Vietjet báo lãi 100 tỷ đồng năm 2021, bất chấp ảnh hưởng của Covid-19

Châu Dương Chủ nhật, ngày 03/04/2022 18:33 PM (GMT+7)
Báo cáo kết quả kinh doanh quý IV-2021 của Công ty Cổ phần hàng không Vietjet (HoSE: VJC) cho biết năm 2021, Vietjet đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất 100 tỉ đồng, có lãi và tăng hơn so với năm 2020.
Bình luận 0

Tại Việt Nam, từ quý 4 năm 2021, đến quý 1 năm 2022, ngành hàng không ghi nhận những chuyển biến tích cực nhờ vào chương trình tiêm chủng được triển khai rộng rãi trên toàn quốc, cùng với các quy định phòng, chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt, đảm bảo khai thác an toàn, bảo vệ sức khoẻ cho hành khách và phi hành đoàn.

Đặc biệt, ngày 15/3/2022, Việt Nam chính thức mở cửa đón khách quốc tế, đây là dấu hiệu cho thấy ngành hàng không đang thực sự trở lại.

Trong quý IV-2021, doanh thu từ vận tải hành không của Vietjet đạt 2.789 tỉ đồng, giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính chung cả năm 2021, Vietjet đạt doanh thu hợp nhất là 12.998 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 100 tỉ đồng, tăng 46% so với năm 2020.

Tính đến ngày 31/12/2021, tổng tài sản của Vietjet đạt gần 51.785 tỉ đồng, chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu chỉ 0.91 lần và chỉ số thanh khoản 1.63 lần, nằm ở mức tốt trong ngành hàng không.

Năm 2021, Vietjet đã thực hiện gần 42.000 chuyến bay và vận chuyển trên 5,4 triệu lượt khách trên toàn mạng bay. Đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa, Vietjet đạt doanh thu 2.954 tỉ đồng, tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng nhanh, với doanh thu tăng trưởng về hàng hóa tăng trên 200% so với cùng kỳ.

img

Vietjet báo lãi 100 tỷ đồng năm 2021, bất chấp ảnh hưởng của Covid-19.

Trong năm, Vietjet tiếp tục tối ưu chi phí hoạt động theo giờ bay, giảm phí thuê tàu, đồng thời nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ cho ngành hàng không, giảm 50% chi phí hạ cất cánh, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường nhiên liệu bay đến hết năm 2022, giảm chi phí cảng và phục vụ mặt đất, các hãng chỉ trả theo mức tối thiểu.

Tháng 12/2021, Vietjet đã đón tàu bay thân rộng Airbus A330-300 đầu tiên, sẵn sàng cho kế hoạch khai thác các chặng bay tầm trung và dài lên đến gần 12 nghìn km, an toàn, hiện đại và thân thiện với môi trường.

Đại diện Vietjet cho biết hãng sẽ tiếp tục thực hiện các dự án chuyển đổi số để thúc đẩy các dịch vụ gia tăng như cung cấp wireless, mua sắm, logistic, dịch vụ xét nghiệm, y tế, khách sạn.., trên các website, App của Vietjet.

Bên cạnh đó, Vietjet đang tăng cường các dịch vụ phục vụ mặt đất, dịch vụ đào tạo phi công, không chỉ phục vụ cho hãng mà còn hướng đến phục vụ cho các hãng hàng không trong khu vực.

Năm 2022, cùng với việc mở cửa hoàn toàn các đường bay quốc tế, đặc biệt là sự phát triển các khu du lịch, nghĩ dưỡng trên khắp cả nước, ngành hàng không Việt Nam được đánh giá sẽ hồi phục và phát triển mạnh mẽ kể từ năm 2022 và các năm tiếp theo.

Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không cho biết năm 2020 đại dịch Covid-19 khiến doanh thu ngành hàng không thế giới thâm hụt 327 tỉ USD khi giảm 60% lượng khách, tương ứng khoảng 2,89 tỉ lượt hành khách.

Năm 2021, do ảnh hưởng của Covid-19, đến nay chỉ còn khoảng 30 hãng hàng không nước ngoài từ các nước Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Trung Đông và Pháp khai thác các chuyển chở hàng hoá, nhà ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư, người lao động tay nghề cao, sinh viên nước ngoài… đi, đến Việt Nam.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem