Vụ việc khai thác đất trái phép tại Đông Triều (Quảng Ninh): Văn bản kỳ lạ của UBND xã Bình Khê

Nhóm PV điều tra Thứ năm, ngày 20/01/2022 10:12 AM (GMT+7)
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 01 của UBND xã Bình Khê, TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đối với việc khai thác đất trái phép tại thôn Quán Vuông có những nội dung mang dấu hiệu không phù hợp quy định pháp luật.
Bình luận 0

Trước đó, ngày 9/1, Dân Việt đăng bài viếtQuảng Ninh: Đại công trường khai thác đất sét lậu hoạt động "qua mặt" cơ quan chức năng?

Bài viết điều tra, phản ánh về hoạt động khai thác đất sét trái phép tại thôn Quán Vuông, xã Bình Khê, TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, đặt ra vấn đề buông lỏng quản lý khoáng sản ở địa phương này.

Vụ khai thác đất sét lậu tại Đông Triều: Văn bản "kỳ quặc" của xã Bình Khê - Ảnh 1.

Một trong những khu vực khai thác đất sét lậu tại khu vực thôn Quán Vuông, xã Bình Khê, TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Nhóm PV điều tra, chụp ngày 6/1).

Ngày 10/1, PV Dân Việt có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Ngoãn, Chủ tịch UBND TX Đông Triều.

Tại buổi làm việc, ông Ngoãn cho rằng, những hố moong sâu hàng chục mét ở thôn Quán Vuông chỉ là "do một hộ dân cải tạo moong để tích nước, phục vụ tưới tiêu".

Với hành vi hủy hoại đất, gia đình ông Chu Văn Minh đã bị UBND xã Bình Khê ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt 4 triệu đồng từ ngày 4/1.

Chủ tịch UBND TX Đông Triều còn khẳng định, lượng đất đá thải phát sinh được ông Minh cho các hộ dân khác trên địa bàn xã Bình Khê có nhu cầu xin đất tạp về phục vụ san lấp xây nhà, cải tạo vườn trồng cây lâu năm.

Vụ khai thác đất sét lậu tại Đông Triều: Văn bản "kỳ quặc" của xã Bình Khê - Ảnh 2.

Theo báo cáo số 10 của UBND TX Đông Triều, những hình ảnh này là "... việc san gạt lại mặt bằng hiện trạng của hộ ông Minh chưa hoàn thành. Đến ngày 6/1, UBND xã Bình Khê tiếp tục kiểm tra đôn đốc hộ gia đình ông Minh khẩn trương hoàn thành việc thực hiện san gạt mặt bằng hiện trạng tại khu vực theo chỉ đạo. Do vậy vẫn còn một số phương tiện hoạt động san gạt tại khu vực"(?). Ảnh: Nhóm PV điều tra, chụp ngày 6/1.

Để chứng minh chính quyền vào cuộc "quyết liệt", Chủ tịch UBND TX Đông Triều đã cung cấp cho PV Quyết định số 01 xử phạt vi phạm hành chính của UBND xã Bình Khê.

Trong Quyết định số 01 xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND xã Bình Khê, có căn cứ vào Nghị định số 91/2019/NĐ-CP.

Tại phần các biện pháp khắc phục hậu quả có nội dung: "Buộc san gạt trả lại mặt bằng khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm".

Điều 15 khoản 1 điểm d, Nghị định số 91 có quy định biện pháp khắc phục hậu quả như sau: "Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trường hợp người có hành vi vi phạm không chấp hành thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 64 của Luật đất đai".

Nghị định số 91 không quy định "San gạt trả lại mặt bằng" như trong Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND xã Bình Khê, mà chỉ có "Buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm".

Do đó, Chủ tịch UBND xã Bình Khê bổ sung "San gạt trả lại mặt bằng" vào quyết định xử phạt vi phạm hành chính là không có căn cứ pháp luật.

Vụ khai thác đất sét lậu tại Đông Triều: Văn bản "kỳ quặc" của xã Bình Khê - Ảnh 3.

Việc vận chuyển đất sét trên đường trung tâm xã Bình Khê cũng được lý giải là: "Lượng đất đá thải phát sinh được ông Minh cho các hộ dân khác trên địa bàn xã Bình Khê có nhu cầu xin đất tạp về phục vụ san lấp xây nhà, cải tạo vườn trồng cây lâu năm"(?). Ảnh: Nhóm PV điều tra, chụp ngày 6/1.

Thêm một vấn đề cần đặt ra, tại sao Chủ tịch UBND xã Bình Khê lại ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông Chu Văn Minh với hành vi hủy hoại đất?

Theo khoản 25 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013, hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.

Chủ thể được nhắc đến ở đây là người hủy hoại đất đối với loại đất mà họ được Nhà nước giao để sử dụng. Vấn đề cần làm rõ là khu vực khai thác khoáng sản ở thôn Quán Vuông có phải là đất mà ông Minh được Nhà nước giao hay không?

Tìm hiểu từ UBND xã Bình Khê, hộ ông Chu Văn Minh chỉ được giao diện tích đất tại thôn Trại Mới A, xã Bình Khê. Ông Minh không được giao đất tại thôn Quán Vuông.

Nếu ông Minh không được giao khu đất này, mà khai thác trái phép, thì không thể áp dụng Nghị định 91/2019 để xử phạt vi phạm hành chính với hành vi hủy hoại đất.

Sau khi báo chí phản ánh vụ việc, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có công văn giao Sở TNMT chủ trì phối hợp với các sở ban ngành và UBND Thị xã Đông Triều kiểm tra, xác minh; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền; báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 15/1/2022.

Tuy nhiên, đến nay kết quả thực hiện, xử lý vụ việc chưa được công khai đến dư luận. 

Luật sư Lê Cao Long, Ủy viên Ban thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Quảng Ninh:

Theo Khoản 2 Điều 4 Luật Khoáng sản 2010 thì chỉ được tiến hành hoạt động khoáng sản khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Do đó, ông Minh khai thác khoáng sản trái phép là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi khai thác khoáng sản trái phép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính (Điều 47 Nghị định 36/2020/NĐ-CP đã quy định rõ).

Đối với hành vi khai thác khoáng sản không có giấy phép khai thác khoáng sản tại khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản thì áp dụng mức phạt tiền cao nhất của khung phạt tương ứng với từng mức phạt quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này.

Hình thức xử phạt bổ sung áp dụng như khoản 4 Điều này.

Như vậy, ông Minh khai thác khoáng sản trái phép, không có giấy phép khai thác khoáng sản sẽ bị phạt tiền theo quy định nêu trên. Phụ thuộc vào phạm vi khai thác khoáng sản và lượng khoáng sản đã khai thác là bao nhiêu mà có từng mức phạt hành chính khác nhau.

Ngoài mức phạt tiền, ông Minh còn bị tịch thu toàn bộ khoáng sản được quy đổi bằng tiền, tịch thu phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

Ngoài ra, Điểm a Khoản 54 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 (sửa đổi Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015) quy định về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên như sau:

- Người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

+ Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

+ Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Như vậy, ông Minh khai thác khoáng sản trái phép, không có giấy phép khai thác còn có thể bị xử lý hình sự nếu thuộc vào các trường hợp nêu trên.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin sự việc.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem