Vụ cô gái bị sát hại ở Thủ Đức: Người đàn ông đứng nhìn rồi bỏ đi có liên đới trách nhiệm?

Quang Trung Thứ hai, ngày 02/10/2023 19:35 PM (GMT+7)
Trong vụ cô gái bị sát hại ở chợ đầu mối Thủ Đức, sau khi trích xuất camera thấy có một người đàn ông đứng nhìn, không can ngăn rồi bỏ đi. Vậy người này liệu có bị liên đới trách nhiệm?
Bình luận 0

Công an tạm giữ chồng của nghi phạm

Liên quan vụ cô gái bị sát hại ở chợ đầu mối Thủ Đức (phường Tam Bình, TP.Thủ Đức, TP.HCM), ngày 2/10, Công an TP.Thủ Đức phối hợp các đơn vị nghiệp vụ lấy lời khai hung thủ, điều tra làm rõ vụ việc.

Vụ cô gái bị sát hại ở Thủ Đức: Người đàn ông đứng nhìn rồi bỏ đi có liên đới trách nhiệm? - Ảnh 1.

Liên quan vụ cô gái bị sát hại ở chợ đầu mối Thủ Đức, camera ghi lại cảnh một người đàn ông chứng kiến sự việc nhưng chỉ đứng nhìn rồi sau đó bỏ đi. Ảnh cắt từ clip.

Danh tính nạn nhân được xác định là chị H.T.T.T (26 tuổi, quê Long An, ngụ TP.Thủ Đức), tử vong với nhiều vết thương hở ở đầu và ngực. Nghi phạm là Nguyễn Thị Ngọc Dung (39 tuổi, ngụ quận 12), là bạn hàng với nạn nhân.

Đồng thời, cơ quan này cũng đang tạm giữ chồng của nghi phạm Dung để điều tra về hành vi mang bộ đồ của Dung đi đốt.

Sáng cùng ngày, nghi phạm Dung khai với công an, không nhớ đâm nạn nhân T. bao nhiêu nhát dao. Pháp y thông báo với Dung gần 100 nhát, đưa hình chị T., nữ sát thủ tá hỏa, không dám xem hình.

Ngoài ra, có một chi tiết đang chú ý trong vụ việc là sau khi trích xuất camera, khi Dung ra tay với nạn nhân, có một người đàn ông nhìn, chứng kiến sự việc nhưng sau đó bỏ đi mà không can ngăn.

Trước đó, vào trưa 30/9, người dân sống gần chợ đầu mối nông sản Thủ Đức phát hiện một cô gái nằm bất động ở bãi xe trong chợ. Thấy trên người cô gái có vết máu, nhiều vết thương ở mặt, cổ...mọi người nhanh chóng đưa đi cấp cứu, nhưng nạn nhân đã tử vong.

Sau thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, người đàn ông chứng kiến sự việc nhưng chỉ nhìn rồi bỏ đi mà không cứu giúp hay hay hô hoán mọi người liệu có bị liên đới trách nhiệm?

Người đàn ông đứng nhìn có thể bị xử lý thế nào?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, theo thông tin ban đầu cho thấy hành vi của nghi phạm có tính chất côn đồ, có sự chuẩn bị, có dự mưu từ trước, hung khí là dao nhọn có khả năng sát thương cao, nghi phạm tấn công nạn nhân rất quyết liệt, hậu quả nạn nhân đã tử vong.

Bởi vậy, việc cơ quan điều tra khởi tố nghi phạm về tội Giết người theo quy định tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật hình sự là có căn cứ. Nếu bị chứng minh có tội, nghi phạm có thể phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Theo ông Cường, điều đáng chú ý trong vụ án này là có người đàn ông nhìn thấy sự việc nhưng lặng lẽ bỏ đi...Cơ quan điều tra sẽ làm rõ danh tính của người đàn ông này, làm rõ mối quan hệ giữa người đàn ông với nghi phạm gây án để xác định hành vi có đồng phạm hay không.

Trong trường hợp kết quả điều tra cho thấy người đàn ông này có cùng ý chí thực hiện hành vi phạm tội với nghi Dung, là người cảnh giới hoặc là người chở nghi phạm đi thực hiện hành vi phạm tội thì cơ quan điều tra có thể xử lý người đàn ông này với vai trò đồng phạm.

Còn trường hợp kết quả điều tra cho thấy người đàn ông không có mối quan hệ nào đối với nghi phạm, không có cùng ý chí thực hiện hành vi phạm tội thì cũng làm rõ hành vi không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

"Nếu kết quả điều tra cho thấy người đàn ông biết rõ hành vi của nghi phạm là muốn sát hại nạn nhân, bản thân có thể cứu giúp bằng nhiều cách như hô hoán, kêu cứu, can ngăn nhưng không thực hiện hành vi thì cũng có thể xử lý hình sự người này về tội Không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo Điều 132 Bộ luật hình sự" – ông Cường thông tin.

Vị chuyên gia nói thêm, cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng không chỉ là vấn đề đạo đức xã hội, là trách nhiệm công dân đối với cộng đồng mà còn là trách nhiệm pháp lý.

Việc cứu giúp người khác trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng có thể cứu được mạng người, ngăn chặn được hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Pháp luật không bắt buộc công dân phải lao vào đối tượng đang có hung khí để cứu người nhưng có rất nhiều cách để cứu người như hô hoán để nhiều người cùng tham gia ứng cứu, khiến cho đối tượng đang có ý định sát hại người khác có thể từ bỏ hành vi...

Ngoài ra, trường hợp nạn nhân bị thương tích nhưng được mang đi cấp cứu kịp thời cũng có thể được cứu sống, bảo toàn tính mạng.

Vì vậy, trong vụ việc này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ người đàn ông này có nhìn thấy nghi phạm đang sử dụng hung khí hay không, sẽ làm rõ nhận thức của người đàn ông đối với tình huống nguy hiểm đó và làm rõ vì sao người đàn ông này không có biểu hiện gì căn nhăn, hô hoán, cứu giúp nạn nhân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem