Vụ nữ công nhân đâm chết người tại KCN Minh Hưng có phải là phòng vệ chính đáng?

Quang Trung Thứ sáu, ngày 11/03/2022 14:58 PM (GMT+7)
Theo chuyên gia, để xác định hành vi của Cúc có phải là phòng vệ chính đáng hay không, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của các nạn nhân có đang đe dọa uy hiếp tinh thần, tính mạng, sức khỏe của Cúc và của những người khác hay không.
Bình luận 0

Đâm chết người sau khi bị vây đánh 

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước đang điều tra làm rõ vụ án mạng trước cổng Công ty S&K (thuộc KCN Minh Hưng – Hàn Quốc, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) khiến 1 người tử vong, 2 người bị thương.

Theo điều tra ban đầu, vào ngày 8/3, Lê Thị Kim Cúc (SN 2001, ngụ tỉnh Bình Phước), là công nhân phân xưởng D và Nguyễn Thị Trang (SN 1992, ngụ Bình Phước), là phó quản lý xưởng D của Công ty S&K xảy ra mâu thuẫn cãi cọ với nhau.

Nữ công nhân đâm chết người khi bị vây đánh ở Bình Phước có phải là phòng vệ chính đáng? - Ảnh 1.

Lê Thị Kim Cúc tại cơ quan công an. Ảnh: CACC

Sau khi được người quản lý đứng giải hòa, hai người không còn cãi cọ và tiếp tục làm việc bình thường.

Trang sau đó rủ em là Nguyễn Thị Thùy và Trương Minh Du cùng hai thanh niên đứng đợi Cúc trước cổng công ty để giải quyết mâu thuẫn.

Theo điều tra, Trang gọi Cúc lại nói chuyện rồi cùng Thùy dùng nón bảo hiểm đánh đồng nghiệp. Còn Du thì tấn công chồng của Cúc.

Cúc lấy dao trong người ra đâm loạn xạ khiến chị em Trang bị thương. Thấy chồng mình bị Du đánh, Cúc xông đến đâm nhiều nhát khiến thanh niên gục tại chỗ. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Khi nào được xem là phòng vệ chính đáng? 

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, đây là một vụ việc nghiêm trọng, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác, gây mất an ninh trật tự, bởi vậy cơ quan điều tra sẽ làm rõ sự việc để xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Hành vi dùng dao đã chuẩn bị sẵn từ trước để đâm nhiều nhát vào người nạn nhân khiến nạn nhân tử vong có thể được xác định là hành vi giết người. Tuy nhiên cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ vụ việc có thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng hay phạm tội trong trường hợp tinh thần bị kích động mạnh trước khi quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng, Cúc sử dụng dao đâm nhiều nhát về phía các nạn nhân khiến một người tên Du tử vong do hai bên mâu thuẫn, xô xát với nhau.

Cơ quan điều tra sẽ làm rõ tại thời điểm Cúc dùng dao đâm về phía nạn nhân thì hành vi trước đó của các bên như thế nào, việc sử dụng dao có phải là tình huống không còn cách nào khác để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác hay không?

Theo quy định tại Điều 22 Bộ luật hình sự, "phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm".

Bởi vậy, để xác định hành vi của Cúc có phải là phòng vệ chính đáng hay không, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của các nạn nhân có đang đe dọa uy hiếp tinh thần, tính mạng, sức khỏe của Cúc và của những người khác hay không.

Hành vi sử dụng dao đâm vào nạn nhân có phải là cách duy nhất, không còn cách nào khác để bảo vệ tính mạng của mình hay không? Khi đó mới xác định là hành vi này có được xác định là phòng vệ chính đáng hay không.

Nếu trường hợp, kết quả điều tra cho thấy Cúc đã chuẩn bị 2 con dao nhọn từ trước, do mâu thuẫn nên Cúc cũng có ý định sẽ dùng dao để gây thương tích, thậm chí sát hại nạn nhân. Khi sự việc xảy ra, hai bên xông vào nhau thì Cúc đã cầm dao và đâm nạn nhân, hành vi này không được xác định là phòng vệ chính đáng, động cơ mục đích của hai bên là điều mong muốn gây thương tích cho nhau, xâm phạm tính mạng, sức khỏe của nhau nên hành vi của hai bên đều là vi phạm pháp luật.

Trong tình huống do mâu thuẫn từ trước mà hai bên hẹn địa điểm để đánh nhau, cùng muốn gây ra thương tích cho nhau, vậy cả hai bên đều bị xử lý hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích và tội gây rối trật tự công cộng tùy thuộc vào hành vi và hậu quả cụ thể của mỗi bên.

Còn trong trường hợp Cúc không có ý định đánh nạn nhân, hành vi ban đầu được xác định là phòng vệ chính đáng nhưng quá mức cần thiết sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Điều 22 Bộ luật hình sự cũng quy định: "Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.

Nếu trường hợp Cúc bị xử lý về tội giết người nhưng quá trình tố tụng có căn cứ cho thấy nạn nhân cũng có lỗi một phần, đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị can, bị cáo.

Ngoài ra, đối với những đối tượng có mặt trên hiện trường, có thực hiện hành vi đánh nhau mà gây ra thương tích cho người khác có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích.

Những đối tượng không gây thương tích cho người khác nhưng có tham gia đánh nhau sẽ bị xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng.

Các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ điều tra làm rõ 2 con dao này ở đâu mà có, đem theo vì mục đích gì, sự tương quan lực lượng giữa các bên có tương xứng hay không... để xác định có phải là phòng vệ chính đáng hay không?

Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm, tuy nhiên nếu hành vi của người phụ nữ này chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại thì là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự.

Có thể thấy ranh giới giữa phòng vệ chính đáng và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là vô cùng mong manh; trong thực tiễn áp dụng vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau về vấn đề này.

Trên thực tế khi một người rơi vào tình huống nguy hiểm, bị xâm hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản nghiêm trọng, đa số người bị xâm hại không thể kiểm soát được hành vi của bản thân, không đủ bình tĩnh để quyết định chống trả lại hành vi xâm hại như thế nào để không vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Bên cạnh đó, để xác định hành vi chống trả có tương xứng với hành vi xâm hại hay không, có quá đáng hay không thì phải xét toàn diện những tình tiết liên quan đến hành vi xâm hại và hành vi phòng vệ như khách thể cần bảo vệ, mức độ thiệt hại, cường độ của sự tấn công… Vì vậy, có rất nhiều khó khăn trong việc đánh giá giữa phòng vệ chính đáng và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem