Từ Hi Thái Hậu từng bị một người "đè đầu cưỡi cổ", đó là ai?

Thứ tư, ngày 16/03/2022 10:31 AM (GMT+7)
Từ Hi Thái Hậu từng bị một người áp chế, sai gì làm đó trong nhiều năm. Nếu người này không chết sớm thì e rằng đã không có một Từ Hi lẫy lừng trong lịch sử Trung Quốc.
Bình luận 0

Trong lịch sử Trung Quốc, người phụ nữ có sức ảnh hưởng lớn đến triều chính ngoài Võ Tắc Thiên thì còn có Từ Hi. Bà được xem là người phụ nữ quyền lực nhất ở thời kỳ cận đại, để lại ấn tượng trong mắt hậu thế là sự độc tài chuyên chính, không ai có thể lấn át nổi.

Thế nhưng ít ai được biết, Từ Hi từng bị một người phụ nữ khác "đè đầu cưỡi cổ", chỉ cần lên tiếng ra lệnh là phải răm rắp nghe theo. Đó chính là Từ An. Mặc dù Từ An không có con trai, nhưng vẫn có thể ngồi lên vị trí Hoàng hậu, thậm chí còn từng chấp quản chính trị và quân sự của nhà Thanh, mang đến cho Từ Hi không ít phiền phức.

Từ Hi Thái Hậu nổi danh độc tài nhưng từng bị một người "đè đầu cưỡi cổ" - Ảnh 1.

Từ Hi thái hậu. Ảnh: Sohu

Nhiều chuyên gia còn cho rằng, nếu Từ An không chết sớm thì Từ Hi sẽ không có cơ hội lên cầm quyền, triều Thanh sẽ không trở nên hủ bại như vậy, mà còn có khả năng phát triển từ trong lẫn ngoài.

Thế thì nguyên nhân gì khiến Từ An có thể áp chế Từ Hi? Bà là người phụ nữ như thế nào?

Từ Hi và Từ An đều là tú nữ được tuyển chọn vào cung cùng một đợt. Mà các cô gái có thể nhập cung thời bấy giờ phải xuất thân từ gia đình quan lại quý tộc. Vậy nên, tố chất của hai người đều vô cùng xuất chúng.

Sau khi nhập cung, Từ Hi được phong làm Quý nhân, 2 năm sau được làm Cung tần, qua 1 năm thì hạ sinh Hoàng tử Tải Thuần (tức Đồng Trị đế). Ngay sau đó, bà được phong làm Phi, rồi lại Quý phi. Trong vòng 5 năm, Từ Hi đã từ Quý nhân trở thành Quý phi, đây cũng được xem là những kỳ tích tấn phong hiếm có của lịch sử.

Thế nhưng Từ An lại còn nhanh hơn thế. Vừa mới vào cung, bà đã được phong làm Cung tần, một tháng sau lên làm Quý phi, qua thêm 5 tháng nữa lại trở thành Hoàng hậu. Cả quá trình ngồi lên ghế Mẫu nghi thiên hạ của Từ An chỉ vỏn vẹn 6 tháng, tạo nên sự khác biệt thấy rõ so với Từ Hi.

Bên cạnh đó, Từ An không hề sinh được Hoàng tử nhưng vẫn giữ vững được ngôi vị Hoàng hậu của mình. Có thể nói, thủ đoạn của bà không hề tầm thường một chút nào.

Về sau, Từ Hi và Từ An cùng trở thành Thái hậu, nhưng Từ An là Đông Thái hậu (ở Đông cung), Từ Hi là Tây Thái hậu (ở Tây cung). Nghe cái tên cũng đủ hiểu hai người phụ nữ này nằm ở hai thái cực khác nhau, nhưng địa vị lại bình đẳng. Tuy nhiên, trên thực tế, Đông Thái hậu lại nắm giữ quyền lực cao hơn Tây Thái hậu một chút.

Trong hậu cung, vì quyền cao chức trọng hơn Từ Hi nên Từ An có thể áp chế bà, nhưng quan hệ giữa hai người vẫn ổn định. Điều này quả là chuyện cực kỳ hiếm thấy trong lịch sử.

Trong "Thanh cung sước văn" có ghi chép: "Đức hạnh của Từ An đều vượt trội Từ Hi về mọi mặt, tài năng chính trị cũng xuất sắc đến kinh người". Theo đó, Từ An có quyền quyết định những việc trọng đại của triều chính.

Thế nhưng học thức văn chương của Từ Hi lại hơn hẳn Từ An, cộng thêm dã tâm quyền lực cực lớn, nên bà được quyền xử lý những chuyện nhỏ hơn phát sinh trong hậu cung hằng ngày và một vài vấn đề triều chính nhỏ lẻ.

Từ đó có thể thấy rõ quan hệ trên dưới giữa hai người phụ nữ này. Từ An có quyền sắp xếp và sai bảo Từ Hi làm mọi việc, đồng thời gặp phải chuyện gì cũng phải báo lên để lấy ý kiến, không được tự ý quyết định.

Theo thông thường, người có dã tâm như Từ Hi sẽ không thể cam tâm chịu nép mình dưới quyền thế của Từ An, thế nhưng hai người thật sự đã cùng duy trì mối quan hệ hòa hảo hơn mười mấy năm, thậm chí còn cùng tiến cùng lùi.

Sau khi Tải Thuần lên ngôi, Từ Hi đương nhiên trở thành Thái hậu cao cao tại thượng, chấp quản triều chính, nhưng chung quy vẫn còn bị Từ An áp chế phía sau.

Khi Tải Thuần đến tuổi kết hôn, Từ Hi muốn chọn Phú Sát thị cho con trai, nhưng Từ An lại xem trọng A Lỗ Đặc thị hơn.

Cuối cùng, Tải Thuần đã chọn A Lỗ Đặc thị và việc này cứ như cú vả thật đau vào mặt Từ Hi vì con trai thân sinh của mình lại nghe theo lời người khác. Tức tối là vậy, nhưng Từ Hi cũng không thể làm gì được.

Một cú vả đau đớn thứ hai đến từ phía người con trai Tải Thuần dành cho Từ Hi là ông đã cấu kết với Từ An để giết chết thân tín của mẹ là thái giám An Đức Hải. Đến khi biết tin người thân cận của mình đã chết thì mọi chuyện đã muộn màng, Từ Hi chỉ đành câm nín chịu đựng.

Có thể vì những chuyện này, Từ Hi đã bắt đầu sinh lòng bất cam, không thể cứ mãi bị Từ An "đè đầu cưỡi cổ".

Sử sách có ghi, năm Quang Tự thứ 7 (năm 1881), Từ Hi đổ bệnh nên không thể chỉnh lý chính sự. Thế là quyền chấp quản triều chính lại rơi vào tay Từ An. Nhưng đến tháng 4/1881, Từ An đột nhiên bạo bệnh rồi qua đời, để lại nhiều sự hoài nghi cho quan thần.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Từ An đã bị Từ Hi bức chết hoặc hạ độc, nếu không thì một người đang khỏe mạnh không thể chết một cách bất đắc kỳ tử như vậy.

Nói tóm lại, sự tồn tại của Từ An là mối đe dọa của Từ Hi, là cái gai trong mắt trong nhiều năm của vị Thái hậu lẫy lừng của triều Mãn Thanh.

PV (Theo Pháp luật và Bạn đọc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem