Tuyển sinh không phân giới hành chính: Có ngăn được nạn "chạy" chỗ học?

Mỹ Quỳnh Thứ sáu, ngày 14/04/2023 16:23 PM (GMT+7)
Xác định chính xác nơi cư trú là việc làm quan trọng để bố trí nơi học cho học sinh, tránh tình trạng "chạy" đến khu vực có trường tốt, trường hot để đăng ký tạm trú.
Bình luận 0

TP.HCM luôn là địa phương tiên phong trong việc đổi mới và cải cách giáo dục. Năm học 2023-2024, thành phố triển khai nhiều điểm mới trong tuyển sinh đầu cấp để đảm bảo đủ chỗ học, công bằng và thuận tiện cho học sinh.

Trong đó, việc thí điểm sử dụng bản đồ GIS để tuyển sinh đầu cấp được kỳ vọng là phương pháp mới nhằm xác định địa điểm và vị trí của học sinh, từ đó xác định được trường học gần nhất để bố trí cho học sinh theo học...

Tuyển sinh không phân giới hành chính: Có ngăn được nạn "chạy" chỗ học? - Ảnh 1.

Nhiều học sinh dù nhà gần trường nhưng khác phường nên phải đi học xa. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Hết "ấm ức" vì gần trường nhưng phải đi học xa vì khác phường

Theo chia sẻ của các địa phương đang triển khai thí điểm tuyển sinh đầu cấp bằng bản đồ GIS, ưu điểm của GIS là học sinh sẽ được sắp xếp học ở cơ sở giáo dục gần nhất nơi đang cư trú. Điều này hạn chế được những "ấm ức" mà rất nhiều phụ huynh, học sinh gặp phải khi khác phường, trái tuyến thì không được sắp xếp vào học, dù nhà ở rất gần trường.

Trao đổi với Dân Việt, ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GDĐT quận 8 cho biết, với GIS, phụ huynh sẽ thuận tiện hơn khi con được bố trí học gần nhà, giảm bớt tình trạng kẹt xe và giảm bớt các thủ tục hành chính.

Ông Dân nói thêm, nếu theo cách làm cũ, nhiều học sinh ở khu vực liên phường, khu vực giáp ranh phường... phải đi học xa mới đúng tuyến. Kể cả các em này có nhà ở ngay sát trường, nhưng nếu khác phường thì cũng không được vào học, điều này gây nhiều khó khăn cho phụ huynh.

Do đó, ông Dân cho rằng, việc triển khai tuyển sinh đầu cấp không theo địa giới hành chính là thay đổi mạnh mẽ, không chỉ giúp phụ huynh thuận tiện mà địa phương cũng bớt căng thẳng vào các mùa tuyển sinh.

Tuyển sinh không phân giới hành chính: Có ngăn được nạn "chạy" chỗ học? - Ảnh 3.

Năm đầu tiên TP.HCM triển khai thí điểm tuyển sinh đầu cấp theo bản đồ GIS. Ảnh: MQ

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng phòng GDĐT TP.Thủ Đức nhận định, việc tuyển sinh đầu cấp theo bản đồ GIS cơ bản dựa trên cách làm cũ nhưng linh hoạt hơn; học sinh ở các khu vực giáp ranh phường được tính toán để phân tuyến phù hợp chứ không cứng nhắc phải theo tuyến cố định như trước. Dựa vào GIS, Phòng GDĐT TP.Thủ Đức cũng tính toán kỹ lưỡng, bố trí cho học sinh được học ở gần nhà nhất có thể.

"Dựa trên khoảng cách từ nhà học sinh đến trường làm sao cho hài hòa, gần nhất có thể, tuy nhiên, chúng ta vẫn phải dựa trên quản lý địa bàn khu dân cư của từng phường để bố trí, sắp xếp chỗ học và quan trọng nhất đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh. GIS tính được khoảng cách từ nhà học sinh đến trường để phụ huynh nắm được và cân nhắc có đưa đón được hay không", ông Nguyên nói.

GIS có hạn chế được vấn nạn "chạy" chỗ học?

Về tiến độ thực hiện, ông Dương Văn Dân cho biết, danh sách học sinh mầm non vào lớp 1 và danh sách học sinh lớp 5 lên lớp 6 đã được Phòng GDĐT cập nhật, rà soát. Sau khi có dữ liệu, Phòng GDĐT quận 8 sẽ căn cứ vào sức chứa của trường, đưa lên phần mềm để tính toán chỗ học thuận lợi nhất cho học sinh.

Tuyển sinh không phân giới hành chính: Có ngăn được nạn "chạy" chỗ học? - Ảnh 5.

Tuyển sinh đầu cấp dựa trên khoảng cách địa lý để học sinh được đi học gần nhà nhất có thể. Ảnh: MQ

Về khó khăn khi triển khai thực hiện, ông Dân cho biết, một số trường tốt nhận được sự quan tâm, mong muốn cho con vào học từ phụ huynh. Do đó, quận phải tính toán, phối hợp kỹ với chính quyền địa phương, đảm bảo xác thực được trường hợp học sinh có nơi cư trú thực tế chứ không phải là mượn địa điểm để "chạy" chỗ học. Tuy nhiên, ông Dân cũng thừa nhận, sẽ khó tránh khỏi những việc tiêu cực này, dù quận đã thực hiện rất tốt việc xác minh trong nhiều năm qua.

Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên đánh giá, khó khăn nhất trong việc triển khai thực hiện tuyển sinh đầu cấp bằng GIS là công tác điều tra, xác minh, nhập dữ liệu phải đảm bảo chính xác. Trong quá trình thực hiện, nhiều phụ huynh cung cấp không đúng số điện thoại; hoặc cung cấp số không phải của cha, mẹ, người bảo hộ... dẫn đến những thông báo về tuyển sinh, về phân tuyến không đến kịp thời, đầy đủ với phụ huynh. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền để người dân hiểu hình thức đăng ký sử dụng; khoảng cách di chuyển đến trường sao cho phù hợp... cũng là vấn đề mà TP.Thủ Đức chú trọng.

Tại quận Tân Bình, ông Trần Khắc Huy, Trưởng Phòng GDĐT cho rằng, việc triển khai tuyển sinh theo GIS có thể phát sinh tình huống như cư trú ảo, mượn chỗ cư trú để vào trường tốt... Việc xác định nơi cư trú thực tế là trách nhiệm của địa phương, địa bàn nào xảy ra việc tăng đột biến cư trú thì phải chịu trách nhiệm xác minh.

Một vấn đề quan trọng khác theo ông Huy nhận định, là việc triển khai tuyển sinh theo phương thức mới phải có sự đồng thuận, nhận thức đúng của phụ huynh. Do đó, phòng phối hợp với UBND 15 phường đẩy mạnh tuyên truyền cho phụ huynh hiểu rõ chủ trương mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem