Tuyên Quang: Giáo viên hợp đồng gửi tâm thư mong muốn được tuyển dụng đặc cách

Quang Minh - Văn Hoàng Thứ sáu, ngày 18/08/2023 08:52 AM (GMT+7)
Nhiều giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang bày tỏ mong muốn tỉnh này xem xét để họ được xét tuyển đặc cách, theo đúng tinh thần trong Công văn 5378 của Bộ Nội Vụ.
Bình luận 0

Báo điện tử Dân Việt nhận được kiến nghị của nhiều giáo viên mầm non liên quan đến kỳ thi xét tuyển công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Giáo viên có thâm niên gần 20 năm đứng trước nguy cơ mất việc

Cụ thể, bà N.T.L.T (ở huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) kể rằng, bản thân bà có 19 năm công tác, giảng dạy tại một trường mầm non ở huyện Yên Sơn. Sau khi ký hợp đồng, từ năm 2004 đến nay, bà luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tâm huyết với nghề, đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ theo quy định.

Đặc biệt, đến các kỳ nâng lương thường xuyên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Yên Sơn đều ban hành quyết định nâng lương thường xuyên đối với bà N.T.L.T, ghi rõ là đối với giáo viên hợp đồng trong biên chế.

Tuyên Quang: Giáo viên hợp đồng gửi “tâm thư” mong muốn được tuyển dụng đặc cách - Ảnh 1.

Đơn của giáo viên mầm non gửi tới Báo điện tử Dân Việt.

Năm 2019, Bộ Nội Vụ có công văn số 5378 gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong công văn nêu rõ, Bộ này đồng ý chủ trương cho phép các địa phương thực hiện xét đặc cách đối với các giáo viên đã có hợp đồng và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước, trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí tuyển dụng.

"Như vậy, bản thân tôi thấy rằng, tôi thuộc diện được xét đặc cách theo tinh thần trong công văn của Bộ Nội Vụ. Chúng tôi mong muốn tỉnh Tuyên Quang xem xét đối với các trường hợp là giáo viên đã ký hợp đồng dài hạn theo Quyết định số 60 ngày 26/10/2011, chuyển từ hình thức xét tuyển sang đặc cách để mọi người yên tâm công tác", bà T. bộc bạch.

Theo bà T., trên địa bàn huyện Yên Sơn có rất nhiều giáo viên cũng ký hợp đồng dài hạn theo Quyết định số 60 ngày 26/10/2011. Phần lớn họ đều có thâm niên ít nhất từ 8 năm đến 20 năm. Tuy nhiên, hiện nay, họ đang gặp khó khăn khi tham dự kỳ thi theo hình thức xét tuyển.

Bà Đ.T.H (ở huyện Yên Sơn) cho hay, bản thân bà cũng có thâm liên hơn chục năm trong nghề giảng dạy. Theo bà H., hiện nay, tỉnh Tuyên Quang đã có điều chỉnh từ phương thức thi tuyển sang xét tuyển viên chức, tuy nhiên, bản thân bà cũng như các giáo viên khác khi tham dự kỳ thi này vẫn phải trải qua 2 vòng, vòng 1 kiểm tra hồ sơ, các điều kiện dự tuyển; vòng 2 phỏng vấn để kiểm tra kiến thức, kỹ năng hoạt động nghề nghiệp người dự tuyển.

"Cái khó ở đây là chúng tôi vẫn phải trải qua vòng phỏng vấn. Trường hợp, nếu như không trúng tuyển, chúng tôi phải trở lại theo dạng hợp đồng 1 năm một. Thậm chí, khi các trường mầm non họ tuyển đủ chỉ tiêu biên chế, chúng tôi đứng trước nguy cơ mất việc hoặc phải đi giảng dạy ở một nơi khác, cách nhà mấy chục km", bà H., chia sẻ và mong muốn các cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang xem xét đối với các trường hợp thuộc diện đã ký hợp đồng dài hạn theo Quyết định số 60 ngày 26/10/2011.

Tuyên Quang: Giáo viên hợp đồng gửi “tâm thư” mong muốn được tuyển dụng đặc cách - Ảnh 2.

Trụ sở sở Nội Vụ tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Văn Hoàng.

Bà Lê Thị T. (ở TP. Tuyên Quang) cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 1.000 trường hợp giáo viên mầm non ký hợp đồng theo Quyết định số 60 ngày 26/10/2011. Đây là dạng hợp đồng không xác định thời hạn, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, hưởng các chế độ chính sách tiền lương tương đương ngạch viên chức.

"Bản thân tôi cũng công tác trong ngành 20 năm nay, vì vậy, chúng tôi rất mong muốn tỉnh xem xét nguyện vọng của các giáo viên, xét tuyển đặc cách cho chúng tôi để mọi người yên tâm, ổn định đời sống", bà T. nói.

Tuyên Quang đã xét đặc cách 288 trường hợp

Bà Hoàng Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang cho hay, trong các kỳ tiếp xúc cử tri chuyên đề về giáo dục, đơn vị đã nhận được kiến nghị của các giáo viên về nội dung nêu trên.

"Về cơ bản, đối các cấp học mầm non, chúng tôi không phải là đơn vị tuyển dụng, tuy nhiên, khi nhận được kiến nghị như vậy, đơn vị đã báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang. Đơn vị tuyển trực tiếp là ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan tham mưu là Sở Nội Vụ, chúng tôi chỉ tập trung lo về mặt chuyên môn. Chúng tôi cũng rất mong muốn những cô giáo đủ điều kiện sẽ được xét đặc cách, tuy nhiên, tất cả phải căn cứ trên quy định", bà Hiền nói.

Trong khi đó, trao đổi với Dân Việt, ông Vũ Ngọc Khánh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Tuyên Quang cho biết, liên quan tới công tác tuyển dụng viên chức, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, tổ chức nhiều hội nghị rõ ràng, công khai thông tin.

Năm 2019, khi nhận được công văn số 5378 của Bộ Nội Vụ, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện thông báo công khai, xét tuyển đặc cách theo đúng quy định. Và đến năm 2020, tỉnh đã thực hiện xét đặc cách 288 người trúng tuyển.

"Thời điểm đó dịch Covid-19 đang bùng phát rất mạnh nhưng anh em ở sở làm ngày làm đêm để thực hiện nội dung này và đã báo cáo UBND tỉnh ban hành các kế hoạch xét tuyển đặc cách đối với giáo viên theo đúng các tiêu chí trong công văn 5378 của Bộ Nội Vụ.

Tuyên Quang: Giáo viên hợp đồng gửi “tâm thư” mong muốn được tuyển dụng đặc cách - Ảnh 3.

Ông Vũ Ngọc Khánh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Quang Minh.

Sau khi thực hiện việc xét tuyển đặc cách xong còn chỉ tiêu biên chế biên chế, tỉnh đã tiếp tục thực hiện việc thi tuyển viên chức từ năm 2020 tới nay, theo đúng Luật công chức viên chức, các nghị định, văn bản hướng dẫn", ông Khánh nói.

Về các kiến nghị của giáo viên mầm non, theo ông Khánh, các giáo viên ký hợp đồng dài hạn theo Quyết định số 60 ngày 26/10/2011 không nằm trong chỉ tiêu biên chế được các cấp thẩm quyền giao cho tỉnh Tuyên Quang. Do vậy, giáo viên ký theo hợp đồng này không thuộc đối tượng xét tuyển đặc cách theo công văn số 5378 của Bộ Nội Vụ.

"Đối với đơn kiến nghị của các giáo viên, hiện đã có văn bản chuyển đơn về tỉnh Tuyên Quang, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã có quyết định giao cho Sở Nội Vụ xây dựng kế hoạch và thành lập tổ xác minh đơn. Chúng tôi sẽ xác minh, làm rõ các kiến nghị, sau đó báo cáo các cấp có thẩm quyền", ông Khánh thông tin.

Về việc thay đổi hình thức từ thi tuyển sang xét tuyển, ông Khánh nói: "Trong kỳ tiếp xúc cử tri của Hội đồng nhân dân tỉnh, có rất nhiều giáo viên mầm non đã đề nghị chuyển hình thức thi tuyển sang xét tuyển. Vì vậy tỉnh đã có văn bản xin ý kiến của Bộ Nội Vụ, sau đó tỉnh Tuyên Quang đã có quyết định điều chỉnh phương thức từ thi tuyển, sang xét tuyển theo quy định của pháp luật".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem