bằng Hưng Lễ. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Nguyễn Văn Chúc - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Công Bằng Hưng Lễ. Ảnh: Nguyên Vỹ

Từ số tiền trích lại này, HTX lên kế hoạch hàng năm thực hiện các công trình phúc lợi như làm cầu, đường hỗ trợ nông dân trong sản xuất và đời sống.

Năm nào HTX cũng mua phân bón hữu cơ (khoảng 40 tấn, trị giá hơn 200 triệu đồng) để tặng cho bà con thay vì tặng tiền.

Trong đợt hạn mặn năm 2021, HTX tổ chức mua bồn nước hỗ trợ cộng đồng. Đến đại dịch Covid-19, HTX mua quà tặng cho bà con địa phương hơn 750 phần, trị giá 180 triệu.

Thời gian qua, HTX cũng hỗ trợ làm đường nông thôn với kinh phí hơn 600 triệu đồng; hoặc làm hồ bơi cho học sinh vì đây là vùng sông nước... "Tất cả đều từ nguồn tiền phúc lợi trả thêm cho sản phẩm đạt chuẩn Fairtrade", ông Chúc nói.

Mở rộng chuỗi liên kết trồng dừa theo tiêu chuẩn

Theo ông Chúc, muốn đạt tiêu chuẩn Fairtrade, toàn bộ diện tích dừa của HTX phải được chứng nhận hữu cơ trước.

Sau đó, đơn vị đánh giá sẽ kiểm tra các chỉ tiêu nghiêm ngặt khác từ môi trường, phúc lợi động vật cho đến thái độ đối xử với cộng đồng, với người lao động và với cả thành viên trong gia đình.

Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục liên kết với Công ty Betrimex bao tiêu sản lượng dừa đạt tiêu chuẩn Fairtrade và dừa hữu cơ.

HTX Hưng Lễ sẽ tiếp tục liên kết với doanh nghiệp trồng và tiêu thụ dừa đạt tiêu chuẩn. Ảnh: Nguyên Vỹ

HTX Hưng Lễ sẽ tiếp tục liên kết với doanh nghiệp trồng và tiêu thụ dừa đạt tiêu chuẩn. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bà Nguyễn Thị Trúc Liên - Giám đốc nguyên liệu của Betrimex cho biết, công ty đang liên kết với nông dân tại 3 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh để thu mua dừa nguyên liệu chế biến ra nhiều dòng sản phẩm.

Trong đó, dừa hữu cơ được thu mua của 30.000 nông hộ ở 3 tỉnh, với diện tích 10.200ha. Riêng Bến Tre là 6.000 hộ với 5.000ha. Bình quân mỗi năm, Betrimex thu mua 144 triệu trái dừa hữu cơ.

Ngoài ra, Betrimex còn thu mua khoảng 166 triệu trái/năm với dừa chưa đạt chuẩn hữu cơ.

Bình quân mỗi năm, Betrimex thu mua 144 triệu trái dừa hữu cơ. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bình quân mỗi năm, Betrimex thu mua 144 triệu trái dừa hữu cơ. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo bà Liên, hiểu nôm na, chứng nhận dừa hữu cơ thiên về canh tác, chứng nhận GlobalGAP thì chú trọng thêm về an toàn lao động trong canh tác.

Tiêu chuẩn thương mại công bằng Fairtrade là tiêu chuẩn cao hơn, thiên về phúc lợi xã hội cho nông dân.

Ví dụ, một trái dừa bình thường bán giá 10.000 đồng, dừa hữu cơ được mua tăng thêm 5-10%; còn dừa Fairtrade sẽ được trả thêm 10-15%.

"Betrimex có nhiệm vụ tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân, chuyển trả 100% số tiền từ Tổ chức FLO đó cho HTX. HTX sẽ chi trả lại cho thành viên", bà Liên kể.

Tiền phúc lợi trả thêm cho sản phẩm đạt chuẩn Fairtrade được HTX Hưng Lễ đầu tư, xây dựng các công trình phúc lợi, phục vụ trở lại cho cộng đồng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tiền phúc lợi trả thêm cho sản phẩm đạt chuẩn Fairtrade được HTX Hưng Lễ đầu tư, xây dựng các công trình phúc lợi, phục vụ trở lại cho cộng đồng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Cao Bá Đăng Khoa - Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam cho biết, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ngành dừa đã định hướng, xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn theo hình thức liên kết với nông dân, HTX

Hiệp hội Dừa đề nghị đề nghị các doanh nghiệp nên tiếp tục mở rộng chuỗi liên kết trồng dừa vì tiềm năng trong ngành còn rất lớn.

Chuỗi liên kết hình thành trên cơ sở kết nối nông dân, HTX, doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các tổ chức tài chính tín dụng khác. Trong đó, doanh nghiệp ban hành ban hành tiêu chuẩn trồng, thu mua để các HTX khác triển khai xuống thành viên.

"Trước năm 2020, nhiều nông dân loay hoay chặt đốn cây dừa rồi không biết trồng cây gì, nuôi con gì. Khi vận động đủ 4 nhà tham gia chuỗi, cây dừa sẽ đảm bảo sinh kế lâu dài cho nông dân mà không cần chuyển đổi giống cây trồng khác", ông Khoa chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem