Trồng rau thủy canh kiểu này thích hợp trong đô thị, năng suất cao gấp đôi làm nông truyền thống

Quang Dương Thứ tư, ngày 13/03/2024 16:07 PM (GMT+7)
Với mô hình trồng rau thủy canh theo chiều đứng, cây rau có năng suất cao gấp 1,6 - 2,7 lần so với phương pháp truyền thống.
Bình luận 0

Nhóm nghiên cứu của Đại học Văn Lang (TP.HCM) vừa báo cáo kết quả dự án “Khả năng chống chịu trong nông nghiệp đô thị thông qua hệ thống canh tác theo chiều đứng tự động ở Việt Nam và Vương quốc Anh” do Đại học Middlesex và Trường Đại học Văn Lang phối hợp thực hiện.

Đây là hệ thống trồng rau thủy canh theo chiều đứng, dễ dàng lắp đặt từ các vật liệu được thiết kế sẵn; quy trình canh tác có ứng dụng công nghệ số. Rau được trồng bằng những giá thể trơ, dinh dưỡng trong nước để cung cấp cho rau sử dụng 100% hữu cơ.

Trồng rau thủy canh kiểu này thích hợp trong đô thị, năng suất cao gấp đôi làm nông truyền thống- Ảnh 1.

Mô hình trồng rau thủy canh theo chiều đứng, cho năng suất gấp đôi. Ảnh: Q.D

TS. Vũ Thị Quyền - Trưởng ngành Công nghệ sinh học, Khoa công nghệ ứng dụng (Trường Đại học Văn Lang), Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, mô hình này sử dụng những rác thải sau nhà bếp, phân động vật để chế biến, xử lý để cung cấp dinh dưỡng cho cây.

Theo kết quả đánh giá, hệ thống canh tác theo chiều đứng tự động đạt hiệu quả rất cao về kinh tế cũng như môi trường. Cụ thể, tính theo cùng một đơn vị diện tích, cây rau được canh tác theo chiều đứng tự động có năng suất cao hơn 157% – 269%, cao gấp 1,6 - 2,7 lần so với phương pháp truyền thống.

Đồng thời, cũng có thể trồng được ít nhất 6 vụ/năm so với 3 vụ/năm ở ngoài ruộng. Cùng với đó, hệ thống canh tác theo chiều đứng tự động cũng giúp người dân tiết kiệm nước tưới, phân bón và thuốc trừ sâu.

Về vấn đề môi trường, nhóm nghiên cứu cho biết hệ thống canh tác theo chiều đứng tự động gần như không phát thải carbon và các chất thải khác ra môi trường. Bởi, quy trình canh tác khép kín và khả năng quang hợp của thực vật sẽ giúp không khí được điều hòa, giảm phát thải khí nhà kính.

Trồng rau thủy canh kiểu này thích hợp trong đô thị, năng suất cao gấp đôi làm nông truyền thống- Ảnh 3.

TS. Vũ Thị Quyền tại mô hình thử nghiệm. Ảnh: Q.D

TS. Quyền cho biết, đề tài này nhằm tìm ra phương thức canh tác dễ dàng nhất, cho mọi người cùng áp dụng tại khu vực đô thị, đặc biệt là đô thị đông dân như TP.HCM.

“Ví dụ ở khu vực trung tâm không đủ đất đai để làm vườn, thì người ta có thể làm vườn ở ban công, giếng trời, trên sân thượng. Để làm cái đó thì phải có công nghệ đơn giản nhất, vật liệu sẵn có nhất và dễ áp dụng nhất. Và mô hình này hoàn toàn phù hợp, dễ thực hiện, khả năng thành công cao”, TS. Quyền cho biết.

Thời gian tới, nhóm nghiên cứu định hướng phối hợp với các cơ quan liên quan để phổ biến rộng rãi mô hình này. Đặc biệt là đưa mô hình này, trước tiên là vào các trường học, cơ quan, gia đình.

Được biết TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ diện tích rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc đạt 30 - 40% tổng diện tích gieo trồng rau của thành phố. Riêng diện tích canh tác rau ứng dụng công nghệ cao đạt 1.000 - 1.250ha, chiếm tỷ lệ 40 - 50% tổng diện tích sản xuất rau.

Trồng rau thủy canh kiểu này thích hợp trong đô thị, năng suất cao gấp đôi làm nông truyền thống- Ảnh 4.

Mô hình trồng rau thủy canh theo chiều đứng kỳ vọng là giải pháp cho nhiều hộ gia đình thích làm vườn, nhưng không có nhiều diện tích. Ảnh: Q.D

Theo đó, đến năm 2030, một nửa diện tích sản xuất rau của TP.HCM sẽ chuyển sang mô hình canh tác ứng dụng công nghệ cao. Các mô hình này chủ yếu tập trung tại các huyện, như: Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn.

Như vậy, việc triển khai những mô hình trồng rau thủy canh theo chiều đứng tại khu vực đô thị góp phần cung cấp thêm lượng rau cho người dân thành phố. Đồng thời, đây cũng là giải pháp cho việc phát triển nông nghiệp đô thị, trước thực trạng thu hẹp đất sản xuất nông nghiệp như hiện nay của TP.HCM.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem