Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước: Cần cơ quan công an vào cuộc điều tra vụ nợ 8,5 triệu tính lãi thành 8,8 tỷ đồng

H.Anh Thứ sáu, ngày 15/03/2024 14:39 PM (GMT+7)
Liên quan đến vụ nợ 8,5 triệu tính lãi thành 8,8 tỷ đồng, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, có thể sẽ phải mời công an vào cuộc điều tra việc có hay không lừa đảo chiếm đoạt khi khách hàng cho biết không sử dụng thẻ tín dụng do Eximbank phát hành.
Bình luận 0

Vụ nợ 8,5 triệu tính lãi thành 8,8 tỷ đồng: Cần công an vào cuộc?

Ngoài ra, vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước này cho biết thêm, nếu có sự việc khách hàng không nhận đã tiêu 8,5 triệu đồng trong thẻ tín dụng, như vậy có người đang lợi dụng và phải tìm cho ra người đó là ai?

"Nếu ngân hàng không chứng minh được khách hàng đã nhận thẻ thì trách nhiệm thuộc về ngân hàng. Nếu chứng minh được khách hàng đã nhận thẻ thì lại chuyển sang câu chuyện tranh chấp dân sự. Hợp đồng đã ghi rõ, tòa án sẽ xử theo hợp đồng", ông nói và cho biết, cần phải kiểm tra lại toàn bộ quy trình giao nhận thẻ của khách hàng như thế nào?

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước: Cần cơ quan công an vào cuộc điều tra vụ nợ 8,5 triệu tính lãi thành 8,8 tỷ đồng- Ảnh 1.

"Nếu sự việc tranh chấp dân sự này được đưa ra tòa và tòa án yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xác nhận cách tính lãi của ngân hàng đúng hay sai, cơ quan này sẽ trả lời. Còn lại, việc tham gia vào tranh chấp dân sự không đúng thẩm quyền Ngân hàng Nhà nước", vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước này cho hay và nhấn mạnh, thẻ tín dụng có nhiều lợi ích, miễn lãi tới 45 ngày, nhưng khách hàng cần tìm hiểu kỹ khi sử dụng, tránh phát sinh nợ xấu.

Vụ nợ 8,5 triệu tính lãi thành 8,8 tỷ đồng: Lãi suất theo thỏa thuận của khách hàng và ngân hàng

Về lãi suất, theo quy định hiện hành lãi suất là do thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng. Một nhân viên làm việc tại một công ty tài chính cho biết, lãi suất thỏa thuận và tùy theo từng khách hàng, "có những khách hàng lãi suất tài chính lên tới 55%/năm", vị này cho hay.

Được biết, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh đã yêu cầu Eximbank chi nhánh Quảng Ninh có văn bản báo cáo về sự việc.

Trước đó, chia sẻ với Dân Việt, khách hàng trong vụ nợ 8,5 triệu tính lãi thành 8,8 tỷ đồng ở Quảng Ninh cho biết, ông không hề tiêu số tiền 8,5 triệu đồng trong thẻ tín dụng mở tại Eximbank. Thậm chí, đến hiện tại ông chưa nhận được thẻ tín dụng do Eximbank phát hành, mặc dù có làm hồ sơ mở thể và ký nhận thẻ.

Trao đổi về vụ nợ 8,5 triệu tính lãi thành 8,8 tỷ đồng, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho biết, dựa trên các số liệu về dư nợ và lãi phải thanh toán của khách hàng P.H.A, lãi suất bình quân khách hàng này phải chi trả trong 11 năm qua là 5,57%/tháng (khoảng gần 67%/năm). Khoản lãi suất này đã bao gồm: lãi quá hạn, phí phạt trả chậm và các khoản phí khác (nếu có).

Còn theo tìm hiểu tại Eximbank, lãi suất tài chính của thẻ tín dụng của ngân hàng hiện là 33%/năm. Lãi quá hạn không được ngân hàng công bố. Ngoài ra, trường hợp khách thanh toán trễ hạn sẽ phát sinh thêm phí trễ hạn là: 5%/số tiền thanh toán tối thiểu (tối thiểu 100.000 VNĐ). Cộng thức tính dư nợ tối thiểu sẽ là 5% x tổng dư nợ của kỳ sao kê.

Thẻ tín dụng sao kê hàng tháng, do đó nếu không trả nợ đúng hạn ngoài lãi suất thẻ tín dụng sẽ thêm các khoản phí, lãi phạt khác cộng dồn theo tháng, và dồn hàng năm sẽ lên con số rất lớn.

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, trên cơ sở quy định tại Điều 466, 468 BLDS 2015 và quy định tại Điều 91 Luật các TCTD 2010 và kế thừa quy định về lãi suất cho vay tại Thông tư 12/2010/TT-NHNN, Thông tư 08/2014/TT-NHNN, quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN đã quy định về lãi suất cho vay như sau:

Thứ nhất, tổ chức tín dụng (TCTD) và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp áp dụng mức lãi suất tối đa đối với cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với 05 lĩnh vực ưu tiên do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng thời kỳ.

Thứ hai, Thông tư 39/2016/TT-NHNN bổ sung quy định về nghĩa vụ trả lãi cho tiền lãi chậm trả, cụ thể: Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do TCTD và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.

Thứ ba, Thông tư 39/2016/TT-NHNN cũng quy định trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên phần dư nợ gốc quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả; lãi suất áp dụng do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem