dd/mm/yyyy

Vì sao người dân Sơn La chưa mặn mà với gạch không nung ?

Mặc dù có nhiều ưu điểm vượt trội hơn hẳn so với gạch đất nung, thế nhưng gạch không nung vẫn chưa chiếm được “cảm tình” của người dân Sơn La ?

Đến thăm nhà máy sản xuất gạch không nung của Công ty Cổ phần Xi măng Mai Sơn (xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) chúng tôi được “mục sở thị” dây chuyền sản xuất khá hiện đại.

 Người dân Sơn La chưa mặn mà với việc sử dụng gạch không nung.

Chỉ vào những viên gạch phẳng phiu, vuông vắn, được xếp thành kiêu san sát bên bãi tập kết, ông Bùi Ngọc Hải – Trưởng phòng Kế hoạch (Công ty CP xi măng Mai Sơn, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), thở dài: “Gạch không nung hay còn gọi là gạch block, không chỉ có mẫu mã đẹp mà chất lượng hơn hẳn gạch đất nung. Tuy nhiên, loại gạch này lại chưa được người dân trong tỉnh sử dụng phổ biến trong xây dựng nhà cửa. Công ty đã đầu tư hàng tỷ đồng lắp đặt dây chuyền sản xuất hiện đại, với công suất tối đa lên đến 40 triệu viên/năm, nhưng cũng chỉ hoạt đồng cầm chừng vì khó ở khâu tiêu thụ”.

 Gạch không nung có nhiều tính năng vượt trội so với gạch nung.

Theo ông Hải, gạch không nung của Công ty CP Xi măng Mai Sơn sử dụng cốt liệu chủ yếu là xi măng và mạt đá. Quy trình sản xuất khá đơn giản, gồm 3 bước: cấp nguyên liệu, trộn nguyên liệu và tạo hình. Sau khi nguyên liệu đá mạt, nước và xi măng được đưa vào máy trộn ngấu đều theo thời gian, sẽ được tự động đưa vào hệ nạp liệu xuống khuôn ép nhờ hệ thống băng tải. Nhờ vào hệ thống thủy lực, máy hoạt động theo cơ chế ép kết hợp với rung tạo ra lực rung ép rất lớn để hình thành lên các viên gạch không nung đồng đều, đạt chất lượng cao và ổn định.

Tìm hiểu được biết, Công ty CP Xi măng Mai Sơn hiện đang sản xuất 4 loại gạch không nung, đó là: Gạch đặc loại to chuyên dùng để xây dựng thủy điện; Gạch block thông thường, kích cỡ 150x200x100; Gạch block tiêu chuẩn loại 2 lỗ và loại đặc, kích thước: 200x100x60. Công ty có thể sản xuất gạch không nung với nhiều kích thước khác nhau theo ý muốn của khách hàng.

 Gạch không nung chủ yếu sử dụng cốt liệu là đá mạt và xi măng.

Khác với gạch nung sử dụng nguyên liệu chủ yếu là đất sét, than, củi gây ô nhiễm môi trường, thu hẹp đất sản xuất nông nghiệp của người dân... gạch không nung lại tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên như đá, xi măng...

Trò chuyện với chúng tôi, khi nhắc đến gạch đất nung, ông Quách Hữu Toàn – Phó Giám đốc Công ty CP Xi măng Mai Sơn, tỏ ra lo ngại: “Trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện có gần chục nhà máy sản xuất gạch nung. Sự phát triển của các nhà máy sản xuất gạch nung cũng đồng nghĩa với diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân bị thu hẹp. Kèm theo đó là việc sử dụng than, củi để nung đỏ viên gạch cũng gây ra không ít hệ lụy như khói, bụi... ảnh hưởng đến môi trường sống”.

“Thực tế cho thấy, xu hướng sử dụng gạch không nung phát triển mạnh ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước. Nhiều công trình lớn, tòa nhà cao tầng được xây dựng từ gạch không nung. Trên địa bàn tỉnh Sơn La cũng đã có không ít công trình xây dựng của nhà nước và doanh nghiệp sử dụng gạch không nung” – ông Hải cho hay.

 Sử dụng gạch không nung góp phần bảo vệ môi trường.

Không chỉ đẹp về mẫu mã mà chất lượng, độ bền của gạch không nung cũng hơn hẳn gạch nung. So sánh về mặt kinh tế thì giá bán gạch không nung cũng “mềm” hơn so với gạch nung từ 10 -15%. Có nhiều ưu điểm vượt trội cả về mặt kinh tế lẫn mặt xã hội song gạch không nung vẫn chưa thu hút được sự quan tâm sử dụng của đông đảo người dân Sơn La.

Lý giải vấn đề này, ông Hải cho rằng: Phần vì người dân chưa hiểu rõ ích lợi từ việc sử dụng gạch không nung, phần vì người dân đã quen với gạch nung từ nhiều năm nay. Thêm vào đó là họ vẫn chưa tin tưởng vào chất lượng, độ bền của gạch không nung nên không dám mua về xây dựng nhà cửa. Một số hộ dân trong tỉnh chủ yếu sử dụng gạch không nung vào xây tường rào, công trình phụ.

Thanh Ngân