Vụ chậm chi trả tiền Giải thưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước: 4 tháng mỏi mòn rồi chuyển khoản là xong?

Hà Tùng Long Thứ sáu, ngày 29/09/2023 13:35 PM (GMT+7)
Liên quan đến vụ chậm chi trả tiền Giải thưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng, phải có văn bản lí giải sự việc như thế nào đó chứ không phải chỉ chuyển tiền xong là hết trách nhiệm.
Bình luận 0

4 tháng mỏi mòn chờ tiền Giải thưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước

Sau khi nhiều tác giả đoạt giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh như: nhà văn Nguyễn Văn Thọ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, nhà thơ Đoàn Bổng… lên tiếng thể hiện sự bức xúc vì sau gần 4 tháng nhận giải thưởng, các tác giả vẫn chưa nhận được tiền thưởng thì chiều ngày 28/9, Bộ VHTTDL đã chính thức phản hồi về vụ này. Theo đó, ngay từ sớm, Bộ đã chủ động triển khai các bước phối hợp theo đúng quy trình; có công văn báo cáo cấp có thẩm quyền và các bộ, ngành liên quan nhằm sớm thực hiện thủ tục chi trả tiền thưởng cho các tác giả sau khi được vinh danh.

Vụ chậm chi trả tiền Giải thưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước: 4 tháng mỏi mòn rồi chuyển khoản là xong? - Ảnh 1.

Các tác giả nhận Giải thưởng Nhà nước vẫn mỏi mòn đợi tiền thưởng sau 4 tháng nhận quyết định. Ảnh: DV

Bộ VHTTDL đã có Công văn số 1322 gửi Bộ Tài chính về việc bổ sung kinh phí tiền thưởng; Công văn số 2488 gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà báo cáo kinh phí tiền thưởng xét tặng Giải thưởng.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, hồ sơ gửi kèm danh sách tác giả nhận thưởng thuộc các Hội Văn học nghệ thuật đặc thù như: Hội Nhạc sĩ, Hội Điện ảnh, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam không có cá nhân, tập thể thuộc Bộ VHTTDL. Điều này chưa đảm bảo quy định của Nghị định số 91/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều về Luật Thi đua, khen thưởng.

Vì thế, Bộ Tài chính đề nghị Bộ VHTTDL bổ sung báo cáo danh sách tên cá nhân nhận thưởng kèm theo tên đơn vị, cơ quan tương ứng theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành (phân định rõ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương), gửi Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung kinh phí theo quy định.

Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã yêu cầu Bộ VHTTDL nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính tại các văn bản trước đó về việc chi trả tiền thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật; trên cơ sở đó hoàn thiện đề xuất gửi Bộ Tài chính, thời gian trước ngày 30/9/2023.

Thực hiện chỉ đạo tại Công văn 7376, ngày 27/9/2023, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ đã ký Công văn số 4062 (tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính và hoàn thiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái), kèm danh sách cá nhân được nhận tiền thưởng (theo tên đơn vị, cơ quan) và dự toán kinh phí bổ sung cho từng đơn vị, cơ quan tương ứng theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

Sáng 28/9/2023, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã trực tiếp báo cáo Thủ tướng về những nội dung này. Theo đó, Thủ tướng đã có chỉ đạo các thủ tục hành hành chính liên quan cần được khẩn trương rút gọn, sớm trình Chính phủ cấp tiền khen thưởng cho các tác giả, đồng tác giả được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước trong thời gian sớm nhất.

Như vậy, trong số 128 tác giả được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT hôm 19/5, 114 người có hồ sơ do Bộ VHTTDL đề xuất, 14 tác giả còn lại do UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương nơi có hồ sơ trình Hội đồng cấp Nhà nước chịu trách nhiệm chi tiền. Trong 14 tác giả do tỉnh/thành phố đề xuất thì có tác giả Lê Khình (NSND Lê Khình - Giải thưởng Hồ Chí Minh do tỉnh đề xuất) ở Thái Nguyên đã được nhận. Theo nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên, NSND Lê Khình đã nhận tiền thưởng ngay khi có quyết định, trước lễ trao giải. Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa cũng đã trao tiền thưởng cho tác giả là nhạc sĩ Nguyễn Tiến Liêu và nhạc sĩ Hình Phước Liên (Giải thưởng Nhà nước). Còn 114 người có hồ sơ do Bộ VHTTDL đề xuất vẫn chưa ai được nhận đồng tiền thưởng nào.

Không phải chỉ chuyển khoản xong là hết trách nhiệm!

Chia sẻ với Dân Việt, nhiều tác giả cho rằng, bên cạnh việc vướng mắc thủ tục giữa Bộ VHTTDL và Bộ Tài chính thì câu chuyện văn hóa ứng xử ở đây cũng là một vấn đề đáng nói. Trong gần 4 tháng trời, dù bất kỳ lí do gì thì Bộ VHTTDL cũng không được phép "quên" gửi lời đến hơn 100 tác giả đoạt giải thưởng khi chưa nhận được tiền thưởng. Đó là chưa kể đến, đa số các tác giả đoạt giải đều đã ở tuổi cao, sống nay thác mai, bắt họ mỏi mòn chờ đợi mà không rõ khi nào được nhận là một điều không phải phép. Bản thân nhà văn Nguyễn Văn Thọ cũng phải thốt lên: "Con khóc mẹ nào cho bú/Mai bú rồi, thôi thế là xong…".

Vụ chậm chi trả tiền Giải thưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước: 4 tháng mỏi mòn rồi chuyển khoản là xong? - Ảnh 2.

Phu nhân nhạc sĩ Hồng Đăng nhận giải thưởng thay chồng hôm 19/5. Ảnh: Tùng Long

Trao đổi với Dân Việt, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật cho rằng: "Tôi đã tham gia 3 hội đồng xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT nên biết rõ, những lần trước đây, tiền thưởng chi trả cho các tác giả là trích từ ngân sách của Bộ VHTTDL nên họ rất chủ động. Năm nay, tôi không rõ thay đổi như thế nào, nhưng sự chậm trễ chi trả tiền giải thưởng cho các tác giả, để họ và gia đình phải chờ đợi 4 tháng mỏi mòn là một điều rất đáng trách. Tới đây, khi đã chi trả tiền thưởng cho các tác giả xong phải có một người phải đứng ra nhận trách nhiệm trước các tác giả và gia đình tác giả được trao tặng giải thưởng nói riêng, trước văn nghệ sĩ nước nhà nói chung, không thể chỉ chuyển tiền xong là xong trách nhiệm".

Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật, người xưa nói "của cho không bằng cách cho". Bộ VHTTDL hay Bộ Tài chính cũng chỉ là đơn vị thực thi quyết định của Chủ tịch nước. Không đơn vị nào được phép thực thi sai quyết định này cả.

"Trong số các tác giả được trao tặng và truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước hôm 19/5 vừa qua, có rất nhiều người đã qua đời, có nhiều người đã cao tuổi. Nhiều người rất trông mong vào số tiền thưởng để họ làm một số việc thỏa ý nguyện những năm tháng cuối đời. Nhiều gia đình cũng trông vào số tiền đó để làm những việc ý nghĩa cho người đã khuất. Chẳng hạn như gia đình nhạc sĩ Hồng Đăng, Văn Ký… họ có ý định xuất bản một số tập sách theo di nguyện của người quá cố nhưng vẫn cứ khắc khoải ngóng tiền thường.

Tôi còn biết, có tác giả khi đi nhận giải thì còn khỏe mạnh, sau khi nhận giải xong chưa thấy tiền thưởng đâu thì bị bệnh hiểm nghèo giờ nằm một chỗ, hoàn cảnh rất bi đát. Vậy mà 4 tháng trời, họ phải chờ đợi tiền thưởng trong mỏi mòn, một lời thông cảm từ phía đơn vị tổ chức là Bộ VHTTDL cũng không có. Điều này khiến tôi cũng như anh chị em đứng đầu các Hội nghề nghiệp rất buồn. Nhiều tác giả gọi điện cho ban chấp hành Hội hỏi mà không biết trả lời sao cho thỏa tình thỏa lý bởi cái này cũng vượt quá quyền hạn của Hội.

Tôi cho rằng, bên cạnh những vướng mắc về mặt thủ tục thì trong sự việc này cũng nên xem lại sự nguyên tắc và cứng nhắc trong lề lối làm việc của Bộ Tài chính và Bộ VHTTDL. Phải có sự tôn trọng đối với các văn nghệ sĩ tiêu biểu nhất của đất nước. Sự việc này bây giờ có khắc phục thế nào thì cũng đã để lại một dư âm không tốt trong lòng các tác giả và văn nghệ sĩ cả nước. Trong vụ việc này, Bộ VHTTDL phải chịu trách nhiệm trước tiên vì đây là đơn vị thay mặt cho Đảng và Nhà nước tổ chức sự kiện này từ đầu đến cuối. Và phải có văn bản lí giải sự việc như thế nào đó chứ không phải chỉ chuyển tiền xong là hết trách nhiệm. Ở đây chính là vấn đề đối nhân xử thế, văn hóa ứng xử đối với giới văn nghệ sĩ chứ không chỉ là chuyện chuyển tiền thưởng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem