Tuyển sinh đại học 2024: Các trường cảnh báo phương thức xét tuyển sớm

Tào Nga Thứ năm, ngày 14/03/2024 06:30 AM (GMT+7)
"Các bạn học sinh nên nghiên cứu kỹ về các trường đại học và nghiên cứu kỹ về ngành nghề mình sẽ lựa chọn, nhất là cơ hội việc làm, cơ hội thu nhập, thăng tiến của các ngành và sau đó là lập kế hoạch cho tương lai để mình lựa chọn", chuyên gia tư vấn nói về phương thức xét tuyển sớm.
Bình luận 0

Hàng loạt các trường thông báo xét tuyển sớm

Đến thời điểm hiện tại, hơn 100 trường đại học đã công bố thông tin tuyển sinh năm 2024 với thông báo thời gian và điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển sớm. Trong số đó, nhiều trường đại học có tiếng trên cả nước cũng áp dụng phương thức này như Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tài chính...

Rất nhiều thí sinh lựa chọn hình thức xét tuyển sớm để giảm áp lực, tăng cơ hội trúng tuyển, hưởng ưu đãi nhập học, đồng thời là cơ hội để cơ sở đào tạo tuyển được những sinh viên có chất lượng, phù hợp với ngành nghề đào tạo. 

Xét tuyển sớm là thí sinh tham gia xét tuyển đại học bằng các phương thức như học bạ, điểm kỳ thi đánh giá năng lực, tuyển sinh riêng, chứng chỉ ngoại ngữ, các hình thức ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng… không bao gồm phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh sẽ nộp hồ sơ sớm theo quy định của từng trường và trường cũng có quyền công bố kết quả xét tuyển sớm nhưng kết quả này chỉ là tạm thời. Kết quả chỉ được công nhận chính thức sau khi thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và đăng ký trên cổng tuyển sinh của Bộ GDĐT.

Tuyển sinh đại học 2024: Các trường cảnh báo phương thức xét tuyển sớm- Ảnh 1.

Phụ huynh và học sinh đăng ký xét tuyển sớm tại TP.HCM. Ảnh: Phạm Xuân Dương

Theo các chuyên gia, xét tuyển sớm là phương thức mở, mang lại nhiều lợi thế trong tuyển sinh. Trong đó, có 2 phương thức được các trường sử dụng nhiều mặc dù gây tranh cãi không ít là phương thức xét học bạ và xét chứng chỉ ngoại ngữ. 

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho hay: "Năm nay, Học viện có 2 đượt xét tuyển sớm bằng kết quả học tập THPT. Đợt 1 xét tuyển bằng kết quả học tập năm lớp 11 và nhận hồ sơ xét tuyển trong tháng 3, tháng 4 và đầu tháng 5. Trả kết quả xét tuyển sớm cho thí sinh vào giữa tháng 5. Đợt 2, Học viện xét tuyển bằng kết quả học tập năm lớp 12 và nhận hồ sơ xét tuyển từ 15/5 đến 20/6 và trả kết quả xét tuyển cuối tháng 6. 

Việc nhận hồ sơ xét tuyển sớm sẽ giúp thí sinh khá giỏi yêu thích Học viện, yêu thích ngành đào tạo có thể biết kết quả xét tuyển sớm, giảm áp lực trong thi cử. Còn đối với Học viện, có thể giúp thí sinh quan tâm được biết nhiều hơn thông tin về tuyển sinh, thông tin về ngành nghề, định hướng nghề nghiệp tương lai. Các em có nhiều cơ hội nhận học bổng du học nước ngoài, học bổng tài năng, Tôi yêu HVN... Học viện đã dành 1.760 suất học bổng chào đón tân sinh viên khóa 69 với tổng giá trị 28,8 tỷ đồng. Thí sinh xét tuyển sớm còn được tham gia vào các khóa học kỹ năng mềm miễn phí và trải nghiệm thực tế môi trường học tập tại Học viện. Qua việc xét tuyển sớm Học viện cũng có thể biết được nhu cầu của người học đối với các ngành nghề đào tạo đang có".

Phương thức xét học bạ đang được nhiều trường áp dụng với đa dạng các điều kiện và kéo dài thời gian để học sinh lựa chọn. Trường Đại học Công nghệ TP.HCM cho hay, trường có 8 đợt xét tuyển, kéo dài đến giữa tháng 9. 

Học viện Ngân hàng đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024. Theo đó, năm nay, trường dự kiến dành 20% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng kết quả học tập bậc THPT. Để nộp hồ sơ xét tuyển bằng phương thức này, thí sinh phải đảm bảo yêu cầu có học lực Giỏi năm lớp 12 và có điểm trung bình cộng 3 năm học (năm học lớp 10, lớp 11 và lớp 12) của từng môn học thuộc tổ hợp của ngành đăng ký xét tuyển đạt từ 8 điểm trở lên. Học viện Tài chính năm nay cũng dành chỉ tiêu xét tuyển học sinh giỏi dựa vào kết quả học tập bậc THPT.

Xét tuyển sớm bằng phương thức xét chứng chỉ ngoại ngữ cũng đang trở thành xu hướng những năm gần đây. PGS. TS. Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương cho biết, năm nay trường dự kiến xét tuyển 4.130 chỉ tiêu cho cả Trụ sở chính Hà Nội và các cơ sở trực thuộc. Có 5 phương thức xét tuyển, trong đó phương thức 2 xét tuyển kết hợp giữa Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập THPT/chứng chỉ năng lực quốc tế dành cho thí sinh hệ chuyên, hệ không chuyên của các trường THPT. Thí sinh phải có tổng điểm các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của một trong các tổ hợp môn xét tuyển của trường (bao gồm cả điểm ưu tiên khu vực và đối tượng) đạt từ 24,0 điểm trở lên; Có điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 đạt từ 8,0 trở lên và có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELTS từ 6.5 trở lên.

Cẩn trọng khi đăng ký xét tuyển sớm, nhất là học sinh vùng nông thôn

Mặc dù có nhiều lợi thế, tuy nhiên, các chuyên gia tuyển sinh cũng cảnh báo thí sinh cần cẩn trọng khi đăng ký tham gia dự tuyển sớm ngay cả khi đã được công bố trúng tuyển. 

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, để đảm bảo cho quyền lợi của thí sinh thì các em cần lưu ý nắm vững thông tin tuyển sinh của trường. Nếu còn gì thắc mắc hãy gọi cho bộ phận tư vấn để nhận giải đáp, hỗ trợ; Mạnh dạn tìm hiểu, đăng ký tham gia các gói học bổng để hỗ trợ học tập. Ngoài ra, các em tìm hiểu về các thông tin điều kiện, môi trường học tập và các hoạt động hỗ trợ sinh viên. Cuối cùng là các em cần nắm vững quy trình tuyển sinh của Bộ và luôn nhớ cần đăng ký xét tuyển các nguyện vọng đã xét tuyển sớm và các nguyện vọng chưa xét tuyển vào Học viện trên hệ thống xét tuyển của Bộ GDĐT.

Không hiểu rõ thực chất của việc xét tuyển bằng học bạ sớm, nhiều thí sinh nảy sinh tâm lý chủ quan, vì nghĩ mình đã đỗ đại học nên không tiếp tục cố gắng học dẫn đến kết quả thi tốt nghiệp THPT không tốt, thậm chí trượt và đó là một cái bẫy.

Tuyển sinh đại học 2024: Các trường cảnh báo phương thức xét tuyển sớm- Ảnh 2.

Thí sinh cần lưu ý để tránh trượt oan, chọn sai với phương thức xét tuyển sớm. Ảnh minh họa: Tào Nga

Theo TS.Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM khuyến cáo: "Thí sinh không nên quá quan tâm đến việc xét tuyển sớm, bởi quan trọng nhất vẫn phải vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT, thậm chí là phải có kết quả tốt để có thêm cơ hội lựa chọn. Việc trúng tuyển sớm cũng không mang nhiều ý nghĩa bởi theo khảo sát, có nhiều thí sinh cùng lúc xét tuyển nhiều trường và cũng có thí sinh xét tuyển nhiều đợt dẫn đến trúng tuyển một lúc nhiều lần, mang tâm lý phân vân".

Đặc biệt là học sinh vùng nông thôn, phương thức xét tuyển sớm cần được tư vấn kỹ càng để chọn đúng ngành, đúng trường.  Ths Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công thương TP.HCM: "Các bạn học sinh nên nghiên cứu kỹ về các trường đại học và nghiên cứu kỹ về ngành nghề mình sẽ lựa chọn, nhất là cơ hội việc làm, cơ hội thu nhập, thăng tiến của các ngành và sau đó là lập kế hoạch cho tương lai để mình lựa chọn.

Sau khi lựa chọn xong phải xin ý kiến của những người thân, người bạn và nhất là cha mẹ để xem có gì sai sót không, Có phù hợp với điều kiện gia đình mình và xã hội không; Nếu như mình có sai lầm thì có chọn lựa lại được không?... Rồi mới bắt đầu nộp hồ sơ xét tuyển sớm.

Đặc biệt, với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì ngoài những ý trên cần quan tâm đến điều kiện gia đình mình và đầu vào, đầu ra ngoại ngữ để có lộ trình học tập phù hợp. Đại học là phải tự học nên các em phải cố gắng nhiều mới có thể hoàn thành được việc học tiếng Anh, vốn dĩ là hạn chế của học sinh nông thôn so với các bạn ở thành phố".

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, chuyên gia tư vấn tuyển sinh, nêu quan điểm: "Phương thức xét tuyển sớm thực chất là "chiêu bài" giành giật thí sinh của các trường đại học. Phương thức này bộc lộ rõ một số điểm tiêu cực như khiến tỉ lệ thí sinh ảo tăng lên đáng kể. Hiện nay, chúng ta chưa có phần quản lý chung cho các trường xét tuyển sớm mà chỉ có hệ thống đăng ký xét tuyển của Bộ GDĐT vào tháng 7. Do vậy, một thí sinh có thể đăng ký xét tuyển tới 10 nguyện vọng vì tâm lý "đứng núi này trông núi nọ" nhưng thực tế cuối cùng chỉ đỗ 1 trường duy nhất.

Hàng năm, những thí sinh nhập học bằng phương thức xét tuyển sớm chỉ chiếm 15-25%. Điều này đã dẫn đến vấn đề các trường không lường được bao nhiêu thí sinh sẽ nhập học nên phải gọi tăng lên 150-200% chỉ tiêu khiến đa số các trường bị vượt chỉ tiêu. Bên cạnh đó, nhiều trường còn tìm mọi cách ràng buộc thí sinh không cho sang trường khác. Do vậy, tôi không đồng tình phương thức xét tuyển sớm này".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem