Trồng thành công loài nấm mộc nhĩ đen khổng lồ ở Ninh Bình

Thứ tư, ngày 29/01/2020 13:20 PM (GMT+7)
Trung tâm ứng dụng, Thông tin KHCN và Đo lường thử nghiệm (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình) thực hiện mô hình “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình nuôi trồng thử nghiệm giống nấm mộc nhĩ đen (Auricularia polytricha) trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”.
Bình luận 0

Mộc nhĩ là loại nấm được sử dụng nhiều ở nước ta để chế biến các món ăn và làm thuốc. Tuy nhiên, các giống mộc nhĩ mà người dân sử dụng hiện nay là giống nấm mộc nhĩ Auricularia auricula cánh nhung, mỏng, năng suất thấp, khả năng thích ứng kém, dễ bị sâu bệnh.

Từ thực tế trên, Trung tâm ứng dụng, Thông tin KHCN và Đo lường thử nghiệm (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình) thực hiện mô hình “ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình nuôi trồng thử nghiệm giống nấm mộc nhĩ đen (Auricularia polytricha) trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”.

img

Cán bộ Trung tâm KHCN và Đo lường thử nghiệm trao đổi kỹ thuật nuôi trồng nấm mộc nhĩ đen với xã viên HTX nấm Khánh Vân.

Trong 7 tháng qua (từ tháng 6 đến tháng 12/2019), các cán bộ của Trung tâm ứng dụng, Thông tin KHCN và Đo lường thử nghiệm đã tiến hành xây dựng mô hình nuôi trồng thử nghiệm nấm mộc nhĩ đen, quy mô 8.000 bịch tại xã Gia Tường (huyện Nho Quan) và xã Khánh Vân (huyện Yên Khánh), đến nay đã cho kết quả rất tốt.

Ông Bùi Trung Thành, HTX nấm Khánh Vân (huyện Yên Khánh) - cơ sở phối hợp thực hiện mô hình chia sẻ: Chúng tôi có gần 3.000 m2 lán trại và được Trung tâm chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hỗ trợ giống, vật tư… thực hiện mô hình thử nghiệm trồng giống nấm mộc nhĩ đen từ tháng 6 đến tháng 12.

Đến nay, 4.000 bịch nấm mộc nhĩ đen đang cho thu hái, chuyển sang chế biến, bảo quản. Để trồng nấm mộc nhĩ đen có thể sử dụng các loại giá thể như rơm rạ, vỏ lạc, bã mía, thân, lõi ngô, bông phế liệu, nhưng chủ yếu là sử dụng mùn cưa của các loại cây gỗ có nhựa trắng như mít, sung, keo, si, bồ đề, cao su. Không sử dụng các loại mùn cưa của cây có tinh dầu, độc tố.

Tuy nhiên, so với các loại nấm mộc nhĩ khác, mộc nhĩ đen sinh trưởng, phát triển nhanh, do vậy cần lượng dinh dưỡng lớn hơn, cần bổ sung lượng cám ngô, cám gạo nhiều hơn, nếu dùng mùn tạp có thể bổ sung thêm đạm sun phát, superphotphat. Để có được cánh nấm to, dày cần có chế độ tưới phù hợp, nếu thời tiết khô hanh thì tưới ngày 3-4 lần, nếu trời ẩm tưới ngày 2-3 lần đảm bảo độ ẩm trong lán 90%.

Thời gian của mỗi lứa kéo dài hơn, từ 20-25 ngày sẽ cho cánh nấm to, dày. Cần điều chỉnh ánh sáng phù hợp, ánh sáng quá yếu cánh nấm bị mỏng, mọc kém, ánh sáng mạnh hạn chế nấm sinh trưởng.

Nấm mộc nhĩ đen sinh trưởng, phát triển tốt, thời gian ăn kín bịch nhanh, cho năng suất cao từ 90-120 kg/1 tấn nguyên liệu, cao hơn 1,5-2 lần so với giống nấm mộc nhĩ nhung. Nấm mộc nhĩ đen có màu đen sẫm, lớp lông tơ dày, cánh nấm dày, kích thước lớn gấp 3 lần so với nấm mộc nhĩ nhung.

Thạc sỹ Đinh Thị Lan, Chủ nhiệm thực hiện mô hình cho biết: Giống nấm này có dải nhiệt rộng từ 20-30oC nên thời vụ trồng kéo dài, có thể trồng từ tháng 8 dương lịch, thu hoạch vào trước Tết Nguyên đán nên người dân có thể trồng sớm, tận dụng lúc nông nhàn, tận dụng lán trại, giá bán nấm vào thời điểm này từ 120-140 nghìn đồng/1kg nên cho hiệu quả kinh tế cao.

Mộc nhĩ đen rất có ích cho tim mạch: giảm lượng cholesterol, ngăn ngừa sự tích tụ mỡ ở thành động mạch và sự hình thành cục máu do xơ vữa động mạch, chống ôxy hóa, ngăn ngừa đông máu, ức chế sự kết dính tiểu cầu.

Đặc biệt là tỷ lệ sắt và canxi trong mộc nhĩ đen cao gấp 30 - 70 lần trong thịt. Mô hình trồng nấm mộc nhĩ đen cho chất lượng tốt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nên nhu cầu rất lớn, hiện nay lượng cung không đủ cầu. Với kỹ thuật trồng không quá phức tạp, hiện nay Trung tâm ứng dụng, Thông tin khoa học công nghệ và Đo lường thử nghiệm đã làm chủ được quy trình phân lập, nhân giống và nuôi trồng có thể chuyển giao kỹ thuật cho các hộ dân có nhu cầu mở rộng mô hình sản xuất.

Hơn thế nữa, mô hình còn góp phần lưu giữ, bảo tồn nguồn gen quý và nâng cao năng suất, từ đó phát triển nghề trồng nấm tại Ninh Bình và một số tỉnh lân cận.

Trên thực tế, tiềm năng để người dân mở rộng trồng nhiều loại nấm là rất lớn do có nguồn nguyên liệu phong phú, nguồn lao động dồi dào, điều kiện thời tiết thuận lợi có thể trồng quanh năm. Hiện nay, nhiều mô hình sản xuất nấm đem lại hiệu quả kinh tế ở quy mô hộ gia đình, gia trại, trang trại, hợp tác xã, tổ sản xuất, doanh nghiệp.

Sản xuất nấm đang từng bước phát triển theo hướng chuyên nghiệp, quy mô hàng hóa gắn kết đồng bộ khâu sản xuất, sơ chế, bảo quản, tiêu thụ. Mô hình trồng nấm không chỉ tạo việc làm cho người dân, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị gia tăng của lĩnh vực trồng trọt nhờ sử dụng các phế phẩm, phụ phẩm của nông nghiệp.

Nguyễn Minh (Báo Ninh Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem