Vụ đường băng sân bay Vinh gặp sự cố: Khách hàng có được bồi thường thiệt hại?

Quang Trung Thứ tư, ngày 05/07/2023 06:04 AM (GMT+7)
Liên quan đến vụ đường băng sân bay Vinh gặp sự cố, chuyên gia pháp lý cho rằng, khách hàng có quyền yêu cầu các đơn vị liên quan bồi thường thiệt hại.
Bình luận 0

Sân bay Vinh đã hoạt động trở lại

Sáng 3/7, đường băng ở sân bay Vinh bất ngờ gặp sự cố khi lớp bê tông nhựa bề mặt bị bong một mảng lớn.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, qua đánh giá ban đầu, nguyên nhân sự cố có thể do nhiệt độ cao gây phồng rộp, bong bật mảng bê tông nhựa bề mặt đường cất hạ cánh.

Vụ đường băng sân bay Vinh gặp sự cố: Khách hàng có được bồi thường thiệt hại? - Ảnh 1.

Hình ảnh sự cố tại sân bay Vinh lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh: Chụp màn hình

Việc bong tróc đường băng cất hạ cánh đã khiến nhiều chuyến bay phải thay đổi lịch trình hoặc hủy chuyến. Một số chuyến bay của các hãng hàng không đến sân bay Vinh buộc chuyển hướng hạ cánh xuống sân bay ở Thanh Hóa.

Ngay khi phát hiện tình trạng hư hỏng đường cất hạ cánh, Cảng hàng không Vinh phát thông báo với lý do an toàn, xin lỗi tới các hành khách để hành khách nắm và chủ động kế hoạch của mình.

Phía Cảng hàng không Vinh lập tức huy động đơn vị thi công triển khai ngay công tác trám vá, khắc phục hư hỏng tại đường cất hạ cánh của sân bay.

Sau gần 16 tiếng sửa chữa, sân bay Vinh đón chuyến bay đầu tiên trong ngày lúc 8h20 ngày 4/7.

Khách hàng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, đây là sự cố đáng tiếc xảy ra trong lĩnh vực hàng không, gây ra nhiều phiền hà cho hành khách và thiệt hại cho các hãng hàng không, có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh, an toàn bay.

Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân sự cố này là gì, cơ quan quản lý có lường trước được hậu quả của sự việc hay không, công trình đã được thi công từ bao giờ, việc giám sát, nghiệm thu được thực hiện như thế nào?

Trên cơ sở đó sẽ đánh giá mặt đường băng hư hỏng là do yếu tố khách quan hay chủ quan, có lỗi của đơn vị quản lý, đơn vị thi công hay không.

Theo ông Cường, nếu có lỗi của tổ chức cá nhân có liên quan, sẽ xem xét trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật, trong đó có thể là trách nhiệm kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại.

Trường hợp kết quả xác minh cho thấy mặt đường băng hư hỏng là do hết tuổi thọ, việc thi công trước đây là đảm bảo đúng tiêu chuẩn kĩ thuật, việc giám sát và nghiệm thu công trình đúng quy định, sẽ không đặt ra trách nhiệm pháp lý của các tổ chức cá nhân.

Ông Cường cho rằng, đối với những hành khách bị lỡ chuyến bay có quyền yêu cầu các hãng hàng không xin lỗi, thậm chí còn có thể đề nghị bồi thường thiệt hại nếu có căn cứ chứng minh chuyến bay bị chậm là do lỗi của hãng hàng không hoặc của cảng hàng không.

Về nguyên tắc, việc bồi thường thiệt hại sẽ được đặt ra trong quan hệ dân sự, kinh tế nếu một bên có lỗi gây ra thiệt hại cho bên kia. Về mặt pháp lý, trong quan hệ dân sự, kinh tế mà phát sinh hành vi vi phạm, có lỗi dẫn đến thiệt hại cho một bên, bên bị thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra là bất khả kháng.

Bởi vậy, nếu hành khách yêu cầu bồi thường thiệt hại do chậm chuyến, đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không phải chứng minh sự cố xảy ra ở sân bay này là do nguyên nhân khách quan, không có lỗi của đơn vị khai thác vận hành bay cũng như của hãng hàng không.

Đồng thời, trường hợp khách hàng yêu cầu bồi thường thiệt hại cũng phải có nghĩa vụ chứng minh lỗi của bên bị yêu cầu bồi thường và thiệt hại thực tế đã xảy ra.

Nếu có tranh chấp dân sự xảy ra mà các bên không thỏa thuận được với nhau, có thể khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem